Truyền thông trong thời đại AI: Thay đổi và thích nghi

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã khơi mào cuộc tranh luận thú vị trong nhiều ngành nghề và truyền thông báo chí cũng không ngoại lệ. Viễn cảnh AI thay thế các phóng viên tin tức không chỉ là một câu hỏi lý thuyết mà còn là một thực tế đang đến gần. Nhưng sự chuyển đổi này sẽ có ý nghĩa gì đối với truyền thông báo chí, chất lượng tin tức và vai trò của các nhà báo?

Trước hết, AI đã và đang làm thay đổi cách thức sản xuất nội dung. Các công cụ AI hiện nay có khả năng tự động tạo ra các bài viết, video và thậm chí là âm thanh với chất lượng gần tương đương với con người. Những hệ thống như GPT-4 của OpenAI có thể viết bài báo, tạo nội dung blog hay thậm chí là soạn thảo kịch bản phim. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn cho phép các nhà sản xuất nội dung thử nghiệm với nhiều ý tưởng và định dạng mới.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không chỉ trong sản xuất, AI còn đóng vai trò quan trọng đối với việc phân phối nội dung. Các thuật toán AI có khả năng phân tích dữ liệu người dùng để đưa ra những gợi ý nội dung cá nhân hóa. Điều này giúp các nền tảng truyền thông như YouTube, Netflix và Facebook có thể cung cấp những nội dung phù hợp nhất với sở thích và thói quen của từng cá nhân, từ đó tăng cường sự tương tác và mức độ hài lòng của người dùng.

Trong lĩnh vực báo chí, AI cũng đang hỗ trợ rất nhiều trong việc thu thập và phân tích dữ liệu. Các công cụ AI có thể rà soát hàng triệu tài liệu, tin tức và bài viết trong một thời gian ngắn để đưa ra những phân tích sâu sắc và phát hiện những xu hướng, sự kiện quan trọng. Điều này giúp các nhà báo tiết kiệm thời gian và tập trung vào việc nghiên cứu và viết bài chất lượng cao.

Việc tích hợp AI vào báo chí không hoàn toàn mới. Từ việc viết tin tức tự động đến phân tích dữ liệu, AI đã hỗ trợ các phóng viên bằng cách tạo ra các tin tức nhanh chóng, chính xác về tài chính, điểm số thể thao, và nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, khả năng mở rộng vai trò của AI đặt ra những câu hỏi sâu rộng về tương lai của thực hành báo chí, đạo đức, và sự tương tác.

Thực tế, AI có thể xử lý và báo cáo dữ liệu nhanh hơn các phóng viên con người, bao phủ một phạm vi rộng lớn các chủ đề và câu chuyện mà có thể không khả thi đối với nhân sự con người do hạn chế về thời gian hoặc nguồn lực. Các thông tin được AI tạo ra có thể không thiên vị, dựa hoàn toàn vào dữ liệu mà không bị ảnh hưởng bởi niềm tin cá nhân hay định kiến cảm xúc. AI có thể điều chỉnh nguồn tin tức theo sở thích cá nhân, tăng cường sự tương tác của độc giả thông qua nội dung cá nhân hóa.

Có thể thấy AI đang mang lại những cơ hội và thách thức lớn cho ngành truyền thông báo chí thế giới. Việc tận dụng những lợi ích của AI trong việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ nội dung cần đi đôi với các biện pháp bảo vệ đạo đức và quyền riêng tư. Trong tương lai, sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và các giá trị nhân văn sẽ là chìa khóa để phát triển một hệ sinh thái truyền thông lành mạnh và bền vững.

Hiệp hội Nhà báo Đức (DJV) cho rằng việc sử dụng AI phải trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình đào tạo và đào tạo nâng cao cho các nhà báo. Họ kêu gọi các công ty truyền thông tổ chức chương trình đào tạo phù hợp, bao gồm cả việc lạm dụng AI. Financial Times là một công ty truyền thông đang thực hiện thách thức này vì biên tập viên gần đây cho biết họ sẽ cung cấp đào tạo cho các nhà báo của mình dưới hình thức một lớp học nâng cao về cách sử dụng AI tạo sinh để khám phá câu chuyện.

Tạp chí Forbes đã triển khai một nền tảng CMS (Hệ thống quản lý nội dung) được hỗ trợ bởi AI có tên là Bertie. Đó là một nền tảng đăng tin tức bằng AI, được thiết kế đặc biệt cho nội bộ tòa soạn bao gồm các nhà báo, mạng lưới cộng tác viên chuyên nghiệp và đối tác. Bertie cung cấp cho họ các chủ đề đang thịnh hành trong thời gian thực, đề xuất các cách tạo tiêu đề hấp dẫn hơn và những hình ảnh liên quan. Ngoài ra, Forbes cũng thường triển khai nhiều giải pháp AI mới để giúp công việc của nhân viên trở nên dễ dàng hơn.

Báo The Washington Post đã giới thiệu Heliograf - một công nghệ AI để sản xuất tin bài tự động để đưa tin về các sự kiện địa phương. Heliograf có thể tạo ra toàn bộ các bài báo từ dữ liệu thu thập được, cho phép công nghệ này đưa tin về tất cả các trận bóng đá của trường trung học khu vực Thủ đô Washington hằng tuần. Nhờ đó, The Washington Post có thể đưa tin về bất kỳ trận đấu nào mà họ có dữ liệu và người hâm mộ có thể theo dõi vào ngay thời điểm mà nó diễn ra.

