Trường đại học ở Hà Nội, TP.HCM rất khó đạt chuẩn diện tích đất theo Thông tư 01

Nên áp dụng cách tính riêng về diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi đối với các trường đào tạo ngành đặc thù.

Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 22/3/2024. Theo ghi nhận từ phía cơ sở đào tạo, việc thực hiện một số tiêu chí của Chuẩn khiến cho không ít cơ sở giáo dục đại học gặp khó khăn, nhất là tiêu chí về diện tích đất.

Cụ thể, tiêu chí 3.1 của Thông tư số 01 quy định: “Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2”.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, xu hướng chung là sinh viên sẽ tập trung về các trường đại học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để học tập, trong khi quỹ đất của trường đại học ở 2 thành phố này không dễ để mở rộng thêm. Chưa kể, có những trường đặc thù (như lĩnh vực nghệ thuật) không cần đến diện tích đất quá lớn và cũng những trường với cơ cấu đào tạo lớn nên đòi hỏi diện tích đất cũng phải lớn để phục vụ đào tạo.

Do đó, một số ý kiến cho rằng, quy định về diện tích đất trong Chuẩn cần phân theo từng loại hình trường, cơ cấu đào tạo.

Khó đạt Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vì diện tích đất

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nhà trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên những đầu tư cơ sở vật chất về trung hạn, dài hạn cho nhà trường sẽ tùy thuộc vào mục tiêu, kế hoạch và chiến lược của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 Giờ thực hành kiểm tra các chỉ số y học trong hoạt động thể lực các sinh viên ngành Y Sinh học Thể dục thể thao Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Giờ thực hành kiểm tra các chỉ số y học trong hoạt động thể lực các sinh viên ngành Y Sinh học Thể dục thể thao Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, là yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học. Cô Linh cho biết hiện tại nhà trường đang cố gắng phấn đấu để đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn theo Thông tư số 01, tuy nhiên, tiêu chí 3.1 cũng phần nào gây khó khăn cho nhà trường.

Bởi, đối với các trường đào tạo ngành đặc thù như các nhóm ngành thể dục thể thao, việc áp dụng quy định diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi không nhỏ hơn 25m2 có phần chưa hợp lý.

"Nên áp dụng cách tính riêng về diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi đối với các trường đào tạo ngành đặc thù", cô Linh chia sẻ.

Lý giải về điều này, theo cô Linh, đối với một trường đào tạo ngành đặc thù như Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất phục vụ thực hành là ưu tiên hơn cả so với diện tích phòng học lý thuyết. Có những bộ môn yêu cầu địa điểm học phải đạt chuẩn về khuôn viên rộng. Do đó, nên có quy định cụ thể, linh hoạt hơn về diện tích đất đối với trường đào tạo ngành đặc thù như thể dục thể thao.

Quy định về diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2 cũng đang là khó khăn đối với Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Được biết, hiện nay diện tích đất bình quân trên một người học chính quy quy đổi của nhà trường vào khoảng 7,1m2.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ riêng nhà trường mà hiện nay có rất nhiều cơ sở giáo dục đại học, nhất là trường ở khu vực nội đô, quỹ đất hạn chế đang gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định Chuẩn về diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo.

“Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, không phải cứ muốn là sẽ có được thêm quỹ đất. Do đó, để đạt được quy định về diện tích đất như Chuẩn, cần thiết phải có sự chung tay hỗ trợ từ địa phương đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Từ thực tế hiện nay, nhà trường không có cách nào khác ngoài chờ nhà nước cấp đất, cũng như có biện pháp hỗ trợ để cải thiện diện tích đất”, thầy Nhân chia sẻ.

Cũng theo thầy Nhân, nhà trường đã thuê thêm một số cơ sở để mở rộng diện tích đất và hiện nhà trường có dự án Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tại Đồng Nai (với diện tích khoảng 12ha) đang tiến hành các thủ tục nhưng cũng khó đạt được tiêu chí về diện tích đất như Chuẩn quy định. Chính vì vậy, việc thực hiện tiêu chí 3.1 của Thông tư số 01 đối với nhà trường là một thách thức lớn và cần có sự quan tâm kịp thời của các cấp, ngành.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy định về diện tích đất cũng là khó khăn của nhiều trường đại học ở khu vực thành phố Hà Nội.

