Truyện ngắn: Yêu thương vẫn một dòng trôi
Chuyện cũ ngày xưa như chiếc lá rơi xuống dòng nước, cá ăn cũng được, nước cuốn cũng được, chỉ để lại dòng yêu thương thong thả trôi.

Tranh minh họa
Khương, bạn anh, là bác sỹ ở bệnh viện tỉnh, nhắn tin thím bệnh, Khương nói anh thu xếp được thì về. Anh nhận tin, ngồi lặng. Khương nói thế, hẳn thím không còn sống được bao lâu. Thế mà hai đứa em anh, không đứa nào nói gì. Mới hôm qua, anh gọi về, chúng nó còn nói mọi chuyện bình thường.
Bốn năm trước chú mất, thím già đi trông thấy. Chú mất, thím như mất đi chỗ dựa, hai người con, một trai một gái, cũng không làm thím yên tâm. Nói gì thì nói, con cái có hiếu mấy cũng không bằng người đã đi cùng mình quãng đường mấy chục năm, cùng chia đắng sớt cay, cùng mình vượt qua những cơ cực, khốn khó.
Rồi cùng chờ đón con chào đời, cùng nuôi dạy con cái. Với thím, chú không chỉ là "cây cột" chống cho ngôi nhà vững chắc, là người che gió chắn mưa. Chú còn là nơi để thím trút giận, nói như lời chú là "tác oai tác quái".
Bố mẹ anh mất từ khi anh sáu tuổi, chú mang anh về nuôi, khi ấy Toản bốn tuổi và Thơ mới hơn một tuổi. Chú thương anh, có thể nói chú quan tâm anh hơn hai con ruột. Có thể vì chú thương anh côi cút nên mới thương luôn phần bố mẹ anh.
Thím thì không, nhà không phải khá giả, việc có thêm miệng ăn, lấy bớt chỗ nằm của hai con thím khiến anh như cái gai trong mắt thím. Chưa bao giờ thím nói câu nào đàng hoàng với anh, ban đầu chỉ là những nhiếc móc đay nghiến, sau thành "thứ lạc sông lạc chợ". Anh nghe hết, hiểu hết nhưng im lặng.
Chú cũng im lặng, vì chú lên tiếng bênh là thím lại càng cáu kỉnh, to tiếng hơn. Toản cũng im lặng, có bé Thơ là dậm chân, trừng mắt nói mẹ không được quát anh rồi kéo tay anh đi chơi. Song anh nào dám, cô nhóc lườm anh, hùng hồn đòi nghỉ chơi nhưng chỉ ít phút là lại mon men đến gần.
Sau này lớn lên, anh mới hiểu, sở dĩ thím mỗi ngày mỗi khắt khe với anh vì Toản - con trai thím - hiền lành, chậm chạp. Toản hay bệnh nên yếu nhớt, đi học thì bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt. Anh đánh nhau với đám trẻ con để bảo vệ Toản, những món Toản thích anh luôn nhường với mong muốn em ăn nhiều mau lớn.
Ngày ấy, anh không hiểu ăn uống cũng có giới hạn, đâu phải cứ ăn là ăn. Toản được anh để phần nhưng cũng không ăn hết, thím thấy Toản nói của anh cho nhưng thím lại nghĩ anh chê, anh không cần nên lần sau anh không có phần nữa.
Những trưa nắng, nhân lúc hai em ngủ ngoài vườn sau, anh một mình ra đồng tát cá bắt cua, chiều mang về nói Toản bắt được. Anh những tưởng thím sẽ vui mừng vì con trai mình không thua kém ai, nhưng thím lại mắng anh không nhìn ngó em vì sợ Toản lội nước về ốm.
Thím còn đe, "nó mà ốm thì mày đi mà thức đêm với nó". Thím đe thế, mắng thế nhưng khi Toản ốm, thím luôn là người đêm hôm nâng giấc.
Thi thoảng, những nhường nhịn của anh khiến Toản bị ăn roi, anh áy náy thì Toản lại cười. Đó là đứa trẻ hiền lành, mỏng manh và thiện lương nhất mà anh biết. Anh cứ nghĩ Toản không hiểu, hóa ra Toản hiểu hết.
