Trường ĐH Lâm nghiệp: Có ngành tuyển vượt gần 3 lần, ngành không có SV nhập học

Công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, nhiều ngành không đạt chỉ tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xu thế thay đổi lựa chọn ngành nghề của thí sinh.

Trường Đại học Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập theo Quyết định số 127/CP ngày 19/8/1964 của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở tách Khoa Lâm nghiệp và Tổ Cơ giới khai thác Lâm nghiệp trong Trường Đại học Nông lâm (nay là Học Viện Nông nghiệp Việt Nam).

Từ năm 1964 -1984, Trường đóng trên địa bàn 2 xã Bình Dương và An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Năm 1984, Trường chuyển về và đóng trên địa bàn thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Trường có 2 phân hiệu: (1) Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai theo Quyết định số 4213/QĐ-BGDĐT ngày 05/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở nâng cấp Cơ sở 2 Trường Đại học Lâm nghiệp tại Trảng Bom, Đồng Nai (được thành lập theo Quyết định số 240/QĐ-BNN-TCCB ngày 28/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); (2) Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Gia Lai (được thành lập theo Quyết định số 2020/QĐ-BGDĐT ngày 20/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) trên cơ sở sáp nhập Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên vào Trường Đại học Lâm nghiệp.

Sứ mệnh của trường là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao khoa học công nghệ chất lượng cao về lĩnh vực lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, kỹ thuật, công nghệ và kinh tế chính sách đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Lâm nghiệp là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Quốc An; Hiệu trưởng là Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Điển.

Có ngành không có sinh viên nhập học

Khảo sát của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại Đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Lâm nghiệp cho thấy, theo bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm học gần nhất với năm tuyển sinh (năm 2021 và 2022) có sự chênh lệch khá lớn ở số chỉ tiêu tuyển sinh và sinh viên trúng tuyển nhập học của hầu hết ngành học. Theo đó, có những ngành lượng sinh viên trúng tuyển nhập học vượt xa chỉ tiêu tuyển sinh, tuy nhiên cũng có rất nhiều ngành số sinh viên trúng tuyển nhập học lại chưa đạt chỉ tiêu được phê duyệt.

Cụ thể, có những ngành tuyển vượt gấp 2,7 lần so với chỉ tiêu nhưng cũng có những ngành lượng sinh viên trúng tuyển nhập học chỉ ở mức khoảng 1/5 so với chỉ tiêu được phê duyệt. Chi tiết như sau:

Có thể thấy như, ngành Công tác xã hội, lượng sinh viên trúng tuyển nhập học ở cả 2 năm chỉ ở mức khoảng 1/5 so với chỉ tiêu đề ra. Ngành Công nghệ chế biến lâm sản số thí sinh nhập 2 năm liên tiếp thấp (năm 2021 chỉ có khoảng 1/4 sinh viên trúng tuyển nhập học so với chỉ tiêu và chưa được 1/2 so với chỉ tiêu ở mùa tuyển sinh năm 2022). Ngành Kỹ thuật xây dựng, cả 2 năm liền số sinh viên trúng tuyển nhập học đều chưa đạt 1/2 so với chỉ tiêu...

Theo Khoản 3, Điều 10, Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh giáo dục nêu rõ vi phạm về chỉ tiêu tuyển sinh như sau: 3. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

Đáng nói, có những ngành số sinh viên nhập học ở mức rất thấp. Cụ thể, ngành Công nghệ sinh học có 8 sinh viên trúng tuyển nhập học (năm 2021); ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên chỉ có 5 sinh viên nhập học (năm 2021); ngành Bất động sản có 3 sinh viên nhập học (năm 2022). Đáng chú ý, năm 2022, ngành Du lịch sinh thái không có sinh viên trúng tuyển nhập học dù chỉ tiêu tuyển sinh là 30.

