Lo cơ hội trúng tuyển sớm ít đi, học sinh đổi chiến thuật ôn thi

Những ngày này, việc Bộ GD&ĐT dự kiến 'siết' xét tuyển sớm đã khiến học sinh bất ngờ, lo lắng. Nhiều em cho biết có thể phải điều chỉnh dự định khi chỉ còn một học kỳ nữa sẽ kết thúc năm học.

Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học năm 2025 với nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, dự thảo "siết" xét tuyển sớm xuống còn 20% đang khiến nhiều người quan tâm do việc khống chế này sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của thí sinh và công tác tuyển sinh của các trường đại học.

Học sinh bất ngờ

Những ngày gần đây, Bùi Lê Hoàng - học sinh lớp 12A10 Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Phú Thọ) khá bất ngờ và lo lắng trước những thông tin thay đổi ở kỳ thi tuyển sinh năm tới. "Hầu hết các bạn trong lớp em đều có dự định đăng ký xét tuyển sớm ở các trường đại học nên khi biết sẽ "siết" chỉ tiêu chúng em khá bối rối, một số dự định của chúng em có thể phải điều chỉnh. Chỉ tiêu ít đi thì em sẽ khó trúng tuyển sớm và sẽ phải cạnh tranh suất vào đại học ở đợt xét tuyển chung sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Em mong việc xét tuyển sớm được giữ ổn định như năm trước để em có cơ hội trúng tuyển sớm, giảm áp lực trong các kỳ thi sau đó".

Cùng tâm trạng, Trần Trâm Anh - học sinh lớp 12 Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho biết em vừa luyện thi lấy chứng chỉ IELTS vừa ôn tập chuẩn bị cho thi đánh giá năng lực làm các điều kiện xét tuyển sớm. "Em có phần lo lắng nếu "siết" chỉ tiêu vì cơ hội trúng tuyển sớm sẽ ít đi. Có thể, thời gian tới em sẽ phải đầu tư, tập trung nhiều hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT".

Nên xem xét lại cơ sở khoa học để đề xuất tỷ lệ 20%

Cô Nguyễn Kim Dung - giáo viên dạy một trường THPT cho biết, sau khi có những thông tin tuyển sinh hiện nay đã khiến học sinh, nhà trường bị rối và lo lắng. Hầu hết học sinh lớp 12 đều dự định sử dụng hình thức xét tuyển sớm để đăng ký vào đại học. Do vậy, với dự kiến mới này có thể buộc học sinh phải thay đổi dự định để dồn sức luyện thi tốt nghiệp THPT. "Chỉ còn một học kỳ nữa là kết thúc năm học, chúng tôi mong Bộ GD&ĐT cũng như các trường đại học sớm công bố phương án tuyển sinh chính thức để nhà trường và học sinh có nhiều thời gian chuẩn bị hơn, không bị bất ngờ".

Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong quá trình xét tuyển đại học năm 2025. Ảnh minh họa.

Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong quá trình xét tuyển đại học năm 2025. Ảnh minh họa.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, khái niệm "xét tuyển sớm" cần phải định nghĩa tường minh trong Quy chế để phân biệt giữa kết quả xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi tuyển bằng các kỳ thi độc lập, vì tỷ lệ trúng tuyển, chỉ tiêu và cách thức là khác nhau. Việc làm rõ khái niệm này sẽ tránh gây nhầm lẫn cho thí sinh, xã hội và các trường đại học.

GS.TS Nguyễn Đình Đức cho biết, trên thực tế, các phương thức xét tuyển sớm để tuyển chọn sinh viên giỏi từ các thành tích thi học sinh giỏi, từ các trường chuyên, các chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT,… (Đại học Quốc gia Hà Nội còn có chính sách đặc thù cho học sinh chuyên, cho học sinh chuyên học trước chương trình bậc đại học) đã cho thấy chất lượng đầu vào rất tốt và tin cậy. Việc các trường ra chính sách, phương thức riêng để tuyển sinh là phù hợp với Luật Giáo dục đại học. Phương thức đó lại tuyển được các em giỏi và tha thiết với nhà trường thì Bộ GD&ĐT nên ủng hộ. Điều này cũng phù hợp với thông lệ xét tuyển sớm của quốc tế.

Đối với quy định "chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo", theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nên xem xét lại cơ sở khoa học để đề xuất tỷ lệ 20%. "Tuyển sinh là việc của các trường đại học được quy định theo Luật, do đó tôi cho rằng Bộ GD&ĐT không nên can thiệp quá sâu và đưa ra tỷ lệ khống chế nếu các phương thức khác của các trường trên thực tế tuyển được các em sinh viên giỏi, có chất lượng đầu vào tốt".

TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm: "Dự thảo lần này Bộ GD&ĐT muốn lập lại trật tự trong tuyển sinh đại học là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, quy định giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm được đưa ra với lý do "đảm bảo công bằng" nhưng lại thiếu linh hoạt và không dựa trên cơ sở khoa học. Giới hạn đó không phù hợp với đặc thù của đa dạng ngành học và cơ sở giáo dục đại học. Thay vì áp đặt những rào cản không cần thiết, Bộ GD&ĐT cần xây dựng chính sách tuyển sinh dựa trên nghiên cứu khoa học, dữ liệu thực tế và quyền tự chủ của các trường. Chỉ khi đó, hệ thống tuyển sinh mới thực sự minh bạch, công bằng và phục vụ đúng mục tiêu giáo dục".

Lý giải nguyên nhân đưa ra chỉ tiêu xét tuyển sớm này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: "Quy định không xét tuyển sớm quá 20% chỉ tiêu sẽ góp phần khắc phục các bất cập phát sinh từ việc xét tuyển sớm nay việc các trường sẽ không phải dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho việc xét tuyển này hay việc nhiều học sinh lớp 12 lơ là học tập khi đã biết kết quả trúng tuyển.

Điều quan trọng nhất khi đưa ra tỷ lệ này là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

Việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm (mới phổ biến từ khoảng 5-6 năm trở lại đây) một cách khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lo-co-hoi-trung-tuyen-som-it-di-hoc-sinh-doi-chien-thuat-on-thi-169241129232147288.htm