Trường Đại học Lạc Hồng tham gia đánh giá chất lượng tiêu chuẩn AUN-QA 3.0

Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) vừa tham gia đánh giá ngoài cấp cơ sở giáo dục của mạng lưới các trường đại học ASEAN theo tiêu chuẩn 3.0.

Tiến sĩ Lâm Thành Hiển - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Lạc Hồng (LHU - Đồng Nai) cho biết, ngày 10/6, tại trụ sở LHU đã khai mạc kỳ đánh giá ngoài cấp cơ sở giáo dục lần thứ 9 của mạng lưới các trường đại học ASEAN theo tiêu chuẩn 3.0 (AUN-QA 3.0).

Bộ tiêu chuẩn AUN-QA 3.0 bao gồm 15 tiêu chuẩn và 60 tiêu chí, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: bảo đảm chất lượng về chiến lược, bảo đảm chất lượng hệ thống, và bảo đảm chất lượng theo chức năng.

Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai).

Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai).

Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực Đông Nam Á có 8 cơ sở giáo dục đạt chuẩn AUN-QA, trong đó có 3 trường ĐH học của Việt Nam: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) đạt chuẩn vào tháng 1/2017; Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) đạt chuẩn vào tháng 11/2018 và Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) đạt chuẩn vào tháng 9/2017.

Tháng 7/2023, AUN-QA đã ban hành phiên bản 3.0 với nhiều thay đổi quan trọng, giảm từ 25 tiêu chuẩn còn 15 tiêu chuẩn và từ 111 tiêu chí còn 60 tiêu chí, với một số bổ sung tập trung vào các hoạt động của nhà trường hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.

Mô hình đánh giá theo tiêu chuẩn giáo dục phiên bản 2.0 của Tổ chức AUN.

Mô hình đánh giá theo tiêu chuẩn giáo dục phiên bản 2.0 của Tổ chức AUN.

Theo Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, tham gia kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA 3.0 không chỉ bảo đảm chất lượng giáo dục mà còn thúc đẩy các hoạt động hướng đến phát triển bền vững. Tham gia kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA 3.0 còn mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho người học và doanh nghiệp.

Cụ thể, người học, họ sẽ được học tập trong môi trường giáo dục chất lượng cao, nơi chương trình đào tạo được cập nhật và phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Điều này giúp họ phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng thực tiễn, tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Còn phía doanh nghiệp sẽ được tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp giảm thiểu chi phí đào tạo lại và tăng năng suất lao động.

Hơn nữa, các doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào quá trình đào tạo, từ đó bảo đảm chương trình học phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nâng cao sự chuẩn bị của sinh viên khi gia nhập thị trường lao động. Sự hợp tác này cũng mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong các lĩnh vực liên quan.

Tổ công tác của mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) tham gia đánh giá ngoài tại Trường Đại học Lạc Hồng.

Tổ công tác của mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) tham gia đánh giá ngoài tại Trường Đại học Lạc Hồng.

Trước đó năm 2016, bộ tiêu chuẩn đánh giá sở giáo dục phiên bản 2.0 của Tổ chức AUN ra đời đã giúp các cơ sở giáo dục tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững. Với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí được chia thành 4 nhóm: Đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); Kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí). Bộ tiêu chuẩn này được áp dụng đánh giá đầu tiên tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội vào tháng 1/2017.

Năm 2023, Bộ tiêu chuẩn Đánh giá cấp Cơ sở Phiên bản 3.0 chính thức được ra mắt. So với phiên bản trước đó, số tiêu chuẩn đã được rút gọn từ 25 xuống còn 15 tiêu chuẩn bao gồm:
1. Tầm nhìn, Sứ mệnh, Văn hóa và Quản trị
2. Lãnh đạo và Chiến lược
3. Nguồn nhân lực
4. Nguồn lực tài chính và vật chất
5. Quan hệ đối ngoại và mạng lưới
6. Chính sách giáo dục
7. Chính sách nghiên cứu
8. Chính sách phục vụ
9. Hệ thống đảm bảo chất lượng
10. Quản lý thông tin IQA
11. Nâng cao chất lượng
12. Kết quả giáo dục
13. Kết quả nghiên cứu
14. Kết quả dịch vụ
15. Kết quả tài chính và thị trường

GS.TS Nguyễn Quý Thanh - nguyên Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo Dục - ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết: Hội nhập và quốc tế hóa giáo dục đang là xu thế chủ đạo. Việc tiếp cận và chuyển đổi hệ thống giáo dục quốc gia, trường đại học theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế là rất cần thiết. Việt Nam đang là thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN, cho nên các trường đại học Việt Nam nếu có dịp “thử sức” trên sân chơi khu vực với bộ tiêu chuẩn của AUN-QA là rất hữu ích.

Bộ tiêu chuẩn AUN-QA được xây dựng phù hợp với Khung đảm bảo chất lượng của Đông Nam Á (AQAF), với Các Hướng dẫn và Tiêu chuẩn của Châu Âu (ESG 2015- Phần 1) và Khung thực hiện xuất sắc Baldridge (Giáo dục - 2015/2016) của Hoa Kỳ. Như vậy bộ chuẩn này có tính tương thích cao với các các tiêu chuẩn ở các khu vực Châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN.

Hưng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/truong-dai-hoc-lac-hong-tham-gia-danh-gia-chat-luong-tieu-chuan-aun-qa-30-d217536.html