TS. Huỳnh Thanh Điền: Mảnh ghép còn thiếu của thương mại điện tử TPHCM

LTS: 'Một nhóm nhỏ các sàn thương mại điện tử đang nắm đại đa số thị phần. Lợi nhuận kinh doanh thương mại điện tử, vì vậy, cũng tập trung vào các ông lớn đó, thay vì phân phối đều cho các chủ thể tham gia kinh doanh trên sàn', TS. Huỳnh Thanh Điền trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

(KTSG) – LTS: “Một nhóm nhỏ các sàn thương mại điện tử đang nắm đại đa số thị phần. Lợi nhuận kinh doanh thương mại điện tử, vì vậy, cũng tập trung vào các ông lớn đó, thay vì phân phối đều cho các chủ thể tham gia kinh doanh trên sàn”, TS. Huỳnh Thanh Điền trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

“Trăm hoa đua nở” nhưng vẫn tăng hoa “tàn”

KTSG: Theo số liệu của Cục Thuế TPHCM, năm 2023, số tổ chức và cá nhân kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn là 90.204, tương đương với khoảng 0,08% dân số TPHCM. Ông có bất ngờ trước thống kê này không? Con số nêu trên thể hiện điều gì về thị trường TMĐT TPHCM?

TS. Huỳnh Thanh Điền: TMĐT có thể tạm hiểu là hình thức kinh doanh mà các giao dịch mua – bán được thực hiện trên môi trường Internet. Trên thực tế, Việt Nam đã nghiên cứu và ban hành khung pháp lý cho TMĐT từ sau những năm 2000. Vấn đề xây dựng, củng cố hạ tầng Internet, hạ tầng viễn thông là nền tảng cho TMĐT cũng được tích cực đầu tư, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội.

Tuy nhiên, nói đến sự bùng nổ của TMĐT tại Việt Nam phải kể đến dấu mốc đại dịch Covid-19. Trong những năm đại dịch, người dân không còn có lựa chọn nào khả thi hơn việc giao dịch trên sàn TMĐT. Sự tiện lợi của TMĐT thu hút người tiêu dùng, đồng thời thu hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh kênh phân phối TMĐT.

TPHCM dẫn đầu trong xu thế này. Theo Sở Công Thương TPHCM, năm 2023, doanh số mua hàng TMĐT của TPHCM đạt 6,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 29% quy mô cả nước; doanh số bán hàng TMĐT (được tính theo vị trí đặt kho hàng) đạt 4,7 đô la Mỹ, chiếm 23% quy mô TMĐT cả nước. Đáng nói, tốc độ tăng trưởng TMĐT của TPHCM luôn cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, năm 2023, TMĐT TPHCM tăng 37% (mức tăng trưởng của cả nước là 25%).

Sự năng động của thị trường TMĐT TPHCM xuất phát từ nhiều lý do. Từ góc độ nhu cầu, TPHCM là đô thị đông dân nhất cả nước, dân số đến từ khắp các tỉnh, thành của Việt Nam lại là dân số trẻ, dễ tiếp thu và sử dụng các xu hướng mới. Đối với doanh nghiệp, chi phí mặt bằng ngày càng cao khiến họ phải lựa chọn chuyển đổi phương án kinh doanh, chuyển một phần hoặc hoàn toàn sang không gian online để giảm chi phí cố định, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Những doanh nghiệp khởi nghiệp thường lựa chọn kinh doanh trên sàn TMĐT để bắt đầu, thay vì chọn mở cửa hàng như trước kia.

Từ góc độ chủ quan, TPHCM có hạ tầng phục vụ TMĐT thuộc nhóm tốt nhất cả nước, từ độ phủ Internet, hạ tầng viễn thông, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tới hạ tầng logistics, hạ tầng thanh toán.

Ngoài khung pháp lý chung, TPHCM chủ động xây dựng các kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn thành phố, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể như kết nối sàn TMĐT với doanh nghiệp, tổ chức các chương trình hỗ trợ hộ cá thể chuyển đổi sang kinh doanh online…

Có thể thấy, sự phát triển của TMĐT ở TPHCM là kết quả của sự cộng hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó phải ghi nhận nỗ lực của chính quyền TPHCM, giúp người dân, hộ cá thể, doanh nghiệp làm quen và triển khai kinh doanh trên sàn TMĐT. Tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới được dự báo vẫn tiếp tục cao, kinh doanh trên sàn TMĐT là xu hướng tất yếu, không thể đảo chiều.

KTSG: Dù vậy, tình trạng “trăm hoa đua nở” trong TMĐT cũng đặt ra các vấn đề về quản lý. Thưa ông, vấn đề này cần được nhìn nhận ra sao?

