TS. Bùi Sỹ Lợi nêu 3 lý do khiến bệnh viện công chưa thể tự chủ toàn diện

'Nếu chúng ta không tính toán mà đã xây dựng và giao chuyển tự chủ cho các bệnh viện khi người ta chưa đủ điều kiện thì lợi bất cập hại, gậy ông đập lưng ông'.

TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng có 3 vấn đề khiến bệnh viện công chưa thể tự chủ toàn diện. Ảnh VGP/Quang Thương

TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng có 3 vấn đề khiến bệnh viện công chưa thể tự chủ toàn diện. Ảnh VGP/Quang Thương

Giao bệnh viện tự chủ toàn diện khi chưa đủ điều kiện thì lợi bất cập hại

TS. Bùi Sỹ Lợi bày tỏ quan điểm tại tọa đàm " Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn", do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 14/11.

Nêu quan điểm về 2 bệnh viện xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: "Tôi không làm trong ngành y nhưng suốt trong 20 năm làm đại biểu Quốc hội, tôi giám sát ngành y.

Tôi cũng vinh dự được Chính phủ mời tham gia Ban chỉ đạo Nhà nước để nghiên cứu một đề án ra Nghị quyết 19 về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhưng tại sao chúng ta lại chưa thể tự chủ hoàn toàn được? TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, vấn đề này ông đã phát biểu trước Quốc hội.

"Nếu chúng ta không tính toán mà đã xây dựng và giao chuyển tự chủ cho các bệnh viện khi người ta chưa đủ điều kiện thì lợi bất cập hại, gậy ông đập lưng ông. Điều này tôi nói trước Quốc hội và tôi không ủng hộ tự chủ hoàn toàn", TS. Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

3 vấn đề khiến bệnh viện công chưa thể tự chủ toàn diện

Tại sao chưa tự chủ toàn diện được? Theo TS. Bùi Sĩ Lợi, có 3 vấn đề. Đầu tiên là thể chế, thể chế của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu để người ta tự chủ toàn phần được. Vấn đề thứ hai là tổ chức thực hiện, có vấn đề.

Cuối cùng có tính chất rất quyết định là vấn đề cơ chế giá. Cơ chế giá có những lúc tôi thốt lên, tại sao giao cho người ta tính đúng, tính đủ giá mà tiền lương tối thiểu đã điều chỉnh 1.490.000 rồi, nhưng anh vẫn giữ 1.300.000? Thế chênh lệch đó lấy đâu? Đó chính là "gậy ông đập lưng ông, đánh vào nhân dân".

TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết: Trong Nghị quyết 19 của Trung ương về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, có 4 loại hình tự chủ về tài chính. Loại hình đầu tiên là tự chủ toàn diện, toàn phần được vì tự chủ cả về đầu tư, xây dựng cơ bản. Nhưng rõ ràng bây giờ bệnh viện của chúng ta làm sao đủ năng lực về mặt tài chính để làm vấn đề này khi mà giá của chúng ta chưa tính đúng, tính đủ. Đây là vấn đề chúng ta phải tính toán rất kỹ.

TS. Bùi Sỹ Lợi bày tỏ: "Khi có chủ trương đề nghị 4 bệnh viện tự chủ toàn phần, tôi đã phát biểu rồi. Và đến khi tôi nghe chuyện là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K xin chuyển từ tự chủ loại 1 sang loại 2, tôi hoàn toàn ủng hộ.

Chúng ta nói là phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu chúng ta tự chủ theo cách này đối với ngành y thì chỉ đem lại khó khăn, vướng mắc cho người dân. Chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước chúng ta.

Tôi đã từng tham gia biên tập Văn kiện Đại hội XII, XIII, Trung ương rất nhấn mạnh phải bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản, tối thiểu: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông, nhưng y tế có tính chất quyết định rất quan trọng.

Qua kinh nghiệm giám sát nhiều năm đối với ngành y tế, tôi thấy chưa có một cơ sở y tế nào, kể cả tuyến trên, tuyến cuối và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa bệnh viện nào có đủ điều kiện để tự chủ toàn phần".

Bệnh viện tuyến cuối và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, dứt khoát Nhà nước phải đầu tư

TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết "tôi đã từng đi giám sát tại Bệnh viện Thạch Thất của Hà Nội, tôi nói với Chủ tịch Hà Nội là không hiểu sao Hà Nội lại giao cho bệnh viện này tự chủ, không có bệnh nhân đến.

Có những bệnh viện không hề có bệnh nhân đến thường xuyên nhưng vẫn phải tồn tại bệnh viện như vậy. Bởi bác sĩ chờ để khi có bệnh nhân là phải điều trị, điều trị cho khỏi. Đó mới là định hướng".

TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng: "Nếu chúng ta không cẩn thận mà cứ giao tự chủ theo cách như vậy, giao mà không có đầu tư, không có chuyển giao khoa học công nghệ và không có phúc lợi xã hội thì bệnh viện Nhà nước để làm gì.

Tôi phải nói rằng, hai hạng bệnh viện: Bệnh viện tuyến cuối cùng và bệnh viện tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, dứt khoát Nhà nước phải đầu tư.

Tôi đi giám sát rất nhiều và tôi rất buồn là hệ thống y tế cơ sở của chúng ta tại một số bệnh viện tuyến xã và tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn rất khó khăn.

Ở tuyến trên, có 3 điểm chúng ta phải lưu ý: Một là chúng ta phải đầu tư để hiện đại hóa công nghệ. Đây là tuyến cuối cùng chăm sóc những bệnh khó khăn, gian khổ nhất nên đòi hỏi kỹ thuật nhiều nhất. Và quan trọng nữa là phải được đầu tư công nghệ hiện đại.

Vấn đề thứ hai là bệnh viện tuyến cuối cùng có nhiệm vụ hết sức quan trọng là chuyển giao công nghệ kỹ thuật hiện đại cho tuyến 2 và tuyến cơ sở.

Vấn đề thứ ba là phải bảo đảm an sinh xã hội, lên đến tuyến cuối cùng này mà bệnh nhân không có điều kiện thì chẳng nhẽ bệnh viện lại không điều trị? Phải tập trung làm 3 vấn đề đó.

Tôi rất mong chúng ta nên suy nghĩ cách thức và các nhà quản lý bệnh viện phải có tiếng nói, làm sao để chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Đó là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước chúng ta"./.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ts-bui-sy-loi-neu-ly-do-benh-vien-cong-chua-the-tu-chu-toan-dien-119221114223008313.htm