Trước hết phải đọc kỹ, hiểu đúng
Như mọi quy định khác, muốn thực hiện hiệu quả Thông tư số 122/2024/TT-BQP ngày 31-12-2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam thì các chủ thể liên quan phải đọc kỹ, hiểu rõ nội dung của thông tư, nắm được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
Thực tế cho thấy, vì không nắm chắc điều này nên có những trường hợp chủ yếu đòi hỏi các chế độ, quyền lợi đơn thuần nặng tính cá nhân, góp ý không đúng nội dung, thiếu tính xây dựng, dân chủ vô nguyên tắc... Có trường hợp chiến sĩ mới đề đạt nguyện vọng một cách rất “vô tư” như: Đề nghị được sử dụng điện thoại di động, xin được về thăm gia đình vào ngày nghỉ cuối tuần, điều chỉnh thời gian biểu công tác... Tuy nhiên, điều này là do chiến sĩ chưa nắm rõ các quy định nên chỉ huy các cấp cần lắng nghe, giải thích để anh em hiểu, tránh mệnh lệnh nặng nề khiến chiến sĩ ngại thổ lộ, chia sẻ.
![Đêm sinh nhật đồng đội của chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692, Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Ảnh: MINH TÂM](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_16_51436120/3fd006893dc7d4998dd6.jpg)
Đêm sinh nhật đồng đội của chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692, Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Ảnh: MINH TÂM
Song song với công tác phổ biến, quán triệt quy định đến mọi quân nhân, chỉ huy các cấp cũng cần có nhận thức đúng và gương mẫu thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đa dạng hóa hình thức lắng nghe ý kiến của bộ đội và khuyến khích bộ đội bày tỏ chính kiến, kể cả những ý kiến trái chiều. Kịp thời giải đáp, giải quyết những thắc mắc chính đáng của bộ đội theo thẩm quyền; tránh tình trạng thực hiện dân chủ hình thức, hứa nhưng không thực hiện hoặc nói một đằng làm một nẻo dẫn đến mất niềm tin của bộ đội.
Tổ chức “hòm thư góp ý” và có hình thức phù hợp để tiếp nhận thông tin phản ánh, ý kiến của quân nhân một cách nhanh chóng, kịp thời. Thực hiện nghiêm các quy định về đối thoại dân chủ, giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị...; chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các biểu hiện trù dập, đe dọa người tham gia ý kiến, phản ánh... Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc phát huy dân chủ; phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, quy định của Bộ Quốc phòng về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Dân chủ ở các cơ quan, đơn vị Quân đội ngày càng mở rộng và toàn diện. Nhưng để phát huy được dân chủ thì trước hết, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nắm chắc, hiểu đúng các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam trên từng cương vị công tác.
Theo đó, khi tiến hành góp ý, quân nhân phải tuân thủ pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, quy định của Quân đội và với tinh thần xây dựng đơn vị, tuyệt đối không được ý kiến tùy tiện, không đúng sự thật; có ý kiến xuyên tạc hoặc nhằm mục đích vụ lợi cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết; ý kiến về dân chủ cần phải phù hợp với đạo đức xã hội; bảo vệ lợi ích và không cản trở hoạt động bình thường của cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Một điều cần lưu ý nữa là Quân đội có tổ chức biên chế chỉ huy từ cấp tiểu đội trở lên, nên việc đề đạt nguyện vọng, tham gia ý kiến phải báo cáo theo phân cấp chỉ huy, không ý kiến vượt cấp...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/truoc-het-phai-doc-ky-hieu-dung-815008