– Thông thường, quản lý nhà nước bao giờ cũng đi sau diễn biến thực tiễn của thị trường và tùy vào trình độ phát triển kinh tế và từng lĩnh vực cụ thể mà vấn đề quản lý đi sau nhiều hay ít. Nghĩa là, với bất cứ lĩnh vực nào, trong giai đoạn đầu, việc quản lý cũng sẽ đối diện với nhiều khó khăn.

Từ thực tiễn có thể thấy, việc quản lý kinh doanh TMĐT đang dần đi vào khuôn khổ, ngày càng hiệu quả hơn. Điển hình là vấn đề thuế, thất thu thuế trong hoạt động TMĐT vài năm trước rất lớn nhưng hiện ngày càng được cải thiện. Trong thời gian tới, vấn đề quản lý thuế trong TMĐT có thể còn hiệu quả hơn kinh doanh truyền thống. Bởi lẽ, mọi giao dịch trên sàn TMĐT, mọi hành vi thanh toán đều được lưu vết. Các doanh nghiệp tham gia kinh doanh buộc phải khai báo căn cước công dân, mã số thuế, xác thực sinh trắc học (nếu cần) làm căn cứ thực hiện nghĩa vụ thuế. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định, sàn TMĐT phải chịu trách nhiệm. Với những hình thức kinh doanh mới, chúng ta sẽ hoàn thiện khung khổ pháp luật và xây dựng hạ tầng công nghệ để quản lý.

Hay việc quản lý hàng giả, hàng nhái hiện tại vẫn chưa thực sự hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng ta tiến hành quản lý trên cả hai kênh, trực tiếp và online, sử dụng các biện pháp công nghệ để phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái thì chắc chắn tình hình sẽ cải thiện.

Thật ra con số cần quan tâm không phải là số lượng 90.024 cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh online. Báo cáo của Sở Công Thương TPHCM còn cho thấy, trong năm 2023, dù tổng doanh thu TMĐT tăng, ngược lại số lượng nhà bán hàng trực tuyến giảm 18,5%. Nghĩa là thị trường TMĐT đang có sự cạnh tranh gay gắt, chi phí bán hàng ngày càng tăng, một mặt do người kinh doanh phải đầu tư vào các hình thức quảng cáo, tiếp thị mới như thuê người livestream, mặt khác chiết khấu lại cho các sàn TMĐT chiếm tỷ lệ cao trên tổng giá trị đơn hàng, ở mức trên dưới 20%. Đó là vấn đề mà các nhà quản lý cần cân nhắc, tìm cách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn.

Lập sàn thương mại điện tử không khó nhưng…

KTSG: Như ông đã đề cập, TPHCM đã ban hành kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn và triển khai tốt các hoạt động nằm trong kế hoạch này. Theo ông, liệu có cần một cách tiếp cận thực tế hơn để thúc đẩy phát triển TMĐT tại TPHCM?

– Vai trò của quản lý nhà nước thể hiện ở hai việc, một là định hướng, tăng nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về TMĐT; hai là tạo hạ tầng, từ hạ tầng cứng như hệ thống mạng, thanh toán, dịch vụ logistics tới khuôn khổ pháp luật, nền tảng công nghệ… Tùy theo từng giai đoạn mà phía quản lý chú trọng nhiệm vụ nào hơn.

Ở thời điểm này, về mặt nhận thức, theo quan sát của tôi, đại đa phần người dân tại TPHCM đã biết cách kinh doanh trên sàn TMĐT. Hạ tầng mạng, thanh toán và logistics của TPHCM đã tương đối tốt, so với các địa phương khác trên cả nước, thậm chí so với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Nhưng khi thị trường ngày càng lớn hơn, hạ tầng càng phải nâng cấp cho tốt hơn.

Vẫn còn một số trở ngại mà trở ngại lớn nhất là an toàn thông tin. Người mua và người bán hàng trên các sàn TMĐT đều rất dễ bị lộ thông tin. Từ phía người mua hàng, các sàn TMĐT nắm được thông tin người mua hàng toàn sàn, có thể phân tích hành vi mua sắm. Để tránh việc thao túng hành vi, chúng ta phải có quy định pháp lý về việc các sàn TMĐT thu thập và sử dụng thông tin người tham gia.

Đối với người bán hàng, nguy cơ lộ thông tin kinh doanh, gây xáo trộn và bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp phải được tính đến. Cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm hàng hóa đưa lên sàn cũng cần được quan tâm, bởi trên môi trường online, khi sản phẩm mới xuất hiện, hàng nhái có thể đi theo trong thời gian cực ngắn, dưới một tuần. Như vậy, bàn tay quản lý nhà nước phải tạo được luật chơi, duy trì được kỷ cương, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, công bằng và bảo vệ người tiêu dùng. Khi đó, cung và cầu tự nhiên gặp nhau và thị trường sẽ tự phát triển đúng hướng.

