Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trốn đóng BHXH

Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, cơ quan BHXH đã đề xuất với Bộ LĐTB&XH cấm xuất cảnh với chủ nợ từ 12 tháng trở lên; không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Riêng đối với hành vi trốn đóng BHXH còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Giao Bộ Công an xử lý phản ánh chậm đóng, trốn đóng BHXH

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 4899/VPCP-TH ngày 11/7/2024 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về phản ánh doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Văn bản nêu rõ, Văn phòng Chính phủ có Báo cáo số 2541/BC-VPCP ngày 30/6/2024 trong đó tóm tắt bài viết Người lao động khốn đốn vì doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Bài báo viết: Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội diễn ra ở mọi loại hình doanh nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt, số tiền nợ khó thu hồi tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động hoặc chủ bỏ trốn đã lên đến 4.000 tỷ đồng, khiến hơn 213.400 người bị "treo" quyền lợi...

 Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trốn đóng BHXH.

Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trốn đóng BHXH.

Về vấn đề trên, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao các Bộ: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương rà soát nắm tình hình báo chí phản ánh về việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; có các phương án bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật; trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

Mạnh tay hơn nữa với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH

Theo số liệu thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam, mặc dù tỷ lệ số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) so với số tiền phải thu giảm dần qua từng năm, năm 2016 chiếm 3,75% đến năm 2022 là 2,91% và năm 2023 là 2,69%, nhưng về con số tuyệt đối thì số tiền chậm đóng tăng qua từng năm, đến năm 2023, con số này đã lên đến trên 13.000 tỷ đồng (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng).

Theo Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam, hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đối với Luật BHYT, tại Điều 11, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ theo quy định, chưa quy định hành vi về chậm đóng, trốn đóng.

Tuy nhiên, tại cả Luật BHXH và Luật BHYT hiện hành đều không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, việc này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính, hình sự.

Chế tài xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi trốn đóng đã được quy định tại Điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và khoản 2 Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nhưng không có văn bản nào quy định rõ khái niệm thế nào là trốn đóng do vậy, không có cơ sở xác định yếu tố lỗi để xử phạt VPHC về hành vi “trốn đóng” làm cơ sở, tiền đề cho việc xử lý hình sự.

Vì vậy, cơ quan BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt VPHC. Thực tế cho thấy, hiện nay trong quá trình xử phạt VPHC cơ quan BHXH chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHTN, BHYT và đóng không đúng mức đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định...

Bên cạnh đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định hành vi trốn đóng BHXH nêu rõ, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên. Như vậy, một trong các yếu tố cấu thành tội trốn đóng BHXH là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác.

Thực tiễn triển khai, cơ quan BHXH không có khả năng, công cụ để xác định được các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng là trốn đóng hay không phải trốn đóng, cũng không có thẩm quyền để chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN, BHYT cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán. Thực tế, khi một doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, việc phân biệt có sự “gian dối” (hay chỉ là nợ vì khó khăn khách quan) không dễ để có thể xác định, nhất là đối với trường hợp, việc nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN có thể vì khó khăn chung của doanh nghiệp. Do vậy, tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn diễn biến phức tạp và chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử.

Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, bên cạnh khởi kiện hình sự, cơ quan BHXH đã đề xuất với Bộ LĐTB&XH cấm xuất cảnh với chủ nợ từ 12 tháng trở lên; không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm.

Chính vì vậy, tại Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua, trong đó quy định rõ vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH, Luật BHXH (sửa đổi) quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH.

Theo đó, Luật bắt buộc chủ sử dụng lao động phải đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng.

Chủ sử dụng lao động còn bị xử phạt vi phạm hành chính; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng đối với hành vi trốn đóng còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự.

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-voi-hanh-vi-tron-dong-bhxh-d50263.html