Đối chiếu với tiêu chí 3.1 của Thông tư số 01, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa bảo đảm được theo quy định của tiêu chí 3.1.

Trong tất cả các tiêu chí của Chuẩn, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ vướng mắc ở tiêu chí 3.1. Tuy nhiên, nhà trường đã có kế hoạch thực hiện để đạt được tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trong đó có quy định tiêu chí về diện tích đất.

Cụ thể, Đại học Bách khoa Hà Nội có gần 100ha cơ sở 2 tại tỉnh Hưng Yên đang được xúc tiến xây dựng. Do đó, trong tương lai, nhà trường sẽ đạt được tiêu chí 3.1.

Diện tích đất nên quy định như thế nào để gỡ khó cho trường?

Liên quan đến tiêu chí 3.1, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nêu rõ, tổng diện tích đất của cơ sở giáo dục đại học hoặc của một phân hiệu có nhân hệ số theo vị trí khuôn viên, chia cho số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học hoặc của phân hiệu. Trong đó, khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương có hệ số vị trí khuôn viên là 2,5, các khu vực còn lại có hệ số vị trí khuôn viên là 1.

Tuy nhiên trên thực tế, có những trường ở thành phố sau khi áp dụng cả hệ số vị trí khuôn viên là 2,5 vẫn không đạt tiêu chí 3.1.

Cô Linh chia sẻ, với những cơ sở giáo dục đại học ở các thành phố lớn, “tấc đất tấc vàng” nên rất khó để các trường này có thể đáp ứng được ngay tiêu chí về diện tích đất. Chính sách học bổng còn có sự ưu tiên cho từng đối tượng người học, theo vùng miền, vậy cớ sao áp dụng một cách cào bằng quy định về diện tích đất cho tất cả các trường? Quy định về chuẩn cơ sở vật chất cần phân theo từng loại hình trường, cơ cấu đào tạo, nhất là đối với các trường đào tạo ngành đặc thù; ngoài ra cũng có thể phân theo vùng miền, bởi những trường nằm ở khu vực thành phố lớn khó mở rộng diện tích đất trong thời gian ngắn.

Còn theo Trưởng phòng Phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, đối với những cơ sở giáo dục đại học hoạt động trước khi Chuẩn được ban hành, sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương chưa nhiều trong việc cấp đất cho trường nên việc thực hiện tiêu chí 3.1 rất khó khăn.

Hầu hết các trường đại học ở trong khu vực và trên thế giới có diện tích khá lớn, có trường lên đến hàng trăm, nghìn ha.

Còn đối với nhiều trường đại học ở Việt Nam, trong bối cảnh chuyển đổi số, chỉ tính riêng diện tích sàn xây dựng đã đủ để sinh viên hoạt động hiệu quả.

Để đạt được tiêu chí 3.1, bên cạnh sự quan tâm đầu tư quỹ đất cho trường, có thể nghiên cứu đến việc quy định về diện tích đất theo từng loại hình trường, cơ cấu đào tạo.

Thông tư số 01 có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2024, thầy Nhân bày tỏ, sau một thời gian thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên có công văn gửi các trường để ghi nhận những góp ý, đề xuất sao cho việc thực hiện Thông tư được thuận lợi hơn, kịp thời và nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về diện tích đất cho trường.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền cho rằng, quy định mà Chuẩn đưa ra là điều kiện tối thiểu các trường phải phấn đấu để đạt được. Với những cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành công nghệ kỹ thuật, các ngành đòi hỏi phải xây dựng xưởng thực hành, trang bị phòng thí nghiệm chắc chắn diện tích đất phải lớn.

“Cơ sở giáo dục đại học phải năng động, định hướng rõ ràng để khắc phục những khó khăn trong thực hiện tiêu chí về diện tích đất; đồng thời có thể kêu gọi sự quan tâm của nhà nước, huy động các nguồn đầu tư khác nhau cho trường”, thầy Điền chia sẻ.

Ngọc Đại

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-o-ha-noi-tphcm-rat-kho-dat-chuan-dien-tich-dat-theo-thong-tu-01-post247438.gd