Trường đại học dự kiến hạ điểm chuẩn: Thí sinh tính toán đặt nguyện vọng
Trong bối cảnh đề thi tốt nghiệp THPT năm nay được đánh giá khó hơn năm trước, nhiều trường đại học dự kiến hạ mức điểm chuẩn xét tuyển. Đây là thông tin quan trọng thí sinh cần lưu ý để cân nhắc chọn nguyện vọng phù hợp.
Điểm chuẩn dự kiến giảm so với năm 2024
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được công bố vào ngày 16/7 tới đây. Thời điểm này, thông tin về điểm chuẩn của các trường đại học nhận được sự quan tâm đặc biệt của thí sinh và phụ huynh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ghi nhận nhiều điểm mới từ nội dung đến cấu trúc đề thi, trong đó đề các môn Toán và Tiếng Anh được đánh giá là khó hơn so với năm trước.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Chu Văn An. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Điều này không chỉ tác động đến phổ điểm chung mà còn khiến nhiều thí sinh lo lắng, cân nhắc chọn tổ hợp và đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Theo nhận định chung, điểm thi tốt nghiệp năm 2025 có thể sẽ thấp hơn năm 2024. Vì vậy, ngày 10/7, thông tin tới phóng viên Báo Đại đoàn kết, đại diện Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Thăng Long cho biết, hội đồng sẽ cân nhắc có thể hạ điểm chuẩn xét tuyển năm 2025.
"Mức điểm chuẩn sẽ căn cứ theo phổ điểm chung và có những điều chỉnh để phù hợp và đảm bảo cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh", đại diện Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Thăng Long thông tin.
Năm 2024, điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của Trường Đại học Thăng Long dao động từ 19,00 đến 25,80 điểm.
Trường Đại học Công Thương TPHCM cũng dự đoán điểm chuẩn năm 2025 sẽ giảm cho khối có môn Toán và Tiếng Anh.
Theo NGƯT.PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính, năm 2025, dự đoán phổ điểm bình quân của thí sinh sẽ thấp hơn so với các năm trước, do vậy công tác tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT có mức điểm chuẩn sẽ giảm.
Đặc biệt, điểm chuẩn trúng tuyển của các trường đại học tốp trên sẽ giảm từ 3 – 5 điểm. Nhiều trường sẽ có điểm chuẩn thấp, các trường tốp giữa dự kiến điểm chuẩn dao động giảm từ 3 – 4 điểm.
Về công tác tuyển sinh năm 2025 của Học viện Tài chính, trường sẽ có dải điểm chuẩn trải rộng có thể từ 22 – 28 điểm, không tập trung như năm 2024 (từ 26,03 – 26,85 thang điểm 30 và 34,35 – 36,15 thang điểm 40).
Như vậy, điểm chuẩn của một số ngành đào tạo của Học viện Tài chính có thể sẽ giảm hơn so với năm ngoái từ 3 – 4 điểm. Phổ điểm rộng sẽ là cơ hội cho thí sinh tự tin đăng ký vào đúng ngành học phù hợp để nâng cao khả năng đỗ vào học viện.
Tại Trường Đại học Ngoại thương, trường sẽ cân nhắc điều chỉnh điểm sàn 24 tổ hợp ba môn, sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh nên tận dụng nhiều phương thức xét tuyển
Theo kế hoạch, cùng thời điểm công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, ngày 16/7, thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến đến hết ngày 28/7 trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ. Thông tin dự báo về điểm chuẩn của các trường là dữ liệu quan trọng để thí sinh điều chỉnh tổ hợp xét tuyển và đặt thứ tự nguyện vọng phù hợp.
Thầy giáo Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho rằng, thí sinh nên tận dụng lợi thế biết điểm thi tốt nghiệp THPT để điều chỉnh tổ hợp và sắp xếp nguyện vọng đại học. Các em tránh dồn hết nguyện vọng vào các trường tốp trên mà không có phương án an toàn.
Thí sinh nên tận dụng nhiều phương thức xét tuyển và cần lưu ý, phải đăng ký tất cả các phương thức này trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT, kể cả khi đã đăng ký xét tuyển riêng tại các trường. Hệ thống sẽ tự động lựa chọn phương thức có điểm cao nhất để xét tuyển cho từng nguyện vọng.
Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh tránh thay đổi nguyện vọng chỉ vì nghe theo bạn bè hoặc vì sợ trượt. Mỗi lựa chọn cần dựa trên phân tích điểm thi, điểm chuẩn các năm trước và thông tin tuyển sinh chính thức từ các trường.