TS Nguyễn Đình Cung: Cải cách tư pháp, giảm thiểu rủi ro cho kinh tế tư nhân
Để kinh tế tư nhân phát triển, chuyên gia cho rằng cần cải cách hoạt động tư pháp, rút ngắn tối đa thời gian, giảm tối đa chi phí, đảm bảo minh bạch, công bằng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng, giảm thiểu rủi ro pháp lý, nhất là rủi ro hình sự...
Ngày 8-4, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tổ chức Tọa đàm trao đổi ý kiến chuyên gia về hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh dự và phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể - Bộ Tài chính. Ảnh: QH
Kinh tế tư nhân phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Tại phiên họp, các đại biểu nghe Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể - Bộ Tài chính Trịnh Thị Hương trình bày thông tin về định hướng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân đang được nghiên cứu để thể hiện tại Đề án phát triển kinh tế tư nhân.
Thảo luận tại phiên họp, các chuyên gia đồng thuận cho rằng kinh tế tư nhân đang có đóng góp lớn trong tổng thể nền kinh tế, có phạm vi hoạt động rộng khắp trong mọi ngành nghề, trên mọi địa bàn… góp phần cung ứng đủ hàng hóa, tạo công ăn việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần đáng kể trong cơ cấu GDP.
Các chuyên gia cũng chỉ rõ, kinh tế tư nhân ở nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là hệ thống pháp luật, chính sách còn bất cập, khiến doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực. Hệ thống pháp luật kinh doanh thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể, chưa hợp lý, còn chồng chéo, mâu thuẫn, không tiên liệu hết các vấn đề có thể xảy ra.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương), phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: QH
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương), cho rằng cần nhanh chóng chuyển đổi hệ thống pháp luật theo hướng đảm bảo tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng và kiến tạo cơ hội phát triển.
Ngoài ra cũng cần tăng cường hỗ trợ, có ưu đãi vượt trội để khuyến khích phát triển hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị xây dựng khung khổ pháp lý tạo kênh huy động và tiếp cận vốn đầu tư trung và dài hạn (ngoài tín dụng), tiếp cận đất đai, nghiên cứu phát triển và công nghệ cho doanh nghiệp tư nhân.
Cải cách hoạt động tư pháp, rút ngắn tối đa thời gian, giảm tối đa chi phí, đảm bảo minh bạch, công bằng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng, giảm thiểu rủi ro pháp lý, nhất là rủi ro hình sự, để người dân và doanh nghiệp an tâm đầu tư.

TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong. Ảnh: QH
Đột phá thể chế, loại bỏ xin - cho
Còn theo TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong, cần tiếp tục thực hiện các cải cách đột phá trong thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh; loại bỏ cơ chế xin cho, từ đó giúp kinh tế tư nhân phát huy tối đa tiềm năng. Đặc biệt, cần chú trọng đến khung pháp lý và chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và loại hình kinh doanh mới, nhất là trong thời đại công nghệ số.
Theo TS. Phùng Đức Tùng, để thúc đẩy vai trò của các doanh nghiệp lớn thì cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, quản lý hiệu quả vai trò và ảnh hưởng của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Ông Tùng cũng cho rằng phải tạo động lực cho các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới, biến các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: QH
Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết trong thời kỳ công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, cần thay đổi cách thức phát triển kinh tế để thích ứng với tình hình mới. Cuộc cách mạng tinh giản tổ chức, bộ máy là một trong những động lực quan trọng cho quá trình này.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Đề án phát triển kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn lại lời Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng phát triển kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng. Kinh tế tư nhân sẽ là lực lượng tiên phong trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nước ta nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi kết luận tọa đàm. Ảnh: QH
Kết luận Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cảm ơn các ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết, thẳng thắn của các chuyên gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết Ủy ban sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để hoàn thiện hồ sơ Đề án theo hướng thể hiện đúng vị trí, vai trò, đóng góp của kinh tế tư nhân trong tổng thể nền kinh tế. Từ đó, tháo gỡ các điểm nghẽn, ban hành các chính sách phát triển kinh tế tư nhân trong sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng cần đẩy mạnh hỗ trợ thông tin và khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp, giúp họ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cung cấp hỗ trợ nguồn lực về công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) để thúc đẩy các hoạt động kinh tế có giá trị gia tăng cao, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp B2B đủ mạnh để là cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là phát triển các thị trường mới. Ngoài ra, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại đã ký kết, giảm sự phụ thuộc lớn vào một thị trường cố định. Việc mở rộng các thị trường xuất khẩu sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội phát triển bền vững hơn.