Món quà ý nghĩa của thầy trò Trường Tiểu học và THCS A Xing
Phòng học được đặt theo tên đảo trong quần đảo Hoàng Sa không chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo mà còn hàm ý các em học sinh, thầy cô giáo ở vùng biên viễn này luôn nhớ đến 'việc tử tế' của các nhà hảo tâm và những người lính Biên phòng.
Xây phòng học cho em
Câu chuyện được bắt đầu từ việc cán bộ, nhân viên Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân quận Đống Đa (thành phố Hà Nội) và nhà hảo tâm Nguyễn Mai Lan (sinh sống và làm việc tại Hà Nội) tặng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing (xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) số tiền đủ để xây 2 phòng học. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa, quý giá đối với học sinh bởi sẽ việc có thêm phòng học mới có nghĩa là các em được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, tốt hơn. Các thầy, cô giáo, cán bộ, công nhân viên trong nhà trường coi đây là món quà đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 / 20-11-2024).
![Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh giúp Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing xây phòng học.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_16_51456370/3d1826d91197f8c9a186.jpg)
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh giúp Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing xây phòng học.
Biết Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing nhận được sự hỗ trợ xây dựng 2 phòng học, Đồn Biên phòng Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã quyết định “góp phần” bằng việc cử cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng công trình. Thực tế, giá nguyên vật liệu hay công xây dựng ở miền núi luôn cao hơn so với miền xuôi, bởi vậy mà cán bộ, chiến sĩ tới hỗ trợ nhân công sẽ giảm được chi phí, tiền của nhà tài trợ tập trung vào chất lượng công trình. Sự tích cực của cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành để đưa công trình sớm đi vào hoạt động.
Trung tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh cho biết: “Những năm qua đơn vị đã kêu gọi nhà hảo tâm tặng cả trăm bộ bàn ghế, tivi, hàng nghìn bộ quần áo, sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập và tổ chức những bữa tiệc buffet cho các trường học trên địa bàn. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, đơn vị đã nhận đỡ đầu nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo đó, hằng tháng, đơn vị hỗ trợ tiền, thăm hỏi, động viên và giữ mối liên hệ với các thầy, cô giáo để theo dõi sát sao việc học tập của các cháu học sinh được nhận đỡ đầu. Chúng tôi tin rằng, việc đồng hành này là động lực để các em học sinh nghèo vươn lên trong học tập, cuộc sống”.
![Đại diện lãnh đạo nhà trường, Đồn Biên phòng Thanh, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân quận Đống Đa và nhà hảo tâm ngày khánh thành, đặt tên cho phòng học “Tri Tôn”.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_16_51456370/af1c8addbd9354cd0d82.jpg)
Đại diện lãnh đạo nhà trường, Đồn Biên phòng Thanh, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân quận Đống Đa và nhà hảo tâm ngày khánh thành, đặt tên cho phòng học “Tri Tôn”.
Kể từ lúc “nhận việc”, hằng ngày, những cán bộ, chiến sĩ đã được phân công theo lịch, sau giờ ăn sáng di chuyển sang công trình xây dựng lớp học của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing để phụ giúp việc xây dựng. Hôm nay, tới phiên của Thiếu tá Hồ Văn Niên (Đội trưởng Đội Vũ trang), Trung úy Hồ Văn Sư (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng), Thượng úy QNCN Hồ Văn Chi (nhân viên Đội Vũ trang), Binh nhất Hồ Văn Trung (Đội Tham mưu - Hành chính). Công việc khá nặng nhọc, vất vả, nhất là trong tiết trời ngày đông ở biên giới, thế nhưng không một lời kêu ca, phàn nàn, bởi ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc mình đang làm. Nhìn những người lính Biên phòng nhỏ giọt mồ hôi giữa cái rét của mùa đông lạnh giá càng tô thắm thêm vẻ đẹp của người lính Cụ Hồ.
Lan tỏa yêu thương
Điều thú vị là câu chuyện riêng của các “thợ phụ” Biên phòng trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho các em học sinh trong trường. Thiếu tá Hồ Văn Niên, Trung úy Hồ Văn Sự, Thượng úy QNCN Hồ Văn Chi đều là người dân tộc Vân Kiều, sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị. Điểm chung là các anh có tuổi thơ khó khăn, vất vả, biết bao lần tưởng chừng phải lỡ dở con đường đến trường. Bởi vậy, hơn ai hết, các anh thấu hiểu rằng, tri thức mới giúp các em học sinh Vân Kiều, Pa Cô ở vùng Lìa này có cơ hội thay đổi cuộc sống. Thiếu tá Hồ Văn Niên khi mới nhập ngũ còn chưa tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhưng đã được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị tạo điều kiện tiếp tục học để phục vụ quê hương. Và, “sự đầu tư” của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị năm nào giờ đây đã thành công, bởi trong suốt quá trình công tác, anh luôn được chỉ huy, cán bộ trong đơn vị tin tưởng vì tính chịu thương, chịu khó và đầy trách nhiệm trong công việc.
![Thầy Nguyễn Mai Trọng (ngoài cùng bên trái) và các học sinh của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật năm học 2024-2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_16_51456370/026326a211ecf8b2a1fd.jpg)
Thầy Nguyễn Mai Trọng (ngoài cùng bên trái) và các học sinh của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật năm học 2024-2025.
Thượng úy QNCN Hồ Văn Chi sinh ra và lớn lên trong một gia đình Vân Kiều nghèo ở thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Anh chia sẻ về việc học của mình: “Ngày đó, để đi được từ Cù Bai về thị trấn Khe Sanh, chúng tôi phải đi bộ mất mấy ngày, theo đường mòn vắt qua những đỉnh núi, thậm chí đi sang cả đất Lào vì chưa có đường Hồ Chí Minh như bây giờ. Cũng bởi thế mà sĩ số học sinh rơi rớt dần, không phải ai cũng kiên trì được với con đường đến trường”. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả cũng như giá trị của con chữ đối với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới, Thượng úy QNCN Hồ Văn Chi thấy việc làm của mình và đồng đội càng trở nên ý nghĩa, bởi vậy mà luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing cho biết: “Hai phòng học có diện tích 96m2, trị giá gần 500 triệu đồng này góp phần nâng cao cơ sở vật chất và chất lượng dạy học của nhà trường. Chúng tôi, những người làm nghề dạy chữ chỉ mong các em được đi học và được học trong môi trường lành mạnh, đầy đủ. Có con chữ, các em có cơ hội để thay đổi cuộc sống của mình”.
![Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing luôn quan tâm phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho học sinh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_16_51456370/0aae296f1e21f77fae30.jpg)
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing luôn quan tâm phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho học sinh.
Nói về việc đặt tên cho phòng học bằng cái tên “Tri Tôn”, thầy Nguyễn Mai Trọng chia sẻ: “Tri Tôn là tên của một đảo trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chúng tôi đặt tên Tri Tôn như một cách tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cũng là một cách nhắc nhở các em học sinh về luôn nhớ về những người đã chung tay tạo nên món quà vô cùng ý nghĩa này. Những năm qua, nhà trường đã nhận được sự ủng hộ, chung tay của các nhà hảo tâm, tặng bàn ghế, sách vở, đồ dùng học tập, quần áo và cả nhu yếu phẩm để có điều kiện tốt nhất tiếp sức cho học sinh đến trường”. Có thể thấy, việc làm của các nhà hảo tâm, thầy, cô giáo và những người lính Biên phòng là điểm tựa, động lực bước tiếp trên hành trình giấc mơ con chữ và như ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn cho các em học sinh Vân Kiều, Pa Cô thân yêu giữa ngày đông giá rét.