TS Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam:: Cần các chính sách đẩy nhanh nông nghiệp hữu cơ
Qua nhiều năm sản xuất nông nghiệp chạy theo số lượng, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng đất đai của Việt Nam đang đến hồi báo động. Nếu không có giải pháp từng bước phục hồi lại chất lượng đất đai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và an ninh lương thực của đất nước.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho rằng, tiềm năng để sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam rất lớn. Để phát triển bền vững, cần theo xu hướng sản xuất hữu cơ, điều quan trọng là Nhà nước cần có các chính sách để khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.
Đất đai đang suy kiệt
* Qua nhiều năm nghiên cứu, theo dõi, ông đánh giá như thế nào về thực trạng, chất lượng đất dành cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay?
- Có thể nói, đất đai đang bị suy kiệt về chất lượng. Các nhà khoa học đất đã nghiên cứu và khẳng định rằng, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, khả năng tích lũy của chất hữu cơ trong đất nhỏ hơn khả năng phân hủy. Nước ta lại có mưa nhiều, các tỉnh phía Nam mỗi năm có tới 6 tháng mùa mưa, có những trận mưa cường độ rất lớn; cộng với các hoạt động canh tác như cày bừa, làm đất thâm canh…, đã làm rửa trôi đi khá nhiều chất hữu cơ khiến đất bị bạc màu.
Việc canh tác chạy theo số lượng, mở rộng diện tích cùng với các vấn đề như: phá rừng, lạm dụng quá nhiều phân hóa học đã làm phá vỡ cân bằng chất dinh dưỡng trong đất, trong khi lượng hữu cơ bón thêm vào đất còn khá ít, đang khiến cho hữu cơ tích lũy trong đất suy giảm mạnh, chất hữu cơ càng ngày càng nghèo kiệt.
Đồng Nai đang triển khai nghiên cứu đề tài Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ xử lý phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ quy mô nông hộ. TS Nguyễn Đăng Nghĩa là một trong những người thẩm định.
* Điều đó sẽ có tác động tiêu cực nào đến sự bền vững của sản xuất nông nghiệp, thưa ông?
- Suy kiệt dần của đất đai tất yếu sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp. Đã xuất hiện những yếu tố dinh dưỡng giới hạn, giới hạn ở đây là giới hạn năng suất. Trong khi đó, các loại dịch hại trên cây trồng lại xuất hiện với tần suất rất dày. Năng suất giảm, nông dân lại càng sử dụng nhiều phân hóa học. Qua đó, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và chất lượng nông sản. Nông sản Việt Nam tuy đa dạng về chủng loại nhưng lại đang khó cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực do sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Có thể nói rằng, sức khỏe đất đai đã đến mức báo động.
* Ông vừa nhắc đến việc lạm dụng quá mức phân hóa học, cụ thể là như thế nào?
- Như tôi vừa trình bày, sản xuất nông nghiệp chủ yếu chạy theo số lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do chạy theo số lượng, chúng ta phải nhập khẩu hoặc sản xuất các loại phân hóa học nhằm mục đích làm sao năng suất nông sản ngày càng tăng. Đến nay, mỗi năm, chúng ta đang sử dụng tới 12 triệu tấn phân hóa học. Đó là một con số quá lớn.
Việc sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật tràn lan và mất kiểm soát khiến chất lượng nhiều mặt hàng nông sản giảm sút, thậm chí đã có những quốc gia trả hàng hoặc cấm nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam. Chưa kể, thị trường rau, củ quả trong nước đang liên tục xảy ra nhiều vấn đề về an toàn, là những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Nông nghiệp hữu cơ hướng đi tất yếu
* Sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi nếu không sẽ muộn và sản xuất hữu cơ đang được khuyến khích, đẩy mạnh. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này vẫn còn nhiều rào cản, vì sao thưa ông?
- Tất nhiên, để thay đổi phương thức canh tác cần thời gian, nhất là nếu muốn nó trở thành một giá trị phổ quát. Tại Việt Nam, việc đẩy mạnh canh tác hữu cơ đang được Nhà nước khuyến khích, người tiêu dùng cũng ủng hộ nhưng vẫn có những rào cản. Rất khó có thể tìm được một diện tích đất trồng trọt có đủ tiêu chuẩn sạch để thỏa mãn được các yêu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ bởi lối canh tác lạm dụng như trước đây.
Bên cạnh đó, sản lượng phân hữu cơ sản xuất trong nước còn quá nhỏ so với yêu cầu của thực tiễn sản xuất, chỉ riêng việc cân đối bón phân giữa vô cơ và hữu cơ đã theo tỷ lệ 1:3 đã khó. Ngoài ra, nếu tính về chi phí, sản xuất theo hướng hữu cơ chắc chắn sẽ khó có sự cạnh tranh nếu so với việc sản xuất lạm dụng phân bón hóa học như hiện nay. Nhận thức về hiệu quả, ích lợi của nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam của đại bộ phận người dân hiện vẫn còn hạn chế… Những điều đó phần nào làm chậm đi việc ứng dụng sản xuất hữu cơ trong nông nghiệp hiện đại của Việt Nam.
* Tiềm năng của việc sản xuất hữu cơ là rất lớn. Vậy làm sao để đẩy mạnh vấn đề này?
- Nông nghiệp Việt Nam muốn bền vững thì phải nghĩ ngay đến bền vững từ đất. Là nhà khoa học, chúng tôi đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này tại các diễn đàn với mong muốn tạo sự bền vững cho nông nghiệp Việt Nam. Nông nghiệp hữu cơ không chỉ sản xuất ra các loại nông sản sạch tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, mà còn để bảo vệ, phục hồi đất đai, môi trường, vốn quý của đất nước.
Kỹ thuật không phải là vấn đề mà ở đây là các chính sách. Cần quy hoạch và bảo vệ khu vực đất đai, nguồn nước chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; phải minh bạch và hài hòa các quyền lợi cho những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia trong chuỗi.
* Đồng Nai được đánh giá là “vựa trái cây” của vùng Đông Nam bộ. Ông có khuyến nghị nào với tỉnh để đẩy mạnh việc phát triển sản xuất hữu cơ trên địa bàn?
- Đồng Nai có nhiều loại cây trái nổi tiếng như chôm chôm, sầu riêng, bưởi… Do đó, tỉnh cần xác định nhóm cây ăn trái phù hợp và có lợi thế, từ đó xây dựng chuỗi liên kết nhằm tổ chức trồng, bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm một cách chắc chắn, bền vững. Đẩy mạnh liên kết nông hộ, trang trại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm tạo nguồn lực mạnh mẽ hơn trong sản xuất hữu cơ.
Bên cạnh những chính sách chung về nông nghiệp, để hạn chế việc sử dụng phân hóa học, địa phương cần có sự chuẩn bị các nguồn vật tư đầu vào như các chủng loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ. Có giải pháp khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, trang trại đầu tư sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ và gia tăng khai thác các nguồn nguyên liệu có nhiều ở địa phương để chế biến phân hữu cơ phục vụ cho chương trình này.