Trường học hạnh phúc, có khó không?

Lấy cảm hứng từ mô hình 'Happy School' của UNESCO, mô hình 'Trường học hạnh phúc' được Bộ GD-ĐT triển khai từ năm 2019...

Tọa đàm Trường học hạnh phúc. (Ảnh: BTC)

Tọa đàm Trường học hạnh phúc. (Ảnh: BTC)

Nỗi niềm từ nhiều phía

Nhiều thập kỉ gần đây, không ít người đã từng bi quan về giáo dục Việt Nam. ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương - người sáng lập và điều hành FAROS Education & Consulting - đưa ra câu chuyện về bức tranh biếm họa trên tạp chí của người nước ngoài về giáo dục Việt Nam: một bên là một đứa trẻ Việt Nam với những hình ảnh cho thấy cha mẹ phải nuôi bò, bán sữa bò, bán gạo... lấy tiền đóng học phí cho em. Bên kia là hình ảnh một người đàn ông nước ngoài hứa hẹn mang đến cho em một tương lai tươi sáng, rực rỡ nhưng trong tay ông ta không có gì cả, chỉ có một bịch nhỏ mang tên “English”.

ThS Uyên Phương bày tỏ: “Điều gì khiến cho những câu chuyện trẻ em không thích đến trường, giáo viên thì bị nhiều áp lực bủa vây... ngày càng phổ biến? Điều gì khiến cho các nhà trường không thể trở thành trường học hạnh phúc?”.

Theo một báo cáo của UNESCO năm 2016, có 5 yếu tố khiến trẻ không cảm thấy hạnh phúc khi đến trường: môi trường kém an toàn, dễ bị bắt nạt; học sinh quá tải, bị stress do áp lực thi cử và điểm số; môi trường học tập và không khí nhà trường tiêu cực; giáo viên có thái độ và phẩm chất không phù hợp; các mối quan hệ xấu.

TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Tổng Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan, tâm sự: “Tôi có thời gian 13 năm làm việc ở Trường ĐH Sư phạm TP HCM với nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Ở trường sư phạm mình dạy giáo sinh những điều đẹp đẽ, nhưng sau vài năm các em đã quay về cái cũ và gọi đó là “quá trình thích nghi với môi trường”.

Theo TS Thu Huyền, trước đây khi chọn giáo viên, người ta chỉ chú trọng vào phẩm chất yêu nghề, yêu trẻ là đủ. Nhưng ngày nay phụ huynh sẽ không giao con họ cho người giáo viên chỉ có tình yêu thương trẻ mà thôi. Một giáo viên hiệu quả phải có cách giúp trẻ tiến bộ.

TS Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen thì cho rằng: giáo viên hiệu quả phải hiểu thế nào là giáo dục đúng nghĩa, hiểu mục tiêu giáo dục là gì. Giáo dục đúng nghĩa là tạo điều kiện tốt nhất để phát triển người học, đồng thời người giáo viên cùng phát triển với học sinh của mình. Nhưng với guồng máy giáo dục như hiện nay, để làm được điều này rất khó. Bà từng nói chuyện với một hiệu trưởng trường phổ thông rất tâm huyết với giáo dục. Thầy bảo thầy hiểu rất rõ mục tiêu của giáo dục. Nhưng khi phụ huynh trao con họ cho nhà trường, họ yêu cầu học sinh THCS phải đậu lớp 10 trường chuyên. Học sinh THPT phải đậu trường ĐH thuộc hàng top ở Việt Nam hoặc đi du học. Và nhà trường thì không thể đứng bên ngoài yêu cầu ấy.

