Trường THPT Bù Ðăng vững tiến cùng sự phát triển của huyện

Không sinh ra tại mảnh đất Bù Đăng, nhưng tuổi thơ tôi gắn liền với nơi này từ năm lên 6 tuổi. Trong ký ức non nớt của một đứa trẻ, tôi nhớ năm 1986, ba mẹ buộc phải rời xa nơi 'chôn nhau cắt rốn', đưa anh em tôi vào Bù Đăng mưu sinh, lập nghiệp. Được sống trong thời điểm giao thời của Bù Đăng vào thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, có lẽ hơn ai hết, tôi nhận ra Bù Đăng của hiện tại đã rất khác xưa. Một Bù Đăng hôm nay đang vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ, năng động và trẻ trung để hòa cùng sự phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Có lẽ vì quá yêu quý mảnh đất này, khi trưởng thành tôi đã chọn trở thành cô giáo giảng dạy môn Lịch sử, tiếp nối sự nghiệp “trồng người” tại ngôi trường đã gắn liền với tuổi thơ - Trường THPT Bù Đăng. Bởi, tôi muốn những thế hệ học sinh Bù Đăng phải biết, am hiểu tường tận về lịch sử đất nước nói chung và quê hương Bù Đăng nói riêng.

Giáo dục Bù Ðăng những năm 80 của thế kỷ XX

Thời điểm những năm 80 của thế kỷ XX ở huyện Bù Đăng, ngành giáo dục phải đối mặt với hậu quả chiến tranh tàn phá, người dân trong huyện chủ yếu là các dân tộc bản địa không có điều kiện học hành, vì vậy công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Với phương châm “người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ”, toàn huyện đã vận động nhân dân tham gia các lớp học xóa mù chữ, mở lớp sư phạm ngắn hạn...

Học sinh Trường phổ thông cơ sở Đoàn Kết niên khóa 1984-1987

Học sinh Trường phổ thông cơ sở Đoàn Kết niên khóa 1984-1987

Gắn bó với ngành giáo dục huyện những năm đầu sau giải phóng (1978-1987), thầy Nguyễn Văn Long, nguyên Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Sông Bé cho biết: Sau giải phóng, hầu như không có giáo viên, giáo viên ở địa phương chuyên môn thấp. Thời điểm này, trường chỉ có 4 lớp 6, 7, 8, 9. Cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, chỉ trơ trọi khung sắt, mái được lợp che tạm, nhưng tình cảm thầy trò, đồng nghiệp luôn gắn bó. Giai đoạn 1978-1979, Trường phổ thông cơ sở Đoàn Kết được tỉnh Sông Bé công nhận là trường tiên tiến cấp tỉnh. Đến năm 1982 là thời điểm trường bắt đầu có lớp 10, với 18 học sinh.

Học sinh huyện Bù Ðăng học trong lớp tạm bợ những năm 80 của thế kỷ XX

Học sinh huyện Bù Ðăng học trong lớp tạm bợ những năm 80 của thế kỷ XX

Cuộc sống quá đỗi vất vả của gia đình chúng tôi và người dân huyện Bù Đăng lúc bấy giờ nói chung đã nung nấu ý chí trong ba tôi rằng: Chỉ có học và học thành tài mới mong thoát khỏi cảnh nghèo khó, dù rằng, để các con được đến trường tìm con chữ là điều không dễ dàng. Ba tôi - người đàn ông trụ cột của gia đình đã giáo dục những đứa con của mình tư tưởng đi trước, định hướng về một tương lai tốt đẹp hơn. Đói cơm, nhưng lúc nào ba mẹ cũng dành một khoản tiền nhất định để đặt mua các loại báo giúp mở mang kiến thức: Ba tôi đọc báo Liên Xô; mẹ tôi đọc báo Phụ nữ; hai anh tôi thì đọc báo Thiếu niên và chúng tôi thì đọc báo Nhi đồng. Tài sản quý giá của gia đình tôi lúc bấy giờ là chiếc tivi trắng đen 14 inch mà chúng tôi chỉ được xem chương trình “Những bông hoa nhỏ” đúng 15 phút từ 19 giờ đến 19 giờ 15 phút.

Chiếc tivi trắng đen 14 inch - “tài sản” quý của gia đình tôi năm 1990

Chiếc tivi trắng đen 14 inch - “tài sản” quý của gia đình tôi năm 1990

Ký ức tôi chẳng thể nào quên được, đó là một buổi đi học, một buổi phụ giúp ba mẹ lên rẫy trồng hoa màu. Tối về bên chiếc đèn dầu leo lét, 5 anh em tôi chụm đầu ngồi học trên chiếc bàn làm bằng tre do ba tôi tự làm. Buổi sáng, chúng tôi lội bộ, len lỏi trên lối mòn đến trường. Ngôi trường khi ấy cũng chỉ bằng tranh tre tạm bợ, mãi đến năm cấp 3 chúng tôi mới được học trong ngôi trường khang trang hơn…, đó là Trường cấp 2, 3 Bù Đăng, tiền thân của Trường THPT Bù Đăng ngày nay.