Một vấn đề khác là tính chất độc quyền nhóm đang hiện diện rất rõ trong TMĐT. Về các nền tảng giao dịch, một nhóm nhỏ các sàn TMĐT đang nắm đại đa số thị phần. Các sàn có thể thỏa thuận về mức chiết khấu, doanh nghiệp phải chịu chi phí chiết khấu ngày càng cao. Lợi nhuận kinh doanh TMĐT, vì vậy, cũng tập trung vào các ông lớn đó, thay vì phân phối đều cho các chủ thể tham gia kinh doanh trên sàn. Hiện tượng quy mô thị trường tăng lên trong khi số đơn vị kinh doanh giảm xuống cũng nên được xem là dấu hiệu sơ khai của nguy cơ độc quyền nhóm. Đây là vấn đề mà TPHCM cần quan tâm nhiều hơn.

KTSG: Rủi ro khi phụ thuộc hoàn toàn vào các sàn TMĐT nước ngoài đã được nhiều chuyên gia đề cập, do đó, việc thành lập và phát triển một sàn TMĐT Việt Nam có sức cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài đang được xem là một nhiệm vụ cấp thiết. Ông nghĩ như thế nào về vai trò của TPHCM trong mục tiêu này?

– Sàn TMĐT là một chủ thể kinh doanh, là phần việc của khối ngoài nhà nước. Thành phố chỉ có thể đưa ra những chính sách bảo trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp để khuyến khích họ xây dựng và vận hành hiệu quả các nền tảng kinh doanh online của người Việt Nam.

Việc cho ra mắt một nền tảng như vậy không khó, thực chất đó chỉ là một ứng dụng công nghệ. Cái khó là thu hút được người bán hàng, người mua hàng tham gia giao dịch trên nền tảng mới này.

Vậy nên, TPHCM cần có một định hướng, sau đó, là một kế hoạch hỗ trợ cho việc thành lập và phát triển sàn TMĐT của người Việt. Chẳng hạn, có chương trình kết nối doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, khó khăn của họ trong kinh doanh trên các sàn TMĐT nước ngoài, các giải pháp công nghệ cần có để quảng bá sản phẩm của họ, kết nối doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, để họ đưa ra được phương án sàn TMĐT tối ưu cho TPHCM. Thành phố có thể có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp góp vốn xây dựng sàn TMĐT, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, khi sàn TMĐT ra đời, tiếp tục kết nối giữa phía sàn với doanh nghiệp sản xuất và truyền thông cho nền tảng TMĐT mới tới người tiêu dùng TPHCM và toàn quốc. Trong phần việc này, vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội ngành nghề rất quan trọng. Họ phải thực hiện được nhiệm vụ liên kết giúp doanh nghiệp bán hàng, thay vì theo kiểu truyền thống thì phải thay đổi tư duy cho phù hợp với thời kỳ của TMĐT.

Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM có thể đứng ra xây dựng đề án thành lập sàn TMĐT hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần. Trong đó, kêu gọi đông đảo cộng đồng doanh nghiệp tham gia góp vốn để gắn nghĩa vụ của họ đối với ngành TMĐT TPHCM. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp tham gia góp vốn là hạt nhân tiên phong tham gia cung cấp thông tin sản phẩm lên sàn. Đồng thời, vận động tất cả doanh nghiệp trong mạng lưới của các hội ngành nghề, quận/huyện tham gia giới thiệu giao dịch qua sàn. Như vậy, sản phẩm trên sàn sẽ đa dạng và từng bước thu hút đông đảo được người tiêu dùng mua sắm trên sàn. Khi đó, TPHCM sẽ hình thành được sàn TMĐT từ chính cộng đồng doanh nghiệp của mình, góp phần giúp doanh nghiệp phân phối hiệu quả hơn qua sàn TMĐT.

Cạnh tranh trong kinh doanh sẽ ngày càng khốc liệt và trên môi trường Internet, đó sẽ là sự cạnh tranh xuyên quốc gia. Nếu người Việt không thể hiện sự đoàn kết, thúc đẩy, hỗ trợ nhau cùng phát triển, hàng hóa Việt Nam sẽ chịu thua ngay trên sân nhà.

Hoàng Hạnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ts-huynh-thanh-dien-manh-ghep-con-thieu-cua-thuong-mai-dien-tu-tphcm/