Trường đại học sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng để thu hút GS, PGS về làm việc

Với chủ trương trọng dụng nhân tài, nhiều trường ĐH đẩy mạnh chính sách đầu tư trọng tâm, dài hạn, có trường chi hàng trăm triệu đồng thu hút GS, PGS.

Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên chính là một trong những giải pháp quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiện nay, nhiều trường đại học đã triển khai các cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng người tài, có năng lực, nhằm tạo đột phá trong chiến lược phát triển đội ngũ.

Nhiều trường không ngại chi “mạnh tay” với chính sách thu hút một lần những nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành ở mức cao

Thu hút một lần 500 triệu đồng với giáo sư dưới 50 tuổi

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing (đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tài chính) cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, nhà trường đã công bố công khai kế hoạch tuyển dụng và thu hút giảng viên trình độ cao với quy mô lớn.

Trong đợt tuyển dụng này, cơ sở đào tạo tuyển 43 chỉ tiêu theo hình thức xét tuyển. Trong đó, trọng tâm tuyển dụng giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên với số lượng 35 chỉ tiêu.

Đồng thời, trường xây dựng và ban hành chính sách đãi ngộ giảng viên quy định theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường. Cụ thể, người có chức danh giáo sư dưới 50 tuổi được nhà trường chi khoản kinh phí thu hút một lần là 500 triệu đồng; từ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 400 triệu đồng.

Đối với chức danh phó giáo sư, người dưới 50 tuổi là 300 triệu đồng, từ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 200 triệu đồng. Còn chính sách thu hút với tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài là 100 triệu đồng và tiến sĩ tốt nghiệp trong nước là 60 triệu đồng (không phân biệt độ tuổi).

Tất cả các trường hợp hưởng chính sách phải cam kết phục vụ trường ít nhất là 5 năm (60 tháng).

Trường Đại học Tài chính – Marketing hỗ trợ thu hút ban đầu đối với các giảng viên được tiếp nhận, tuyển dụng có chức danh phó giáo sư dưới 50 tuổi với mức 300 triệu đồng. Ảnh: Website nhà trường.

Chính sách này được áp dụng cho cả ứng viên trúng tuyển qua các kỳ tuyển dụng viên chức hàng năm của trường. Đặc biệt, từ năm 2018 - 2023, nhà trường phát huy công tác thu hút hiệu quả và tiếp nhận được 4 phó giáo sư và hơn 15 tiến sĩ.

Về tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên năm 2024, ngoài tiêu chuẩn, điều kiện chung theo quy định của Luật Viên chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chức, viên chức, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 và Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ, ứng với từng vị trí giảng viên thuộc các khoa chuyên môn sẽ có tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể.

Ngoài điều kiện học hàm, học vị, tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên của Trường Đại học Tài chính – Marketing đòi hỏi có thêm kinh nghiệm, năng lực ngoại ngữ, năng lực nghiên cứu khoa học, có tư duy quản lý giáo dục hiện đại, năng lượng tích cực, yêu nghề và tâm huyết truyền giảng tri thức, cống hiến cho xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu theo Chiến lược phát triển của trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mặt khác, chính sách này được nhà trường áp dụng công khai, minh bạch, không tiêu cực và công bằng đối với tất cả nhân tài hiện có và nhân tài tuyển dụng nhằm tạo cơ hội phát huy tối đa năng lực bản thân để thăng tiến sự nghiệp cá nhân.

Trường xây dựng chính sách chi trả thu nhập theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp dựa trên hiệu quả công việc thông qua các chỉ số đo lường đánh giá phù hợp với mô hình quản trị đại học. Đồng thời, cơ sở đào tạo đầu tư đủ mạnh và phù hợp với điều kiện thực tế, luôn điều chỉnh chính sách đãi ngộ, thể chế hóa và công khai Quy chế chi tiêu nội bộ của trường.

Theo Phó Giáo sư Phạm Tiến Đạt, Trường Đại học Tài chính – Marketing trong nhiều năm qua đã nhất quán chủ trương và kiên trì thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút giảng viên trình độ cao cam kết tâm huyết cống hiến lâu dài từ ngoài về làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại trường.

