Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở 5 ngành mới, dự kiến tuyển 4.995 sinh viên

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2025.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thiên Ân

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thiên Ân

Theo đó, năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 4.995 sinh viên vào 50 ngành, chương trình đào tạo đại học chính quy thuộc 9 lĩnh vực, trong đó có 5 ngành mới: Công nghệ sinh học, Vật lí học (vật lí bán dẫn và kỹ thuật), Lịch sử, Xã hội học, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

Các phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2025 như sau:

Phương thức 1, xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025

Đối tượng, điều kiện xét tuyển: Ngoài việc thỏa mãn điều kiện chung, thí sinh đăng kí xét tuyển theo phương thức 1 cần phải tham dự Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 với các môn thi tương ứng với tổ hợp xét tuyển theo phương thức 1 vào ngành, chương trình đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng theo học.

Riêng với các ngành Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất, Sư phạm an ninh, Sư phạm mầm non, thí sinh còn phải tham dự Kỳ thi năng khiếu năm 2025 do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức để lấy điểm thi năng khiếu xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nguyên tắc xét tuyển: Điểm xét tuyển được xác định theo tổ hợp xét tuyển phương thức 1 vào từng ngành đào tạo, được quy về thang điểm 30 và tính điểm cộng ưu tiên theo khu vực, đối tượng chính sách theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhà trường sẽ thông báo ngưỡng điểm xét tuyển theo phương thức 1 sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên.

Phương thức 2, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội

Đối tượng xét tuyển thẳng:

Đối tượng XTT1: Trường xét tuyển thẳng các thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo Khoản 1, Khoản 2 - Điều 8 Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối tượng XTT2: Trường quy định bổ sung các điều kiện ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội căn cứ Khoản 5, Điều 8, Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và yêu cầu đầu vào của mỗi ngành đào tạo.

Điều kiện ưu tiên xét tuyển:

Ngoài việc thỏa mãn điều kiện chung, thí sinh đăng kí xét tuyển theo phương thức 2 – diện XTT2 cần tốt nghiệp trung học phổ thông trong năm 2025, có kết quả rèn luyện (hạnh kiểm) tất cả 6 học kì cấp trung học phổ thông đạt loại Tốt, có kết quả học tập (học lực) cả 3 năm cấp trung học phổ thông đạt loại Tốt (Giỏi) và phải thỏa mãn một trong các điều kiện quy định dưới đây:

+ Thí sinh là học sinh thuộc đội tuyển cấp tỉnh/thành phố (trực thuộc trung ương) hoặc đội tuyển của trường trung học phổ thông chuyên trực thuộc các trường đại học tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông hoặc cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học phổ thông (thứ tự ưu tiên 1 của XTT2).

+ Thí sinh là học sinh các trường trung học phổ thông chuyên (hoặc các trường THPT THSP trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh) (học đầy đủ 3 năm lớp 10, 11, 12) đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp trung học phổ thông (dành cho học sinh lớp 12) hoặc cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật (dành cho học sinh trung học phổ thông) cấp tỉnh/thành phố (trực thuộc trung ương)/trường đại học (thứ tự ưu tiên 2 của XTT2).

+ Thí sinh là học sinh các trường trung học phổ thông chuyên hoặc các trường THPT THSP trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh (học đầy đủ 3 năm lớp 10, 11, 12) (thứ tự ưu tiên 3 của XTT2).

+ Thí sinh là học sinh các trường trung học phổ thông khác đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp trung học phổ thông (dành cho học sinh lớp 12)/cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật (dành cho học sinh trung học phổ thôn) cấp tỉnh/thành phố (trực thuộc trung ương)/trường đại học hoặc thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: IELTS/TOEFL iBT/TOEIC; DELF/TCF; HSK và HSKK; chứng chỉ Tin học quốc tế MOS (đối với cả ba kĩ năng Word, Excel, PowerPoint); ngày cấp chứng chỉ không quá 2 năm tính đến ngày 19/5/2025 (thứ tự ưu tiên 4 của XTT2).

Phương thức 3, xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực - SPT năm 2025

Đối tượng, điều kiện xét tuyển: Ngoài việc thỏa mãn điều kiện chung, thí sinh đăng kí xét tuyển theo phương thức 3 vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần phải tham dự Kỳ thi SPT năm 2025 với các môn thi (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí) tương ứng với tổ hợp xét tuyển theo phương thức 3 vào ngành, chương trình đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng theo học.

Nhà trường lưu ý, thí sinh nếu đã dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trước ngày 19/5/2025 và không dự thi Kỳ thi SPT thì có thể đăng kí sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt để xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội theo phương thức 3.

Nguyên tắc xét tuyển: Điểm xét tuyển được xác định theo tổ hợp xét tuyển phương thức 3 vào từng ngành đào tạo, được quy về thang điểm 30 và tính điểm cộng ưu tiên theo khu vực, đối tượng chính sách theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhà trường sẽ thông báo ngưỡng điểm xét tuyển theo phương thức 3 sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên.

Thiên Ân

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/truong-dai-hoc-su-pham-ha-noi-mo-5-nganh-moi-du-kien-tuyen-4995-sinh-vien-179250122164056317.htm