Vượt qua mọi khó khăn, với sự nỗ lực vượt bậc của thầy và trò Trường THPT Bù Đăng, những năm học 1996-1997, 1997-1998, trường đã có nhiều thế hệ học sinh xuất sắc thi đậu vào các trường đại học uy tín và chất lượng tại TP. Hồ Chí Minh. 5 anh em chúng tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ mà vị thuyền trưởng tuyệt vời của gia đình kỳ vọng: Những kỹ sư nông nghiệp, nhân viên y tế, nhà báo, nhà giáo của gia đình tôi lần lượt ra trường. Bỏ qua những cơ hội được làm việc tại các thành phố lớn, chúng tôi đều chọn quay về phục vụ quê hương Bù Đăng bằng tất cả tình yêu, khối óc và cả tuổi thanh xuân của mình. Riêng tôi chính thức trở thành cô giáo dạy môn Lịch sử tại Trường THPT Bù Đăng.

Theo Quyết định số 09/QÐ-UBND tỉnh về việc thành lâp Trường THPT Bù Ðăng ngày 11-1-2005, tên gọi Trường THPT Bù Ðăng chính thức có từ đây. Quy mô trường lớp ngày càng phát triển, đội ngũ giáo viên được bổ sung đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Chất lượng giáo dục của trường ngày càng được cải thiện, tỷ lệ tốt nghiệp nhiều năm liền vượt tỷ lệ chung của tỉnh, tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học ngày càng cao. Năm học 2016-2017, trường vinh dự được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đến năm 2017-2018, đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3.

Khuôn viên Trường THPT Bù Ðăng hiện nay nhìn từ trên cao

Khuôn viên Trường THPT Bù Ðăng hiện nay nhìn từ trên cao

Những thành tựu đáng tự hào

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, do đó đầu tư phát triển cho giáo dục nói chung và Trường THPT Bù Đăng nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thúc đẩy sự đi lên của huyện. Để nâng cao chất lượng giáo dục Bù Đăng trong giai đoạn hiện nay cần có những giải pháp quyết liệt và mang tính đột phá dựa trên các yếu tố liên quan đến con người, cơ sở hạ tầng, chương trình giảng dạy và những yếu tố hỗ trợ khác. Trong đó cần phát triển đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo; có chính sách hỗ trợ giáo viên khó khăn về tài chính, nhà ở và điều kiện sinh hoạt để thu hút, giữ chân giáo viên có trình độ cao. Cùng với đó, chú trọng cải thiện cơ sở vật chất trường học, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo có đủ phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị giáo dục hiện đại. Đặc biệt lưu tâm đến việc giáo dục văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn thông qua học bổng và hỗ trợ tài chính… Những giải pháp này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của huyện trong tương lai.

Ban giám hiệu và thầy cô giáo trường THPT Bù Đăng trong lễ kỉ niệm 40 năm thành lập trường

Ban giám hiệu và thầy cô giáo trường THPT Bù Đăng trong lễ kỉ niệm 40 năm thành lập trường

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Bù Đăng hôm nay đã thực sự “thay da, đổi thịt”. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, dự kiến cuối năm 2024, toàn huyện có 19 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, vượt 1 trường, đạt 108% chỉ tiêu HĐND huyện giao và kế hoạch UBND huyện đề ra. Nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên toàn huyện lên 27/45 trường, đạt 50%.

50 năm sau ngày giải phóng, Bù Đăng ngày nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Trong ảnh: Một góc thị trấn Đức Phong ngày nay - Ảnh: Phú Quý

Và tôi xin cảm ơn cơ duyên của cuộc đời đã cho tôi cơ hội dừng chân sống tại mảnh đất lành Bù Đăng. Cảm ơn vùng đất bao năm qua đã dang rộng vòng tay chở che, nuôi dưỡng, giáo dục để hôm nay tôi trở thành một người tử tế, tử tế với chính mình và tử tế với cuộc đời. Đó cũng là cách tôi đền đáp một phần ân nghĩa cho mảnh đất đã ban tặng một cuộc sống bình an, đủ đầy về tri thức và giàu có về cảm xúc cho chính tôi, gia đình và những người tôi yêu thương.

Minh Anh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/166310/truong-thpt-bu-dang-vung-tien-cung-su-phat-trien-cua-huyen