Trường đại học hội thảo bàn sâu về chính sách tiền lương

Thực hiện chính sách tiền lương đúng sẽ là động lực phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế, xã hội.

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” diễn ra ngày 25/7 tại Hà Nội. Hội thảo do Trường ĐH Công đoàn phối hợp với Cục Quan hệ lao động và tiền lương tổ chức.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn nhấn mạnh, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ là chủ đề luôn thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, các chủ thể tham gia quan hệ lao động, cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Thực tiễn quan hệ lao động tại các doanh nghiệp rất đa dạng, liên tục xuất hiện những vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi phải quan tâm nghiên cứu. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi ngày càng phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Do vậy, yêu cầu khách quan, cấp bách phải có những giải pháp khả thi xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp. Qua đó, góp phần ổn định môi trường đầu tư, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu tại Hội thảo.

Theo ThS Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong nền kinh tế thị trường, đối với khu vực sản xuất, kinh doanh, tiền lương là giá cả của sức lao động.

Tiền lương được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động, phù hợp với quan hệ cung - cầu, sức lao động trên thị trường và đảm bảo tuân thủ quy định về tiền lương của pháp luật.

Đối với người sử dụng lao động (doanh nghiệp), tiền lương là bộ phận cấu thành chi phí sản xuất kinh doanh. Vì vậy, tiền lương được tính toán và quản lý chặt chẽ. Đối với người lao động, tiền lương là bộ phận thu nhập từ quá trình lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống, khả năng tái sản xuất sức lao động của họ.

Chính sách tiền lương là bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, ThS Lê Đình Quảng cho rằng, chính sách này có liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người lao động.

Thực hiện chính sách tiền lương đúng không chỉ trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, mà còn thực hiện tốt hơn công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, phát triển thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham luận về cơ chế ba bên nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định; TS Nguyễn Duy Phúc - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Quan hệ lao động Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) – nhấn mạnh, cơ chế ba bên là cơ chế phổ biến nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động vào việc xây dựng chính sách và giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội.

Để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của của cơ chế ba bên, TS Nguyễn Duy Phúc cho rằng, một trong các giải pháp quan trọng là luật hóa vai trò của các thiết chế ba bên trong lĩnh vực quan hệ lao động, đảm bảo Ủy ban

Quan hệ lao động có vai trò chính thức trong các tiến trình xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật cũng như giải pháp đối với những vấn đề kinh tế xã hội có liên quan đến quan hệ lao động.

Hội thảo nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Là chủ thể đại diện người lao động trong quan hệ lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã, đang khẳng định vị thế và vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên và người lao động Việt Nam. Những kiến giải trong hội thảo là các giải pháp, gợi mở giúp cho tổ chức Công đoàn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong vai trò chủ thể đại diện người lao động, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động ở Việt Nam hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-dai-hoc-hoi-thao-ban-sau-ve-chinh-sach-tien-luong-post648011.html