Truyện Kiều và tâm thức văn hóa người Việt hôm nay
Truyện Kiều không chỉ là một kiệt tác văn chương mà còn là biểu tượng văn hóa sống động, không ngừng được diễn giải và đối thoại qua các thế hệ. Hơn 150 năm kể từ bản in Quốc ngữ đầu tiên, tác phẩm này vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn, gợi mở những suy tư sâu xa về thân phận, đạo lý và cái đẹp trong tâm thức người Việt.
Truyện Kiều - 150 năm “tái sinh” cùng chữ Quốc ngữ
Tọa đàm “150 năm Kim Vân Kiều muôn mặt” tại Đường Sách TP Hồ Chí Minh sáng 5/7 không chỉ nhắc lại những mốc lịch sử in ấn Truyện Kiều bằng chữ Quốc ngữ, mà còn khơi mở cuộc đối thoại liên thế hệ về vai trò của Kiều trong tâm thức văn hóa Việt. Từ bản in đầu tiên năm 1875 đến những tranh luận hôm nay, Truyện Kiều vẫn khiến người Việt phải đọc lại - không chỉ bằng mắt, mà bằng cả tâm hồn.

Không gian buổi tọa đàm hành trình 150 năm Truyện Kiều Quốc ngữ.
Năm 1875, Truyện Kiều lần đầu được in bằng chữ Quốc ngữ, một bước ngoặt đánh dấu sự hội tụ của ba dòng chảy văn học dân tộc, ngôn ngữ hiện đại và ký ức văn hóa. Từ đó đến nay, trải qua 150 năm, tác phẩm này vẫn không ngừng được in lại, khảo dị, minh họa, chuyển thể như một minh chứng sống động rằng văn chương có thể vượt thời gian khi gắn liền với số phận con người.

Khu vực trưng bày các tác phẩm trên hành trình 150 năm Truyện Kiều Quốc ngữ.
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng trong buổi tọa đàm đã chia sẻ trải nghiệm rất “đời thường” nhưng giàu cảm xúc: “Tôi đã mong muốn và đang thử đọc Truyện Kiều một cách trọn vẹn từ dòng đầu đến dòng cuối cùng các bạn trẻ trong không gian cafe chiều thứ 7. Tôi thật sự mừng khi thấy các bạn trẻ TP Hồ Chí Minh đã đến đông, không chỉ để nghe mà để cùng cảm, cùng nghĩ”.
Với tiến sĩ, nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng, Truyện Kiều là một “lăng kính” để soi chiếu văn hóa Việt, từ đạo lý gia đình đến cảm thức thẩm mỹ, từ vai trò người phụ nữ đến sự nhẫn nại, chịu đựng và cả khát vọng tự do. Ở đó, Kiều không chỉ là một nhân vật văn học, mà là “người bạn đồng hành” của cả những thế hệ độc giả Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử.

Phụ bản tranh trong "Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du" của họa sĩ Phạm Hầu.
Từ góc nhìn ngôn ngữ, TS. Quách Thu Nguyệt nhấn mạnh vai trò của Truyện Kiều trong sự hình thành văn hóa đọc chữ Quốc ngữ: “Có thể nói Kiều là một trong những tác phẩm đặt nền móng cho việc hình thành một cộng đồng người đọc bằng chữ Quốc ngữ. Chính nhờ Kiều, tiếng Việt được yêu hơn, được hiểu sâu hơn và được nói ra với một cảm xúc trọn vẹn”.
“Ba trăm năm sau chẳng biết còn ai khóc Tố Như, nhưng hôm nay nhân 150 năm bản in Quốc ngữ ra đời, chúng ta vẫn đang thảo luận, còn xúc động. Điều ấy cho thâýKiều còn, tiếng Việt còn”, TS.Nguyệt nói.
Từ di sản văn chương đến đối thoại văn hóa
Trong buổi tọa đàm, không chỉ học giả mà cả nhà sưu tập sách, ông Dư Thanh Khiêm cũng góp phần làm nên chiều sâu cuộc đối thoại. Ông kể về cuốn Truyện Kiều bản in 1875 quý nhất trong bộ sưu tập của mình và chia sẻ triết lý “mỗi cuốn sách là một cá thể có lịch sử riêng, phải tôn trọng lịch sử đó”.

Truyện Kiều Quốc ngữ, hành trình 150 năm với nhiều nội dung về lịch sử văn hóa đã thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ.
Với ông, Truyện Kiều không phải một món đồ cổ được trưng bày trong tủ kính mà là một sinh thể sống, có hồn, có ký ức và có sức lay động tâm hồn: “Tôi xúc động sâu sắc với hình tượng người phụ nữ Việt, đó là người bà, người mẹ, người chị tần tảo và giàu đức hy sinh. Ở xã hội nho giáo, chữ hiếu là điều cốt lõi và Kiều đã sống trọn vẹn với điều ấy, dù phải đánh đổi cả cuộc đời”.
Câu chuyện ấy cũng gợi ra nhiều suy nghĩ về mối quan hệ giữa văn học và đạo lý dân tộc - nơi mà Truyện Kiều vừa phản ánh, vừa phản biện. Bởi Kiều không chỉ là nạn nhân, mà còn là người vượt thoát, người tự viết lại số phận mình.

Các phụ bản tranh được trưng bày tại không gian sự kiện.
Một bạn trẻ tham dự tọa đàm Khánh Như, sinh viên năm 2 trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch bày tỏ: “Em đến vì tò mò nhưng ở lại vì xúc động. Truyện Kiều không hề xưa cũ, khi nghe các cô chú phân tích, em thấy mình hiểu hơn về văn hóa, về sự hy sinh và cả niềm kiêu hãnh của người Việt”.

1 phụ bản tranh của họa sĩ Nguyễn Tường Lân trong "Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du".
Từ những cuộc đối thoại như thế đã giúp Truyện Kiều tiếp tục “sống” không chỉ trên giấy mà như nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng khẳng định: "Truyện Kiều đã trở thành nguồn cảm hứng, đề tài trong nhiều hình thức biểu diễn nghệ thuật khác nhau và đặc biệt là vẫn sống mãi trong lòng người đọc".
Tọa đàm “150 năm Kim Vân Kiều muôn mặt” không chỉ dừng ở việc nhắc lại một cột mốc lịch sử in ấn, mà mở ra không gian giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa học thuật và cảm xúc, giữa các thế hệ. Khi người Việt vẫn còn đọc Kiều, tranh luận về Kiều và xúc động vì Kiều thì Truyện Kiều vẫn tiếp tục sống, như một sợi chỉ đỏ nối kết tâm hồn dân tộc qua từng thời đại.