Trường Đại học Tiền Giang: Đổi mới, phát triển và khẳng định vị thế
Trường Đại học Tiền Giang không chỉ là trung tâm đào tạo nhân lực quan trọng của tỉnh, mà còn góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực Nam bộ. Trước sự thay đổi nhanh chóng của giáo dục và xu hướng hội nhập, nhà trường đã có chiến lược phát triển toàn diện để khẳng định vị thế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Trong nhiều định hướng quan trọng, nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh hợp tác, nghiên cứu khoa học, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO - ĐỘNG LỰC THEN CHỐT
Chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của một cơ sở giáo dục đại học. Những năm qua, Trường Đại học Tiền Giang được biết đến là trung tâm đào tạo và nghiên cứu theo hướng ứng dụng với 17 ngành, nghề đào tạo.
Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ, trường đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hầu hết các ngành, nghề, lĩnh vực. Hằng năm, trường có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp đa dạng ngành, nghề, tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 90%.
Trường Đại học Tiền Giang vừa tổ chức Hội thảo “Xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đại học Tiền Giang giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045” thu hút nhiều diễn giả, khách mời tham gia, đóng góp cho nhà trường nhiều định hướng, chiến lược phát triển quan trọng trong thời gian tới.
Thời gian qua, nhà trường thường xuyên cải tiến các chương trình đào tạo, chú trọng đào tạo không chỉ về kiến thức, mà còn là kỹ năng, thái độ và hội nhập quốc tế. Tất cả các chương trình đào tạo cải tiến đã được áp dụng giảng dạy từ năm 2019. Năm 2020, nhà trường tiếp tục rà soát, điều chỉnh xây dựng lại tất cả các chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra Quốc tế CDIO phù hợp với tình hình thực tế, trong đó tăng cường các nội dung thực tập nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học, nhằm tăng cường kỹ năng nghề nghiệp thực tế, ngoại ngữ, tin học cho người học sau khi tốt nghiệp.
Thời gian qua, Trường Đại học Tiền Giang tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo.
Trường Đại học Tiền Giang đang hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Xác định nâng cao chất lượng đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong thời gian tới, nhà trường sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Một trong những giải pháp then chốt được TS. Ngô Tấn Lực, nguyên Hiệu trưởng nhà trường đề xuất là tối ưu hóa quản trị đại học và phát triển đội ngũ giảng viên. Cũng theo TS. Ngô Tấn Lực, Trường Đại học Tiền Giang cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo theo tín chỉ, gia tăng học phần tự chọn để sinh viên có thể linh hoạt định hướng nghề nghiệp. Đồng thời, việc liên kết với các trường phổ thông, cao đẳng và đại học khác sẽ giúp tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận sớm với môi trường đại học và nâng cao năng lực sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Quy mô tuyển sinh của Trường Đại học Tiền Giang trong 5 năm gần đây.
Còn về phương diện đào tạo, Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Trường Đại học Tiền Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa ngành học và ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy. Cụ thể, nhà trường cần cập nhật chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, mở rộng các ngành học mới phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đồng thời phát triển mạnh mẽ các khóa học trực tuyến, học tập kết hợp và cá nhân hóa học tập để tối ưu hóa trải nghiệm người học.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo các ngành, nghề, việc nâng cấp cơ sở vật chất cũng là một ưu tiên hàng đầu. Theo đó, trường cần đầu tư thêm phòng thí nghiệm hiện đại, thư viện số hóa và các khu ký túc xá tiện nghi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập, nghiên cứu và phát triển kỹ năng mềm. Cùng với đó, việc tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục cần được đẩy mạnh. Việc áp dụng các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế như AUN-QA hay ABET sẽ giúp nâng cao uy tín của Trường Đại học Tiền Giang trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Trong thời gian tới, trường cần tập trung vào chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giảng viên, đa dạng hóa chương trình đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và đầu tư cơ sở vật chất. Nếu triển khai hiệu quả, các giải pháp này sẽ giúp nhà trường không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục trong nước mà còn vươn xa hơn trong khu vực và quốc tế.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Tiền Giang cùng sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ giảng viên, viên chức nhà trường cho thấy, công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật trong năm học 2023 - 2024, trường có 1 đề tài nghiên cứu khoa học của viên chức nghiệm thu cấp Nhà nước; 2 đề tài nghiên cứu của viên chức nghiệm thu cấp tỉnh và 23 đề tài của viên chức, sinh viên cấp trường… Kết quả của những đề tài này đã mang lại những kinh nghiệm, sáng kiến, công trình khoa học quý giá, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Cùng với đó, trong nhiều năm nay, Trường Đại học Tiền Giang đã có các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước, qua đó nâng tổng số đơn vị có ký kết đào tạo đến nay hơn 100 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường có nhiều ngành, nghề đào tạo thường xuyên liên kết với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Để việc đẩy mạnh hợp tác cũng như nghiên cứu khoa học trong thời gian tới của nhà trường tiếp tục đạt được những kết quả nổi bật, theo Phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế Trường Đại học Tiền Giang, một trong những ưu tiên hàng đầu của nhà trường là thúc đẩy nghiên cứu khoa học ứng dụng, hướng tới giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương và khu vực. Để đạt được điều này, nhà trường cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh và khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia các dự án có tính ứng dụng cao.
Diện mạo khang trang Trường Đại học Tiền Giang tại cơ sở Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành.
Bên cạnh đó, Thạc sĩ Huỳnh Thị Ngọc Linh, Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường Đại học Tiền Giang nhấn mạnh vai trò của việc liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Hợp tác quốc tế không chỉ giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu, mà còn tạo cơ hội cho sinh viên và giảng viên tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, phương pháp nghiên cứu hiện đại. Nhà trường cần chủ động ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác, đồng thời tham gia các chương trình trao đổi học thuật, hội thảo quốc tế.
Ngoài ra, Theo Phòng Quản lý cơ sở vật chất thì để nghiên cứu khoa học phát triển bền vững, nhà trường cần đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất. Việc nâng cấp phòng thí nghiệm, thư viện số và hạ tầng công nghệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu, giúp sinh viên và giảng viên có thêm nguồn tài liệu phong phú cũng như môi trường nghiên cứu chuyên sâu.
Cùng với đó, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn trong các lĩnh vực nghiên cứu sẽ nâng cao hiệu quả và chất lượng của các công trình khoa học. Đồng thời, nhà trường cần thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - đại học nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Nhìn chung, chiến lược phát triển nghiên cứu khoa học và hợp tác của Trường Đại học Tiền Giang trong thời gian tới cần tập trung vào ba trụ cột chính: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, mở rộng hợp tác quốc tế và đầu tư vào cơ sở vật chất. Nếu triển khai đồng bộ, các giải pháp này sẽ giúp nhà trường nâng cao năng lực nghiên cứu, tăng cường vị thế học thuật và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Với định hướng chiến lược và những bước phát triển vững chắc, Trường Đại học Tiền Giang ngày càng khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học, đồng thời góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực Nam bộ. Bằng sự đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác, nhà trường không chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội, mà còn tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển trong tương lai.