Hãng tin Bloomberg cũng đang sử dụng một giải pháp AI có tên là Cyborg. Hệ thống này có thể hỗ trợ các phóng viên đưa ra hàng nghìn bài viết dựa trên các báo cáo thu nhập hằng quý của các công ty. Cyborg có thể mổ xẻ một báo cáo tài chính ngay khi nó xuất hiện và lập tức trả về một câu chuyện tin tức có bao gồm các sự kiện và số liệu thích hợp nhất.

Ngay tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí đã ứng dụng AI khá sớm. Như báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào năm 2016 để sản xuất các video ngắn, tích hợp hệ thống để theo dõi hành vi người dùng và tự động gửi bản tin tới độc giả.

Năm 2021, Báo Lao Động đã ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo. Biên tập viên ảo trong bản tin của Báo Lao Động được tạo tự động trên máy tính, mô phỏng 100% khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ hình thể và phong cách dẫn chương trình của người thật. Đầu năm 2022, Báo Nhân Dân bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo, không chỉ để đo lường độc giả theo thời gian thực, mà còn tự động đề xuất nội dung tương thích cho độc giả mang tính cá nhân hóa.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của AI trong truyền thông cũng đặt ra nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là việc kiểm soát thông tin giả mạo. Các công cụ AI có thể được sử dụng để tạo ra các tin tức giả, hình ảnh và video chỉnh sửa một cách tinh vi, gây khó khăn cho việc xác thực thông tin. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý truyền thông, báo chí và các nền tảng mạng xã hội phải phát triển các giải pháp AI tiên tiến để nhận diện và loại bỏ thông tin sai lệch.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng AI trong truyền thông báo chí cũng đặt ra các câu hỏi về đạo đức và quyền riêng tư. Việc thu thập và phân tích dữ liệu người dùng để cá nhân hóa nội dung có thể xâm phạm đến quyền riêng tư nếu không được thực hiện một cách minh bạch và có sự đồng ý của người dùng.

AI có thể tự động hóa nhiều công việc trong ngành truyền thông báo chí và điều này có thể dẫn đến việc giảm nhu cầu nhân lực trong một số lĩnh vực, gây ra lo ngại về mất việc làm cho nhiều người lao động. Người làm trong ngành truyền thông báo chí cần phải cập nhật và nâng cao kỹ năng công nghệ để có thể làm việc hiệu quả với các công cụ AI, từ đó tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

AI cũng thiếu đi cảm xúc con người, sự đồng cảm và khả năng nắm bắt những tinh tế của câu chuyện con người, những yếu tố thiết yếu cho báo chí có ảnh hưởng. Sự áp dụng rộng rãi của AI trong phòng tin tức có thể dẫn đến việc thất nghiệp cho các nhà báo, gây ra mối lo ngại về thất nghiệp và sự giảm giá trị của kỹ năng báo chí. Mặc dù AI có thể giúp cung cấp các thông tin khách quan, nhưng các thuật toán đằng sau chúng có thể bị thao túng, dẫn đến tin tức thiên vị hoặc giả mạo, từ đó làm suy giảm niềm tin vào truyền thông tin tức.

AI cũng buộc ngành truyền thông báo chí phải thay đổi và thích nghi với mô hình kinh doanh mới. Trong gần hai thập kỷ qua, khi các công ty công nghệ như Apple, Amazon, Google, Meta và Microsoft phát triển trở thành những công ty có giá trị nhất thế giới, Mỹ đã mất đi một phần ba số tờ báo và hai phần ba số nhà báo của mình. Chỉ riêng năm ngoái, ngành báo chí Mỹ đã cắt giảm 2.700 việc làm và trung bình mỗi tuần có 2,5 tờ báo đóng cửa. Mặc dù lượng truy cập tăng 43% đối với 46 trang tin tức hàng đầu trong thập kỷ qua, doanh thu của họ lại giảm 56%. Sự thống trị của một số ít các công ty tư nhân, có trụ sở tại Thung lũng Silicon đối với quảng cáo kỹ thuật số, xuất bản, độc giả, dữ liệu, đám mây và tìm kiếm đã tàn phá mô hình kinh doanh của báo chí trên toàn cầu.

Những tiến bộ nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo đang trở thành động lực để một số ít công ty công nghệ mạnh mẽ mở rộng và củng cố vị thế thị trường đã thống trị của họ. Điều này sẽ khiến cho các ngành như báo chí hay công nghiệp sáng tạo khó có thể tự lập, chứ đừng nói đến việc duy trì định hướng phục vụ lợi ích công cộng như trường hợp của ngành tin tức.

Có thể thấy AI đang mang lại những cơ hội và thách thức lớn cho ngành truyền thông báo chí thế giới. Việc tận dụng những lợi ích của AI trong việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ nội dung cần đi đôi với các biện pháp bảo vệ đạo đức, quyền riêng tư. Trong tương lai, sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và các giá trị nhân văn sẽ là chìa khóa để phát triển một hệ sinh thái truyền thông lành mạnh và bền vững.

Thanh Bình

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/truyen-thong-trong-thoi-dai-ai-thay-doi-va-thich-nghi-102547.bbg