Có những trưa, chú mắc võng ra phía sau vườn dưới cây nhãn, rủ anh nằm chơi. Chú nói anh đừng chấp nhặt lời thím, thím nhỏ nhen tủn mủn, chao chát thế nhưng cũng là vì chồng vì con. Thím mắng mỏ thế nhưng chưa khi nào để anh đói, quần áo hai đứa trẻ nhà thím có thì anh cũng có.
Có lần anh thử quần áo mới thấy cộc cỡn, thím đã quát anh thay ra và đạp xe mười bốn cây số cả đi lẫn về để đổi cho anh bộ lớn hơn. Chú nói "sao không để mai", thím nói "mai nhỡ người ta không cho đổi". Thím còn lườm anh, "cũng áng áng rồi, ai biết nó lớn nhanh thế".
Lên tám, anh khôn hơn những đứa trẻ cùng tuổi, hẳn do hoàn cảnh sống. Ngày ngày đêm đêm, anh mong mình mau lớn để có thể đi làm, kiếm tiền tự nuôi thân và sẽ gửi về cho chú để phụ nuôi hai em.
Như vậy, thím sẽ không mắng chú nữa, chú lành tính như bố. Thím mắng chú "khôn nhà dại chợ", chú cũng chỉ cười, anh hiểu mình là "cái dại chợ" của chú.
Hết lớp chín, anh nghỉ học vì khi ấy anh có thể làm việc ở xưởng cưa của chú Chín. Anh hiểu muốn đi học nữa cũng khó vì khi ấy chú mới bị tai nạn, không đi làm được, một mình thím cáng đáng việc nhà, chồng bệnh và ba cái tàu há mồm.
Chú khóc, bắt anh phải hứa mai mốt sẽ phải đi học lại. Chú nói xin lỗi anh vì chú không làm tròn trách nhiệm của người chú. Sảy cha còn chú, chú cũng như cha mà nhiều khi còn không bằng hàng xóm đối với cháu mình.
Anh cười, nghe những lời thím chao chát, anh có đau lòng nhưng không để bụng. Anh biết thím hoàn toàn không phải ghét bỏ anh, mà do cái khó đã dồn ép thím.
Anh vẫn nhớ hồi anh trèo nhãn hái trái cho bé Thơ bị ngã gãy tay. Những bữa cơm sau đó thường có món chân giò, quê anh người ta hay nói ăn gì bổ nấy. Bé Thơ nói "sao mấy nay cứ chân giò ăn hoài, ngán bắt chết" thì thím nạt "không thích đừng ăn".
Thím nói do xóm trên có đám cưới, nhờ lò thịt bốn con heo, người ta chỉ lấy thịt, còn giò heo bán rẻ nên thím mua.
Hồi chú bị tai nạn, dù nhà không khá giả nhưng thím vẫn cho chú dùng những loại thuốc tốt nhất. Đôi bông tai của mẹ thím cho hồi đi lấy chồng với cái nhẫn cưới thím cũng mang bán. Chú nói chú khỏe rồi, không cần tốn tiền, thím gắt, "biết tốn thì mau khỏe về làm trả nợ tôi!".
***
Sau này khi lớn lên, anh đi khắp nơi kiếm sống, va chạm lăn lộn với đủ hạng người, thấy thím là kiểu người "khẩu xà tâm Phật". Khi anh chào chú thím để đi, chú ừ, hai đứa em bịn rịn không muốn anh đi thì thím lảng ra vườn sau, còn buông lại, "nhà cửa sân vườn ngập rác kìa, nắm níu gì!".
Chú mất, anh cũng về, còn kịp ở cạnh chú mấy ngày. Chú thím đã có dâu rể, thím vẫn chân trước thấy người, chân sau thấy tiếng. Anh nói chuyện với chú, trên đường về thấy người ta bán ngô nướng, mai anh sẽ ghé mua ăn.
Hôm sau, anh chưa kịp đi đã thấy bắp ngô nằm trên bàn, còn ấm nóng. Toản nay thành ông giáo làng, cười hiền nói "mẹ mua ngô ngon quá". Thím hừ, "ngon thì ăn đi, ăn rồi còn chừa bụng ăn cơm, ăn nhanh không đám trẻ con về chúng nó lại đòi".