Điều này sẽ góp phần động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ hữu của nhà trường được yên tâm và tích cực trở thành các nhân tố nòng cốt, cống hiến vì sự phát triển bền vững nhà trường, đồng thời đóng góp hữu ích cho ngành Tài chính và xã hội.

Trường Đại học Tài chính – Marketing cam kết môi trường làm việc thuận lợi để đội ngũ giảng viên, viên chức có cơ hội phát triển bản thân và đóng góp cho trường. Ảnh: NTCC.

"Chìa khóa để tiến xa, có tính quan trọng và quyết định trong hành trình phát triển của trường là chính sách coi trọng đầu tư nguồn lực con người để phát triển đội ngũ nhân tài giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia quản lý giáo dục đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, nhất là có tài năng chuyên môn và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Nhà trường cam kết đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi, tích cực và hỗ trợ tối đa để đội ngũ có cơ hội phát triển bản thân và đóng góp cho sự vững mạnh của nhà trường”, Phó Giáo sư Phạm Tiến Đạt nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Chính sách thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành được Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện dựa trên các Nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Trường Đại học Khoa học tự nhiên cũng triển khai mục tiêu chính sách này với hai lý do. Thứ nhất, cơ sở đào tạo là một trong những trường thành viên của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh nên được định hướng thực hiện theo chiến lược phát triển chung của Đại học.

Thứ hai, dựa vào tình hình thực tế của nhà trường và từng khoa, cơ sở đào tạo tuyển dụng nhiều nhân lực trình độ cao, có năng lực cống hiến cho các ngành học đáp ứng nhu cầu của quốc gia nói chung và mục tiêu của nhà trường nói riêng, như: Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ sinh học, Công nghệ bán dẫn, Thiết kế vi mạch,... Ngoài ra, những lĩnh vực đào tạo khác trong trường đều tuyển dụng các ứng viên trình độ tiến sĩ, có nhiều nghiên cứu khoa học nổi bật.

“Chính sách mới này đang được thực hiện và sẽ tổng kết kết quả sơ kết sau 1 năm thực hiện. Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên. Vì vậy, tất cả nguồn chi cho các hoạt động chủ yếu từ nguồn thu của trường, và chính sách này không phải ngoại lệ.

Đối với Trường Đại học Khoa học tự nhiên, tỉ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động chiếm 99,5%. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm 65%, cao hơn nhiều so với chuẩn cơ sở giáo dục đại học”, Thạc sĩ Phùng Quán nêu thông tin.

Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Cần tạo dựng môi trường làm việc lý tưởng cho người tài

Bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong những năm trở lại đây, trường thu hút rất nhiều đội ngũ có trình độ cao, đặc biệt là nguồn nhân lực trong các ngành có nhu cầu cấp thiết như: Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh tế quốc tế,...

Trong 3 năm trở lại đây, nhà trường tuyển dụng đội ngũ trí thức chất lượng cao tối thiểu được từ 15 đến 20 phó giáo sư, tiến sĩ mỗi năm. Riêng năm nay, trường đã thu hút tổng cộng lên đến 9 người. Hiện nay, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh có tỉ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên rất cao (54,1%); và định hướng đến năm 2030, tỉ lệ này sẽ đạt khoảng 79%.

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư Nguyễn Đức Trung, để thu hút được nhiều giảng viên, các nhà khoa học có trình độ cao về làm việc, chủ trương của nhà trường luôn thực hiện một số vấn đề quan trọng sau:

Một là, về kinh tế, trường luôn đảm bảo mức thu nhập tốt, đầy đủ và hấp dẫn cho tất cả các giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục. Thể hiện sự tôn trọng trong việc trọng dụng người tài là tạo điều kiện thuận lợi giúp đội ngũ phát triển thành tựu cá nhân và sự tâm huyết cống hiến tích cực cùng nhà trường.