Cùng với đó, rất nhiều nghiên cứu cho thấy bầu không khí của lớp học và văn hóa của trường học là yếu tố then chốt trong việc tạo nên chất lượng dạy học. Học sinh khó mà học tốt với một người thầy mà các em không thích. Ngược lại, khi giáo viên tạo được cảm xúc học tập và sự kết nối với học sinh của mình, các khó khăn khác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Theo ThS Trần Đức Huyên, có thể về chuyên môn thầy cô rất giỏi, nhưng để trở thành một giáo viên hiệu quả phải có sự lắng nghe, thấu cảm, kết nối với phụ huynh, với học sinh để có biện pháp hiệu quả.

“Không có đứa trẻ yếu kém, chỉ là thầy cô chưa dạy chúng nên người”…

Học sinh TPHCM , nơi bắt đầu triển khai các tiêu chí về trường học hạnh phúc. (Ảnh internet).

Học sinh TPHCM , nơi bắt đầu triển khai các tiêu chí về trường học hạnh phúc. (Ảnh internet).

Trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh được nói lên suy nghĩ, có điều kiện đổi mới sáng tạo, phát huy hết các năng lực cá nhân. Ở môi trường này, từng thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học như gia đình. Để làm được điều này, bản thân mỗi nhà trường, giáo viên và lãnh đạo quản lý đều phải thay đổi để tạo môi trường giáo dục khiến học sinh hạnh phúc.

Thầy Nguyễn Văn Hòa, 78 tuổi, người sáng lập hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội, cho rằng cần “cởi trói” cho học trò. Việc đặt ra mục tiêu, quy định là cần thiết, song không nên tạo áp lực hay mắng mỏ khi học sinh đạt điểm kém.

Thầy Hòa nhìn nhận, học tập chỉ là một trong nhiều năng lực của con người, và không phải ai trong số hơn 22 triệu học sinh cũng là những người có tài năng học tập. Các em có thể giỏi thể thao, mỹ thuật, âm nhạc hay giao tiếp..., nên không thể dùng một thước đo chung về năng lực học tập để xếp thứ tự học sinh. Theo thầy Hòa, các em có thể học kém, nhưng không có đứa trẻ yếu kém, chỉ là thầy cô chưa dạy chúng nên người.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa từng nghĩ giáo dục là đào tạo học sinh giỏi, tài năng nhưng nhận ra sai lầm khi mở trường tư, học trò ban đầu toàn “kém, quậy phá”. Hồi đó, cách đây 30 năm, khi mở trường, ông luôn phải giải quyết các cuộc ẩu đả của học sinh hay khiếu nại của phụ huynh. Nhiều gia đình còn kéo đến trường mắng chửi, đe dọa ban giám hiệu vì cho rằng thầy cô quá khắt khe. Trong khi đó, nhiều học sinh chia sẻ vào trường vì trượt cấp ba công lập, mong thầy cô đừng nhìn các em với con mắt phân loại bằng điểm số. Từ đó thầy thay đổi, mục tiêu của trường là phải là dạy học trò “nên người, làm người”… Khi học sinh không còn bị áp lực bởi điểm số hay thành tích, thầy Hòa nhận thấy học sinh có thái độ tích cực hơn. Các em được học cái mình thích, từ đó tự phấn đấu để theo đuổi mục tiêu của mình. Giáo viên cũng thoải mái và nhiều năng lượng trong giảng dạy hơn.

Và thầy Hòa xây dựng “Trường học hạnh phúc” bắt đầu từ việc thay đổi cho mỗi cá nhân học sinh. Câu chuyện của em học sinh Đoàn Thanh Trang, từ “một đứa trẻ ngỗ nghịch... luôn cảm thấy mình lạc lõng”, có lúc bi quan đến mức tuyệt vọng “có những sáng thức dậy, con chỉ muốn được thiếp ngủ vĩnh viễn vì không muốn tiếp tục đối diện với những điều đang đợi con ở trường học”... đến lúc Trang đã hoàn toàn thay đổi, trở lại cô bé đáng yêu của phụ huynh, thầy cô.