Chú nhìn anh với Toản gặm ngô thì cười. Toản hiền như chú, chân chất thật thà và nói như thím thì Toản di truyền "cái nết bao đồng" của bố. Toản cười vẫy cậu nhóc chừng năm tuổi hoạt bát giữa đám trẻ. "Em không giống bố thì giống ai, nhưng thằng con em mới lạ này, nó giống y anh khi nhỏ".
Anh thì thào, "chứ không phải nó giống bà nội nó à?". Toản cũng lấm lét nhìn ra sân, may mà hai anh em nghe thấy tiếng mợ hú à đuổi gà ngoài sân. Toản vò vò tóc con trai, nói: "Cả tuổi thơ mình, em ao ước được khỏe mạnh như anh, có thể chạy nắng cả ngày, có thể ngụp lặn dưới ao mà không bị ốm.
Anh học gì cũng nhanh. Nói anh có thể không tin, hồi đó nếu mình là anh em ruột, em sẽ không bao giờ để anh nghỉ học, người nghỉ nên là em". Anh cười, cũng vươn tay xoa tóc thằng bé như từng xoa tóc Toản ngày trước. "Nói bậy đi, nếu ngày ấy em nghỉ học thì giờ đâu có ông giáo đạo mạo giỏi giang như này".
- Anh, có khi nào anh giận mẹ em không? Em cũng thấy mẹ đáng ghét nhưng em không làm gì được. Anh lúc nào cũng không nhớ những chuyện mình đã làm, không để bụng những gì mẹ nói. Nhưng anh yên tâm, em nhớ là được.
Anh cười, nếu giận thì anh đã không về. Nhưng có lẽ anh chỉ về lần này thôi, anh thấy thím như khó xử trước mặt anh, là thím đang nhớ lại những gì thím làm với anh ngày nhỏ. Hay thím thấy anh, một thằng bé mồ côi phải bỏ học sớm, hôm nay lại có cuộc sống sung túc hơn cả hai đứa con thím dồn công sức chăm lo.
Anh biết có những lần thím đi viện nhưng cấm không cho hai đứa con báo tin cho anh. Thím không biết bạn anh là bác sỹ ở đó, ngay khi thím vào viện, người bạn đã báo anh biết, anh nhờ bạn đóng viện phí, tìm mua thuốc men...
Bạn cũng thắc mắc, ngày xưa bà ấy có ra gì đâu, anh chỉ cười, người bạn này ngày xưa tốn không ít cơm gạo cho anh, vì những khi anh bị phạt bỏ đói, bạn lôi anh về nhà. Nhưng bạn dù thân cũng không hiểu hết được, ngày xưa thím khắc nghiệt nhưng chưa khi nào tỏ ý muốn đuổi anh đi, những lần phạt không cho ăn cơm nhưng trong nồi luôn còn cơm và chén thức ăn để phần.
Đọc tin nhắn của Khương, anh biết thím không còn bao lâu, anh muốn về nhìn thím một lần, lại sợ sự có mặt của anh sẽ làm thím day dứt, ân hận. Anh nghĩ những gì anh lén làm Toản còn biết thì không lý gì thím không biết.
Anh quyết định đặt vé về ngay trong đêm. Nếu cần anh sẽ loanh quanh bên ngoài, không cho thím thấy mặt. Anh là anh lớn trong nhà, về để làm chỗ dựa cho hai đứa em, cũng để cho người làng thấy, nhờ chú thím nuôi nấng, dạy dỗ mà anh có ngày hôm nay.
Rằng thím không như mọi người tưởng, chỉ do hoàn cảnh mà ra. Và anh, anh luôn coi chú thím là người ơn, là cha mẹ, là gia đình. Biết đâu, ở những phút cuối cùng, thím sẽ nắm tay anh, sẽ nhắc lại một vài chuyện cũ với nụ cười nhẹ.
Chuyện cũ ngày xưa như chiếc lá rơi xuống dòng nước, cá ăn cũng được, nước cuốn cũng được, chỉ để lại dòng yêu thương thong thả trôi.