Truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù
Tôi có người cháu họ, vừa chấp hành án phạt tù, trở về địa phương để làm ăn, sinh sống, nhưng cháu luôn mặc cảm, tự ti vì đã vi phạm pháp luật. Đề nghị Tòa soạn cho biết, pháp luật quy định nội dung, mục đích và hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù như thế nào? Nguyễn Thị Yên (Sơn La)
- Căn cứ theo các quy định của pháp luật, Tòa soạn xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Tại Điều 9 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng có quy định như sau:
Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù.
Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng:
- Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù;
- Quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật;
- Biện pháp, kinh nghiệm tốt, mô hình, điển hình tiên tiến trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ, đấu tranh xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù;
- Nhân tố tích cực tham gia thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng và những gương hoàn lương, tiến bộ tiêu biểu;
- Các nội dung khác có liên quan đến việc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù.
Hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục:
- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, mạng internet, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền;
- Thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng, tư vấn, giáo dục cá biệt do báo cáo viên, tuyên truyền viên, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức;
- Thông qua các loại hình văn hóa truyền thống, văn hóa quần chúng, sáng tác văn học, nghệ thuật;
- Các hình thức thông tin, truyền thông giáo dục khác.
Nghị định số 49/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020.