Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM: Nguồn thu tăng mạnh nhưng từ NCKH mới đạt hơn 3%
Mặc dù hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của nhà trường đã có những đóng góp nhất định, nhưng vẫn chưa đạt 5%/năm theo chuẩn của Thông tư 01.
Qua tìm hiểu của phóng viên, tại báo cáo công khai tài chính năm 2023-2024 và năm 2022-2023 do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố, tổng thu có xu hướng tăng, từ 399,863 tỷ đồng (năm 2022) lên 466,841 tỷ đồng (năm 2023). Trong đó, các nguồn thu từ học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nguồn hợp pháp khác đều tăng.

Nguồn thu theo báo cáo công khai năm học năm 2023-2024 và năm học 2022-2023 do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan -Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên từ năm 2022 (năm học 2022-2023). Nguồn tài chính của nhà trường bao gồm: kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi đầu tư, chi không thường xuyên; nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đào tạo và sản xuất kinh doanh và nguồn tài trợ.
Trong bối cảnh tự chủ đại học, nhà trường luôn chú trọng, củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện nguồn thu nhập của viên chức và người lao động nhằm tạo ra nhiều đột phá để phát triển mạnh mẽ trong tương lai, phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững của đất nước, đảm bảo vị thế là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Năm học 2023- 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi các hoạt động sau đại dịch COVID-19, nhà trường đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Nhà trường đã xây dựng chiến lược tài chính với mục tiêu tăng thu, tiết kiệm chi trong quản lý tài chính, chiến lược này đòi hỏi nhà trường phải cân bằng giữa việc tối ưu hóa nguồn thu và kiểm soát chi phí một cách hiệu quả. Cụ thể:
Thứ nhất, tăng học phí một cách hợp lý khi triển khai thực hiện cơ chế tự chủ.
Cụ thể, điều chỉnh mức học phí dựa trên chất lượng đào tạo và nhu cầu của xã hội (học phí được chia thành nhiều nhóm ngành). Mở rộng hoạt động các trung tâm, dịch vụ và hoạt động liên kết đào tạo trong và ngoài nước, kể cả các loại hình đào tạo ngắn hạn để thu hút nhiều đối tượng học viên hơn. Cải tiến chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất để tạo giá trị thực cho học viên, giúp việc tăng mức học phí mà vẫn thu hút người học.
Thứ hai, mở rộng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo đó, đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, doanh nghiệp để thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng có tính thực tiễn cao. Tận dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp và các tổ chức quốc tế để thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh để gia tăng khả năng nhận tài trợ.
Thứ ba, khai thác các thế mạnh của nhà trường để tìm kiếm các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế.
Đơn cử như kêu gọi tài trợ từ cựu sinh viên, doanh nghiệp; Tổ chức các chương trình gây quỹ học bổng, kêu gọi đóng góp từ các mạnh thường quân.
Tóm lại, việc tăng tổng nguồn thu bền vững không chỉ dựa vào việc tăng học phí mà cần một chiến lược đa dạng hóa thu nhập, tận dụng tốt các nguồn lực sẵn có và mở rộng hợp tác với bên ngoài.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, qua số liệu mà nhà trường thống kê tại báo cáo công khai tài chính năm 2023-2024, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường đạt khoảng 3,4%.
Theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học có năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, thể hiện qua nguồn thu từ các hoạt động này và kết quả công bố khoa học. Tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.
Hơn nữa, mục tiêu chiến lược đăng tải tại website của nhà trường được đưa ra là "Xây dựng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trở thành trường đại học tự chủ, có hệ thống quản trị hiện đại, chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế".

Ảnh chụp màn hình mục tiêu chiến lược được đăng tải trên website nhà trường.
Trước thực tế này, Giáo sư Ngô Thị Phương Lan cho biết: “Theo báo cáo công khai tài chính năm 2023-2024, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường hiện chiếm khoảng 3,4% tổng thu. Mặc dù con số này cho thấy hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đã có những đóng góp nhất định, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu 5% theo chuẩn của Thông tư 01".
Cũng theo cô Lan, nhận thức rằng việc nâng cao tỷ trọng này là một nhiệm vụ quan trọng để hướng tới mục tiêu trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược, cụ thể như sau:
Tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu thông qua việc tuyển dụng, đào tạo các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học hàng đầu và hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh; Chủ động tham gia đấu thầu các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học từ ngân sách nhà nước.
Đẩy mạnh liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để tham gia các dự án lớn, trọng điểm qua đó thu hút thêm nguồn tài trợ; tận dụng chương trình tài trợ nghiên cứu từ các quỹ như Nafosted, World bank, …;
Khuyến khích giảng viên công bố bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín để gia tăng uy tín học thuật; Xây dựng chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học trong trường để tạo động lực cho giảng viên, sinh viên.
Tuy nhiên, do đặc thù của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các sản phẩm nghiên cứu thường mang tính lý thuyết, khó đo lường giá trị kinh tế trực tiếp và ít có khả năng thương mại hóa so với khoa học tự nhiên hoặc kỹ thuật. Điều này khiến việc tạo nguồn thu từ chuyển giao công nghệ gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, việc thu hút và giữ chân các nhà nghiên cứu hàng đầu là một thách thức lớn trong bối cảnh cạnh tranh với các đơn vị khác.
Mặc dù đối mặt với những khó khăn trên, nhà trường cam kết nỗ lực không ngừng để đạt mục tiêu 5% theo chuẩn của Thông tư 01. Với sự hỗ trợ từ các cấp quản lý, sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, cùng việc học hỏi kinh nghiệm từ các trường đại học tiên tiến, Nhà trường tin tưởng sẽ từng bước nâng cao tỷ trọng thu từ hoạt động khoa học và công nghệ”.