Trường còn thừa, thiếu giáo viên, làm sao để phân công giảng dạy công bằng?

Không thể vì thiếu giáo viên mà để trống tiết học, cũng không thể bố trí giáo viên dạy tăng tiết vượt quy định thì nhà trường phải làm như thế nào?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Ngay tại thời điểm hiện tại, các trường học trong cả nước đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của giáo viên.

Trong phạm vi bài viết này, người viết xin có đôi điều được chia sẻ xung quanh một số quy định chế độ làm việc đối với giáo viên bậc phổ thông hiện nay.

 Ảnh minh họa: P.L

Ảnh minh họa: P.L

Còn thừa thiếu giáo viên cục bộ khó công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường

Khoản 2, Điều 4 dự thảo Thông tư nêu, nguyên tắc xác định chế độ làm việc quy định như sau:

"Việc phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm quy định về định mức tiết dạy, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường."

Nhiều thầy cô giáo phân vân yêu cầu này khó thực hiện được trong bối cảnh khi mà nhiều trường trung học (cả 2 bậc học trung học phổ thông và trung học cơ sở) thừa thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.

Làm sao có thể phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên bảo đảm quy định về định mức tiết dạy, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường khi môn học này thừa giáo viên còn môn học kia lại thiếu giáo viên?

Ví dụ như tại địa phương tôi, môn Lịch sử & Địa lý tại một số trường thiếu giáo viên nhưng cũng không thể thuê giáo viên bên ngoài vào thỉnh giảng nên có trường học đã phải bố trí giáo viên môn học này dạy tới 25 tiết/tuần, có trường giáo viên còn phải dạy nhiều hơn thế.

Trong khi đó, cũng trường học này, nhiều môn học đủ giáo viên nên thầy cô chỉ dạy đủ tiêu chuẩn. Thậm chí có môn học thừa giáo viên nên có thầy cô chỉ dạy hơn 10 tiết/tuần (thiếu gần một nửa số tiết theo quy định). Việc phân công chuyên môn như vậy đã dẫn đến tình trạng, người dạy “mệt nghỉ", người lại dạy chưa đủ định mức quy định.

Đáng nói là một số trường học dù một số thầy cô đã dạy vượt số tiết theo quy định nhưng vẫn không được trả tiền tăng giờ vì phải bù cho những giáo viên dạy chưa đủ số tiết theo quy định. Điều này đã tạo ra sự bất công trong nhà trường.

Dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông đã quy định cần phải phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên về định mức tiết dạy công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường.

Tuy nhiên, bố trí giáo viên giảng dạy như thế nào để tạo được sự công bằng là điều không dễ. Giáo viên trung học cơ sở định mức dạy 19 tiết/tuần. Giáo viên trung học phổ thông, định mức dạy 17 tiết/tuần. Lẽ nào để tạo sự công bằng về định mức tiết dạy giữa các giáo viên trong trường, ban giám hiệu sẽ lấy tổng số tiết của cả trường chia đều cho mỗi giáo viên giảng dạy?

Nếu như thế, sẽ xảy ra tình trạng giáo viên dạy chéo phân môn của mình. Điều này, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả giáo dục.

Trước đây, để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên nên một số trường học đã phân công giáo viên Thể dục dạy thêm môn Lịch sử, Địa lý...

Có những học sinh chia sẻ, thầy cô dạy Thể dục vào dạy tiết Lịch sử, Địa lý khoảng 20 phút đã hết bài. Thời gian còn lại của tiết học (25 phút) thầy cô cho các em tự đọc bài trong sách giáo khoa. Vì thế, nhiều học sinh thấy chán tiết học nên chỉ ngồi chơi, nói chuyện.

Hay, có những thầy cô dạy Lịch sử, Lý, Hóa, Sinh qua dạy Toán khi gặp những học sinh có lực học tốt, có cách giải hay, sáng tạo đã làm những giáo viên này lúng túng.

Số tiết dạy vượt quá không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần gây khó

Khoản 2, Điều 4 dự thảo Thông tư về nguyên tắc xác định chế độ làm việc cũng đã nêu: “Trường hợp phải phân công giáo viên dạy nhiều hơn định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần (bao gồm cả các tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm) thì số tiết dạy vượt quá không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần”.

Hiện nay, giáo viên bậc trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần. Theo quy định này, giáo viên cấp học này chỉ được dạy thêm 4,25 tiết/tuần, tổng tiết dạy tối đa là 21,25 tiết/tuần. Cả năm, giáo viên sẽ dạy vượt không quá 148,75 tiết.

Giáo viên bậc trung học phổ thông dạy 19 tiết/tuần. Theo quy định này, giáo viên cấp học này chỉ được dạy thêm 4,75 tiết/tuần, tổng tiết dạy tối đa là 23,75 tiết/tuần. Cả năm, giáo viên sẽ dạy vượt không quá 166,25 tiết.

Thế nhưng, tại địa phương người viết, có trường trung học phổ thông và trung học cơ sở thiếu giáo viên ở một số môn học . Vì thế, những năm học trước đây, nhiều trường học đã phải bố trí giáo viên giảng dạy tăng tiết ở một số môn hơn 200 tiết/năm.

Điển hình như môn Nghệ thuật, Lịch sử & Địa lý, Ngữ văn… nhà trường phải bố trí giáo viên dạy vượt định mức khá nhiều. Có những thầy cô giáo không muốn dạy vượt tiết cũng không thể được vì không có giáo viên để hợp đồng vào giảng dạy.

Khi giáo viên chưa đủ thì khó có thể quy định cụ thể tiết dạy vượt định mức. Có trường tuyển dụng giáo viên hợp đồng cũng không có nguồn để tuyển. Vì thế, chỉ còn giải pháp bố trí cho chính giáo viên trong trường dạy tăng tiết.

Khi đã dạy tăng tiết (như việc đi làm tăng ca của người lao động) thì phải được trả thù lao, công sức thỏa đáng mới tạo được động lực.

Nhưng nếu quy định số tiết dạy tăng không vượt quá một con số cụ thể (đơn cử như 25%) trong khi trường học ấy lại thiếu giáo viên thì nhà trường vẫn phải phân công giáo viên dạy tăng nhiều hơn quy định nhưng thầy cô vẫn sẽ không được trả thù lao.

Điều này, sẽ làm khó nhà trường khi phân công chuyên môn, làm cho họ mất đi sự nhiệt huyết.

Không thể vì thiếu giáo viên để học sinh nghỉ học bộ môn ấy, cũng không thể bố trí giáo viên dạy tăng tiết vượt quy định thì phải làm thế nào?

Trước quy định mới của dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông lần này, lãnh đạo nhiều trường học ở không ít địa phương hiện đang thiếu giáo viên cảm thấy băn khoăn, lo lắng khi phân công chuyên môn.

Vì thế, theo người viết, Khoản 2, Điều 4 nên bỏ cụm từ “định mức tiết dạy” và điều chỉnh lại như sau: “Việc phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-con-thua-thieu-giao-vien-lam-sao-de-phan-cong-giang-day-cong-bang-post244078.gd