Là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực lâm nghiệp, tài nguyên môi trường… tuy nhiên, theo số liệu thống kê, những ngành đào tạo trong lĩnh vực này của Trường Đại học Lâm nghiệp những năm gần đây rất ít người đăng ký học. Điều đó được chứng minh qua tỉ lệ sinh viên trúng tuyển nhập học ở các ngành này rất thấp, không đạt đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong văn bản trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Toại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp thông tin, nhà trường tổ chức tuyển sinh 23 ngành học ở năm 2021 và 21 ngành học ở năm 2022. Thời gian này, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xu thế thay đổi trong lựa chọn ngành nghề của thí sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Toại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: website trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Toại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: website trường.

Về một số ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong năm 2021, thầy Toại chia sẻ, số thí sinh trúng tuyển và xác nhận nhập học trực tuyến đối với ngành Hệ thống thông tin là 135 người (vượt 2,7 lần so với chỉ tiêu); tuy nhiên số sinh viên nhập học thực tế là 61 sinh viên.

Đối với ngành tuyển sinh không đạt chỉ tiêu ở cả 2 năm (2021 và 2022), Phó Giáo sư Phạm Minh Toại lý giải, đây là khó khăn chung của nhiều trường đại học trong bối cảnh chưa kịp thích ứng với dịch bệnh Covid-19 và xu thế thay đổi của xã hội. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động chung của nhà trường, trong đó có hoạt động triển khai đào tạo, quản lý sử dụng giảng viên, giảm nguồn thu từ học phí. Tuy nhiên, điều này cũng thúc đẩy nhà trường tăng cường các hoạt động khoa học tư vấn và một số dịch vụ có thu khác.

Phó Giáo sư Phạm Minh Toại chia sẻ thêm, năm 2023, nhà trường tổ chức tuyển sinh 25 ngành học. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn trường tuyển được 1.815 sinh viên, trong đó hệ chính quy là 1.484 sinh viên và hệ vừa học vừa làm là 331 sinh viên.

Theo thầy Toại, từ nay đến 31/12/2023, nhà trường tiếp tục tuyển sinh hệ đào tạo từ xa và vừa học vừa làm, dự kiến thu được kết quả tốt.

Vị này cũng cho biết, mặc dù tổng quy mô tuyển sinh bậc đại học năm 2023 có xu hướng tăng so với một số năm trước, nhưng vẫn còn bất cập ở một số ngành. Nhà trường đang tiếp tục áp dụng các giải pháp tổng thể để giải quyết các vấn đề trên.

Trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: website trường.

Trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: website trường.

Giảng viên tham gia giảng dạy ở trình độ tiến sĩ có xu hướng giảm

Cơ cấu giảng viên của Trường Đại học Lâm nghiệp.

Cơ cấu giảng viên của Trường Đại học Lâm nghiệp.

Nhìn vào bảng thống kê, có thể thấy, số lượng giảng viên tham gia đào tạo tiến sĩ có xu hướng giảm so với 2 năm học trước đó.

Thống kê số lượng giảng viên toàn thời gian tham gia giảng dạy trình độ tiến sĩ năm học 2022-2023 là 55 giảng viên, giảm 54,5% so với năm học 2020-2021 (121 giảng viên) và giảm 21,4% so với năm học 2021-2022 (70 giảng viên).

Giảng viên toàn thời gian giảng dạy ở trình độ thạc sĩ có sự biến động nhẹ trong 3 năm khảo sát. Theo đó, năm học 2022-2023 giảm 6 giảng viên so với năm học 2020-2021. Còn so sánh với năm học 2021-2022, lượng giảng viên năm học 2022-2023 lại tăng 7 người.

Thống kê lượng giảng viên tham gia giảng dạy cho trình độ đại học, năm học 2020 - 2021 có tổng 430 giảng viên, năm học 2021-2022 giảm xuống còn 378 giảng viên và năm học 2022-2023, lượng giảng viên lại tăng nâng tổng số lên 427 giảng viên.

Lý giải về số lượng giảng viên tham gia giảng dạy ở các bậc có sự biến động giữa các năm, thầy Toại cho biết, đó là do sự thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh của từng khối ngành và do biến động đội ngũ giảng viên của nhà trường: chuyển công tác, nâng bậc trình độ, nghỉ hưu.

Minh An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-lam-nghiep-co-nganh-tuyen-vuot-gan-3-lan-nganh-khong-co-sv-nhap-hoc-post238921.gd