Trường vùng biên ổn định sĩ số sau nghỉ Tết

Học sinh trường bán trú ở các huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa) đã trở lại lớp học đông đủ.

Em Thao Y Chiến (hàng đầu bên phải) tại lớp học sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: NTCC

Em Thao Y Chiến (hàng đầu bên phải) tại lớp học sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: NTCC

“Hạ sơn” đến lớp

Trường PTDTBT THCS Sơn Thủy (Quan Sơn) có hàng chục học sinh dân tộc Mông. Những năm trước đây, cứ sau kỳ nghỉ Tết, nhiều em có tư tưởng không muốn trở lại trường, nhưng năm nay, học sinh ở bản xa đã chủ động xuống trường sớm để tập trung học tập.

Thầy Phạm Văn Thành - Hiệu trưởng cho biết: Mọi năm, các thầy, cô giáo phải đi vận động học sinh ra lớp sau kỳ nghỉ Tết nhưng năm nay chỉ cần gọi điện, nhắn tin cho phụ huynh. Giờ đây, người dân đã nâng cao ý thức việc học hành của con em nên chủ động nhắc nhở lịch đến trường.

Trường PTDTBT THCS Sơn Thủy có 257 học sinh, trong đó 49 em người Mông ở 2 bản Mùa Xuân và Xía Nọi. “Hai bản này cách xa trường 25km đường rừng. Để giữ ổn định sĩ số sau Tết, nhà trường đã dặn dò các em kỹ càng, đồng thời động viên phụ huynh nhắc nhở trẻ trở lại lớp đúng lịch”, thầy Thành nói.

Gia đình em Thao Y Chiến - lớp 6A, Trường PTDTBT THCS Sơn Thủy ở bản Mùa Xuân. Sáng thứ Hai (mùng 6 Tết), em được bố đèo bằng xe máy xuống trường để kịp giờ vào học. Khi đến trường, các thầy, cô giáo đón, hướng dẫn vào phòng ký túc xá cất đồ dùng, rồi lên lớp học.

Theo Y Chiến, trước khi nghỉ, các thầy, cô giáo đã dặn dò chu đáo việc trở lại trường học sau Tết. Đối với Y Chiến, đây là năm học đầu cấp THCS, nên bản thân phải tập trung học thật tốt để có cơ hội cho tương lai. “Bố, mẹ dặn em phải chịu khó học tập tốt, vì đi học đã không mất tiền còn được ăn, ngủ miễn phí tại trường. Các thầy, cô giáo thì quan tâm và chăm lo cho chúng em như cha, mẹ ở nhà”, Y Chiến tâm sự.

 Giờ ăn trưa của học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: NTCC

Giờ ăn trưa của học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: NTCC

Ổn định sĩ số

Những năm trước đây, để giữ ổn định sĩ số học sinh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở huyện biên giới Mường Lát rất khó khăn bởi nhiều học sinh người Mông có tư tưởng “ngại” trở lại lớp, hoặc có đến trường cũng phải qua Rằm tháng Giêng.

Năm học này, Trường PTDTBT THCS Tam Chung (Mường Lát) có 361 học sinh, trong đó 241 em thuộc diện bán trú. Đến thời điểm này, học sinh đã trở lại lớp đầy đủ.

“Bản Ón cách xa trường nhất (khoảng 23km đường rừng). Đây là bản người Mông sinh sống, nên cứ sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường khá lo lắng vấn đề học sinh không trở lại trường đúng lịch.

Tuy nhiên, khác với những năm trước, năm nay học sinh đã chủ động trở lại trường đông đủ”, thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Kiên chia sẻ và thông tin thêm, xã Tam Chung có 4 bản đồng bào Mông sinh sống, gồm: Bản Ón, Suối Lóng, Suối Phái và Pom Khuông. “Học sinh trở lại trường sau Tết đúng lịch là tín hiệu đáng mừng đối với thầy, cô giáo. Khi ổn định được sĩ số sau kỳ nghỉ thì công tác dạy học đúng, đủ chương trình sẽ góp phần nâng dần chất lượng giáo dục”, thầy Kiên tâm sự.

 Thầy giáo Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đến vận động học trò ra lớp. Ảnh: NTCC

Thầy giáo Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đến vận động học trò ra lớp. Ảnh: NTCC

Gia đình thầy Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát) ở TP Thanh Hóa, cách đơn vị công tác gần 230km. Vì thế, từ sáng 2/2, thầy đã lên trường để chuẩn bị công tác đón học sinh trở lại lớp.

Theo thầy Xuân, Mường Lý đất rộng, người thưa và có tới 15 bản, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nhiều bản, như: Trung Thắng, Sài Khao, Suối Ún... cách trường hơn 20km đường rừng. Do đó, mỗi lần giáo viên đi vận động học sinh đến trường rất vất vả. “Để vận động học trò ra lớp, thầy, cô giáo phải đi xe máy qua nhiều khúc cua nguy hiểm, trèo đèo, lội suối mới tới được bản xa xôi, heo hút. Thế nhưng, có khi giáo viên đến, nhiều gia đình đóng cửa đi chơi Tết, thầy cô đành phải quay về và hôm sau trở lại”, thầy Xuân kể.

Trường PTDTBT THCS Mường Lý có 427 học sinh, trong đó đa số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. “Phong tục người Mông trước kia hay ăn Tết kéo dài, nên học sinh có tâm lý “ngại” đến trường sau kỳ nghỉ. Năm nay, trước khi nghỉ Tết, nhà trường mua lợn mổ thịt, gói bánh chưng, tổ chức liên hoan và dặn dò học trò trở lại lớp đúng lịch học”, thầy Xuân nói.

Tương tự, Trường PTDTBT THCS Trung Lý có 456/511 học sinh thuộc diện bán trú. Để học trò không quên ngày đến trường, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, ban giám hiệu đã phân công giáo viên là người ở địa phương chia nhau về các bản Tà Cóm, Cá Ráng, Cánh Cộng... Do vậy, từ mùng 4 Tết, các thầy giáo tranh thủ đến thăm, chúc Tết gia đình học sinh, đồng thời vận động cha mẹ cho các em đến lớp đúng lịch. Vì thế, học sinh được phụ huynh sắp xếp thời gian đưa đến trường học.

“Mặc dù, nhiều học sinh ở xa, trong đó bản Tà Cóm cách trường hơn 50km đường rừng, nhưng đầu giờ sáng ngày 3/2 (mùng 6 Tết), hơn 90% học sinh trở lại lớp. So với năm trước, năm nay, số học sinh của trường trở lại lớp học đầy đủ hơn”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Thủy chia sẻ.

“Trước khi nghỉ Tết, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường phân công trực lãnh đạo, bảo vệ cơ quan 24/24 giờ trong thời gian nghỉ lễ; có phương án bảo vệ, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về cơ sở vật chất... Sáng thứ Hai (ngày 3/2), 100% giáo viên, học sinh đã trở lại trường, thực hiện dạy và học đúng kế hoạch”, bà Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng GD&ĐT Mường Lát (Thanh Hóa) thông tin.

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-vung-bien-on-dinh-si-so-sau-nghi-tet-post718412.html