Hai là, đối với nhân lực trình độ cao, một yếu tố quan trọng cốt yếu nhất của nhà trường là tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, có tiềm năng phát triển, có nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học cùng nghiên cứu, trao đổi và xây dựng chuyên môn với nhau.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Cụ thể, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên đảm bảo đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất, bố trí tối đa phòng làm việc, phòng thí nghiệm, phòng nghỉ riêng,... để hỗ trợ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các thầy cô có điều kiện tốt nhất.

Đặc biệt, nhà trường đảm bảo cá thể hóa theo năng lực của mỗi cá nhân nhằm phát huy tối ưu điểm mạnh về chuyên môn nghiên cứu hoặc chuyên môn giảng dạy. Đồng thời, nhà trường quản lý nhân sự linh hoạt, sắp xếp thời gian phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của mỗi giảng viên.

Ngoài ra, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh kết nối hợp tác quốc tế với 62 trường đại học danh tiếng trên khắp thế giới như EM Normandie (Pháp), Anglia Rushkin, Bolton (Anh), Macquarie, Griffith, Adelaide (Úc),.... Theo các điều khoản quy định trao đổi giảng viên với các trường ở nước ngoài, đây là cơ hội thăng tiến cho các giảng viên có nguyện vọng nâng cao trình độ của mình.

Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo định hướng nâng cao chất lượng giáo dục, khẳng định uy tín của nhà trường qua việc thu hút được nhiều học viên có năng lực khá và giỏi. Trong nhiều năm gần đây, điểm chuẩn các ngành học của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh luôn đạt mức trên 24 điểm.

Điều này góp phần thể hiện chiến lược đào tạo tốt của nhà trường, từ đó thu hút nhiều giảng viên đến làm việc và giảng dạy người học có năng lực giỏi. Đây cũng chính là một trong những động lực xây dựng sự hài lòng và niềm tự hào cho các thầy cô.

Trong 3 năm trở lại đây, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tuyển dụng đội ngũ trí thức chất lượng cao tối thiểu được từ 15 đến 20 phó giáo sư, tiến sĩ mỗi năm. Ảnh: Website nhà trường.

Còn theo Phó Giáo sư Phạm Tiến Đạt, Trường Đại học Tài chính – Marketing cũng đảm bảo điều kiện về môi trường làm việc tiên tiến, thuận lợi tối đa để các cá nhân có cơ hội cộng tác cùng nhau phát triển mà không bị giới hạn.

Trường đầu tư kinh phí cho giảng viên, nghiên cứu viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành, học tập kinh nghiệm giáo dục hiện đại của các cơ sở khoa học đỉnh cao trong và ngoài nước.

Định hướng thời gian tới, nhà trường sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để điều kiện làm việc được tốt hơn, hỗ trợ giai đoạn đầu về chỗ ở cho các giảng viên cơ hữu thu hút từ các địa phương khác hoặc nhân tài thu hút từ ngoài nước.

Định hướng giải pháp cho vấn đề này, Thạc sĩ Phùng Quán chia sẻ: Muốn thu hút nhân lực chất lượng cao và tập hợp, duy trì được đội ngũ các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn, có năng lực nghiệp vụ; mỗi trường đại học phải là nơi xây dựng được môi trường làm việc tự do, dân chủ, khuyến khích lòng say mê, sáng tạo trong công việc và phải bố trí, phân công công việc phù hợp, biết tôn trọng nguyện vọng và sở trường của từng người.

Cơ sở đào tạo luôn cần tạo điều kiện thật sự tốt để các nhà khoa học có thể phát triển, chủ động trong nghiên cứu.

Bên cạnh đó, các trường đại học cần ban hành thực hiện những chính sách động viên, khuyến khích, đãi ngộ người tài, mở rộng lộ trình phát triển nghề nghiệp và thăng tiến trong công việc.

Cơ sở đào tạo chi trả mức thu nhập cho các nhà khoa học phải đủ sống, đủ lo cho gia đình để yên tâm công tác giảng dạy. Hơn nữa, trường đại học cần là nơi phát huy được ở mỗi cá nhân khả năng đóng góp, cống hiến, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa công nghệ vào cuộc sống.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-san-sang-chi-hang-tram-trieu-dong-de-thu-hut-gs-pgs-ve-lam-viec-post241816.gd