Ở đó, cô giáo Vũ Tuyết Nga đã làm được một điều kì diệu, biến một “cậu bé im lặng”, “một thời gian dài không nói chuyện với bất kì ai,... có thể nổi nóng mà chẳng cần lí do gì” trở thành một cậu học trò rất tình cảm, biết chia sẻ, hòa đồng với mọi người.

Lễ bế giảng xúc động tại trường THPT Kiim Liên Hà Nội(Ảnh FB THPT KL).

Lễ bế giảng xúc động tại trường THPT Kiim Liên Hà Nội(Ảnh FB THPT KL).

Bên cạnh đó, là một người tham gia dự án triển khai Trường học hạnh phúc tại Việt Nam nhiều năm nay, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ - một chuyên gia trong lĩnh vực Giáo dục đặc biệt và trị liệu xã hội cho rằng, các kỳ thi, điểm số và bài kiểm tra là một phần tự nhiên của hệ thống giáo dục, nhưng chúng không phải là mục tiêu cuối cùng của nó. Chúng chỉ đơn giản là phương tiện kết thúc. Mục đích của giáo dục là giúp trẻ em và thanh thiếu niên phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, tình cảm, thực tiễn (giáo dục cái đầu, trái tim, bàn tay). Trang bị các kỹ năng, năng lực và các giá trị đạo đức vững chắc nhằm định hướng cho các em trong cuộc sống. Kiến thức học thuật là quan trọng, nhưng trong thời đại của AI, điều đó là chưa đủ. Họ cần các kỹ năng xã hội, kỹ năng cảm xúc, sáng tạo và khả năng làm việc nhóm. Không cái nào trong số này có thể dễ dàng được kiểm tra trong các kỳ thi truyền thống chủ yếu đánh giá trí nhớ, thông tin và tư duy logic. Giáo viên và học sinh không nên tập trung quá nhiều vào việc vượt qua các kỳ thi mà hãy dạy, học các kỹ năng và năng lực mà thế hệ sau sẽ cần để trở thành những người tốt, những công dân gắn bó và những chuyên gia sáng tạo.

Giáo sư Thọ cũng nhấn mạnh về vai trò của giáo viên, để hình thành trường học hạnh phúc, các giáo viên phải trang bị sự hiểu biết, kiến thức và kỹ năng giúp họ chú ý và chăm sóc sự hạnh phúc và sức khỏe của tất cả học sinh. Chỉ khi học sinh cảm thấy an toàn về cảm xúc, được xã hội chấp nhận và hòa nhập, chúng mới có thể phát huy tiềm năng của mình, học hỏi và phát triển toàn diện. Mục tiêu là tất cả các trường học đều bao gồm ba khía cạnh cơ bản của Trường học Hạnh phúc: “Sống hòa hợp với bản thân, người khác và thiên nhiên - trong tất cả các môn học và hoạt động”.

Còn cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Liên cấp TH và THCS Trần Quốc Toản, Bắc Ninh trăn trở, là một hiệu trưởng tôi luôn trăn trở và suy nghĩ rằng hiệu trưởng cần thay đổi như thế nào và phải làm những gì để giáo viên của mình yêu thích, tâm huyết, say sưa với nghề, yêu thương và tôn trọng học trò như con của mình. Làm thế nào để học trò của mình cứ muốn đến trường học, nhìn thấy thầy cô, bạn bè là thấy niềm vui và hạnh phúc…

Hạnh phúc không phải là điểm số

Thầy Ngô Phi Công, Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Trà Mi (Quảng Nam) bày tỏ, hạnh phúc không phải là câu chuyện điểm số. Xây dựng ngôi trường mà ở đó là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. Là nơi mà thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một niềm hạnh phúc. Với các thầy giáo cô giáo không chỉ dạy cho các em về kiến thức văn hóa, mà còn dạy cho các em về đạo đức làm người, có lối sống lành mạnh, tích cực, biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người…

Phương Uyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/truong-hoc-hanh-phuc-co-kho-khong-post495893.html