Phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ - Bài cuối: 'Mỏ vàng' tín chỉ carbon

Theo tính toán, ngành nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải). Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, Việt Nam có tiềm năng bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.

Tại Đông Nam Bộ, các lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…

Lực lượng Ban quản lý rừng chủ động tuần tra phòng cháy trong mùa khô. Ảnh: KgưỉH/TTXVN

Lực lượng Ban quản lý rừng chủ động tuần tra phòng cháy trong mùa khô. Ảnh: KgưỉH/TTXVN

Tiềm năng lớn

Nông nghiệp Đông Nam Bộ có cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon là rất lớn. Thị trường tín chỉ carbon được ví như mang đến nguồn nước mát, “dòng chảy”, cơ hội mới cho sự phát triển nông nghiệp xanh.

Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển thị trường carbon trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong lâm nghiệp, trồng trọt. Cụ thể, tỉnh có khoảng 175.000 ha cây ăn quả, cây công nghiệp và gần 182.000 ha rừng; trong đó, diện tích rừng tự nhiên gần 125.000 ha, là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên và tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất trong các tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ, trữ lượng carbon của rừng rất lớn, có thể lên đến 150 tấn/ha. Tới đây, khi có sàn giao dịch tín chỉ carbon, các doanh nghiệp phát thải nhiều (cả trong và ngoài tỉnh) có thể mua tín chỉ này. Đây sẽ là cơ hội để Đồng Nai khai thác các lợi thế từ rừng để tái đầu tư cho công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, với diện tích tự nhiên 30.164 ha; trong đó, có 17.000 ha rừng tự nhiên và 7.300 ha rừng trồng và một số diện tích thuộc quỹ đất trồng rừng là một tiềm năng lớn trong việc phát triển các dự án tín chỉ carbon tại Tây Ninh. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và hệ sinh thái đa dạng, Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng có thể tạo ra một lượng lớn tín chỉ carbon thông qua các biện pháp lâm sinh và quản lý rừng bền vững.

Bình Phước được xem là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ với diện tích trong quy hoạch ba loại rừng với khoảng 160.000 ha, lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Bộ. Vviệc tạo ra tín chỉ carbon để bán là tiềm năng to lớn để tái đầu tư cho rừng, cải thiện sinh kế cho người trồng rừng, đồng thời giúp cân bằng lượng khí thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp và đô thị hóa.

Cùng đó, Bình Phước còn có diện tích trồng điều gần 152.000 ha, chiếm 50,6% diện tích cả nước. Theo tính toán, cây điều tạo ra giá trị tín chỉ carbon rất cao. Bình quân mỗi cây điều có thể hấp thụ 400 kg carbon trong cả vòng đời. Nếu được trồng theo tiêu chuẩn quốc tế thì cứ 2,5 cây điều sẽ tạo ra 1 tín chỉ carbon.

Hiện nay, nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản ưu tiên cho các sản phẩm xanh, bền vững, thậm chí châu Âu còn áp dụng các tiêu chí xanh đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Do đó, khi ngành điều Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng chuyển sang con đường sản xuất xanh và phát triển bền vững sẽ góp phần giảm phát thải, đồng thời là lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đón đầu xu thế

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, trong tương lai, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày càng sôi động. Vì vậy, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp Việt Nam cần phải đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận ngay từ bây giờ.

Theo kế hoạch của Chính phủ, sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ vận hành thử nghiệm vào năm 2025 và vận hành chính thức 3 năm sau đó. Điều này mang lại tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ Carbon cho địa phương vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh… góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Tại Tây Ninh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecotree đã đề xuất khảo sát xây dựng thí điểm đề án tín chỉ carbon cho rừng trồng và rừng tự nhiên. Bước đầu, Ecotree đã triển khai khảo sát thực địa, làm cơ sở cho việc ký kết hợp tác với các đơn vị chủ rừng trên địa bàn. Để lập được hồ sơ xác nhận tín chỉ carbon, Ecotree sẽ chịu trách nhiệm chi phí đầu tư 100% vốn để triển khai thực hiện trồng mới trên đất trống, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, diện tích xúc tiến tái sinh có trồng rừng phòng hộ và đặc dụng của các chủ rừng. Đồng thời, Ecotree cam kết cải tạo, chăm sóc và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bình Phước với tiềm năng to lớn về rừng và nông nghiệp, được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển thị trường tín chỉ carbon. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, từ năm 2022, tỉnh Bình Phước đã triển khai chương trình trồng điều tạo chứng chỉ carbon với mục tiêu phát triển vùng trồng điều bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước - Phạm Thụy Luân cũng cho biết, Bình Phước phát triển vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn tập trung nhằm chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, tiêu dùng tại địa phương, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai.

Tỉnh phấn đấu nâng cao năng suất chất lượng các loại rừng, quy hoạch hài hòa các loại rừng, đảm bảo và đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng đạt 21%. Phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp; nâng cao đời sống của người dân làm nghề rừng, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 – 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Mặt khác, Bình Phước chọn các loài cây trồng lâm nghiệp sinh trưởng nhanh, cây địa phương phù hợp với từng điều kiện sinh thái và đáp ứng được yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi bất lợi của môi trường; ưu tiên phát triển giống bằng phương pháp mô, hom. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các cơ chế đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích các thành phần tham gia thực hiện bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức sản xuất chuỗi liên kết giữa tổ chức, cá nhân trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông, thực hiện mục tiêu về phát triển thị trường carbon trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn với tăng trưởng xanh và giảm thải carbon thấp, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương tập trung tuyên truyền, triển khai các chính sách về hỗ trợ sản xuất an toàn; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ; di dời, ngưng chăn nuôi các cơ sở không đảm bảo quy định về môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần huần, chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện tốt công tác trồng rừng, trồng cây xanh, nâng cao chất lượng rừng trồng gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng; đề xuất nhiệm vụ đặt hàng khoa học công nghệ về kinh tế tuần hoàn đối với sản phẩm nông nghiệp; rà soát xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành để làm cơ sở tính toán, kiểm kê phát thải nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Việc áp dụng tín chỉ carbon không chỉ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn mở ra thị trường mới cho các doanh nghiệp xanh. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế”, bà Huỳnh Thị Kim Châu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương cho biết.

“Quy hoạch nông nghiệp của Bình Dương đến năm 2050 không chỉ là một chiến lược phát triển kinh tế – xã hội mà còn là cam kết của địa phương trong việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ việc chuyển đổi cơ cấu ngành, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ đến triển khai cơ chế tín chỉ carbon, tất cả đều nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và xanh”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông khẳng định.

Nhật Bình – Giang Phương – Huyền Trang – Lê Xuân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-nong-nghiep-vung-dong-nam-bo-bai-cuoi-mo-vang-tin-chi-carbon-20250210202447493.htm