Trường ĐH Y Dược TPHCM mở thêm ngành công tác xã hội: Các bệnh viện đều cần
Toàn bộ 12 bệnh viện được Trường ĐH Y Dược TPHCM khảo sát đều cho rằng hoạt động của cử nhân công tác xã hội trong bệnh viện là cần thiết.
Trường ĐH Y Dược TPHCM sẽ mở ngành công tác xã hội năm nay, tuyển sinh khóa 1 với 60 sinh viên và trở thành trường công lập đào tạo ngành y dược phía Nam đầu tiên mở ngành này.
Sinh viên tốt nghiệp ngành công tác xã hội sẽ làm gì?
Trường ĐH Y Dược TPHCM mở ngành công tác xã hội và sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên trong năm 2025. Trong kế hoạch của trường, giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì, giảng dạy chương trình đào tạo của ngành gồm 5 tiến sĩ: TS Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, chuyên ngành công tác xã hội, TS Lê Minh Thuận chuyên ngành tâm lý học, TS Huỳnh Hồ Ngọc Quỳnh chuyên ngành y tế công cộng, TS Đoàn Thị Ngọc Hân, chuyên ngành sức khỏe khoa học; TS Trần Thị Kim Tú chuyên ngành y khoa.
Ngoài ra, có 8 bộ môn thuộc khoa y tế công cộng được giảng dạy trong các học phần của ngành công tác xã hội.
Năm nay, ngành sẽ tuyển khóa đầu tiên với 60 sinh viên và duy trì số lượng này trong 3 năm. Thời gian đào tạo là 4 năm, khối lượng kiến thức 134 tín chỉ (không bao gồm các học phần giáo dục thể chất, quốc phòng).
Theo kế hoạch của Trường ĐH Y Dược TPHCM, ngành công tác xã hội sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, bài thi toán và vật lý hoặc sinh học, hóa học và khoa học tự nhiên.
Sinh viên ngành công tác xã hội sẽ học 16 tín chỉ giáo dục đại cương, 98 tín chỉ về kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, trong đó 19 tín chỉ thuộc khối kiến thức cơ sở khối ngành, 22 tín chỉ thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, 47 tín chỉ thuộc khối kiến thức ngành và 10 tín chỉ kiến thức bổ trợ.

Trường ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: Thanh Tùng
Theo đề án mở ngành mà Trường ĐH Y Dược TPHCM nêu, trong quá trình xây dựng khung chương trình, trường tham khảo các trường: ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, ĐH Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội, ĐH Y tế Công cộng Hà Nội, ĐH Lao động xã hội, ĐH Mở TPHCM, ĐH Kentucky (Anh) ĐH Kansas (Mỹ); ĐH South Carolina (Mỹ); ĐH Texas At Austin (Mỹ); ĐH Wisconsin - Whitewater (Mỹ).
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành công tác xã hội có khả năng đáp ứng nhu cầu công việc ở các vị trí như cán bộ, chuyên viên, nhân viên công tác xã hội tại khoa/phòng công tác xã hội các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, quận/huyện; Các cơ sở xã hội, trung tâm tham vấn tâm lý, đơn vị can thiệp sớm và giáo dục, các tổ chức phi chính phủ, trường học, viện nghiên cứu…
Vì sao trường mở ngành công tác xã hội?
Đề án mở ngành công tác xã hội của Trường ĐH Y Dược TPHCM cho hay đào tạo ngành công tác xã hội phù hợp với chiến lược phát triển trường trở thành đại học đa ngành trong lĩnh vực sức khỏe. Mặt khác, ngành này cũng phù hợp nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương, vùng và quốc gia.
“Ngành công tác xã hội đang được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt trong ngành y tế nhằm hỗ trợ, chăm sóc toàn diện về mặt tâm lý - xã hội cho bệnh nhân”- đề án nêu.
Mặt khác, trước khi mở ngành công tác xã hội, Trường ĐH Y Dược TPHCM đã khảo sát lấy ý kiến về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của 12 bệnh viện ở TPHCM và 100% đều cho rằng hoạt động của cử nhân công tác xã hội trong bệnh viện là cần thiết.
Bệnh viện có nhu cầu sử dụng cử nhân công tác xã hội và đều cần tuyển dụng thêm nhân lực ngành này với số lượng trung bình 3-4 người, làm việc tại phòng/tổ công tác xã hội. Các bệnh viện cũng đề xuất sớm đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội cho các cơ sở y tế, phát triển nghề này theo xu hướng phát triển chung trong quá trình hội nhập.
Trường ĐH Y Dược TPHCM hiện có 7 khoa (6 khoa chuyên môn và 1 khoa cơ bản), 11 phòng chức năng, 8 trung tâm, 5 bộ phận chức năng và 1 bệnh viện. Đội ngũ viên chức, người lao động gồm 1.512 người, trong đó có 956 giảng viên, chiếm tỷ lệ 63,42%. Trong số này có 14 giáo sư, 99 phó giáo sư, 401 tiến sĩ.