TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đề tài luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang bất hợp lý

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá đề tài luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang rất bất hợp lý.

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng thẳng thắn bày tỏ, chưa đánh giá về việc học hành và bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh Thích Chân Quang (Vương Tấn Việt) nhưng đề tài luận văn “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” là rất bất hợp lý.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng đề tài luận văn của ông Thích Chân Quang thiếu cơ sở lý thuyết và thực tiễn. Pháp luật quốc tế chỉ tập trung quy định về quyền con người, không trực tiếp quy định về nghĩa vụ con người.

"Thứ hai, phạm vi hạn chế của nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế. Trong pháp luật quốc tế, nghĩa vụ con người không được quy định rõ ràng, chi tiết. Các quy định của pháp luật quốc tế chỉ nhấn mạnh đến trách nhiệm của các quốc gia phải bảo đảm và bảo vệ quyền con người, hơn là quy định các nghĩa vụ cụ thể của cá nhân.

Thứ ba, khó khăn trong việc thu thập dữ liệu và nghiên cứu thực tiễn. 50% nội dung đề tài là không có dự liệu để thu thập, và tất nhiên là cũng không có thực tiễn để nghiên cứu.

Thứ tư, tính mới mẻ và đóng góp hạn chế. Một luận án tiến sĩ cần có tính mới mẻ và đóng góp thực tiễn hoặc lý thuyết quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu. Với đề tài này, tính mới mẻ và đóng góp sẽ bị hạn chế do thiếu các tiền lệ và nghiên cứu trước đó, cũng như phạm vi áp dụng thực tế của đề tài", TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.

Ông Thích Chân Quang. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Ông Thích Chân Quang. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

TOÀN CẢNH BẰNG TIẾN SĨ CỦA ÔNG THÍCH CHÂN QUANG

Làm rõ hơn quá trình đào tạo, chiều qua trường Đại học Luật Hà Nội thông tin chi tiết quá trình tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng tiến sĩ luật học cho ông Thích Chân Quang chỉ trong 2 năm. Trong đó trường khẳng định việc ông Thích Chân Quang tốt nghiệp sớm bậc tiến sĩ hoàn toàn đúng quy định và đảm bảo các điều kiện của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều không đồng thuận với cách lý giải của trường Đại học Luật Hà Nội. PGS Nguyễn Tiến Trung, giảng viên một trường đại học ở TP.HCM cho rằng việc một cử nhân hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức) học thẳng lên bậc tiến sĩ không nhiều, "có thể coi là hiếm". Bởi người học hệ vừa học vừa làm đa số đã lớn tuổi hoặc chỉ nhu cầu có bằng đại học để đáp ứng chuẩn yêu cầu nghề nghiệp, không theo hướng nghiên cứu học thuật.

Cũng theo PGS Nguyễn Tiến Trung, quy chế đào tạo chung của Bộ GD&ĐT nêu rõ, thời gian để hoàn thành bậc tiến sĩ tiêu chuẩn là 3 - 4 năm. Chỉ nghiên cứu sinh nào đặc biệt xuất sắc, được hiệu trưởng trường đại học phê duyệt mới có thể rút ngắn thời gian hoàn thành xuống tối đa 36 tháng (3 năm). Trong khi đó, ông Thích Chân Quang lại chỉ cần 25 tháng (hơn 2 năm) để hoàn thành. Vị chuyên gia phân tích hai điểm bất thường trong trường hợp này.

Thứ nhất, thời gian đào tạo và bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang ngắn hơn rất nhiều so với quy định. Điều này cần xem xét lại quy chế của trường Đại học Luật Hà Nội trong đào tạo tiến sĩ và quy trình thẩm định kết quả học tập của nhà trường.

Thứ hai, thông thường, một cử nhân loại giỏi học thẳng lên tiến sĩ sẽ phải học bổ sung từ 4 - 8 môn (trung bình mỗi môn 2 - 3 tín chỉ). Các nghiên cứu sinh sẽ cần tới gần 1 năm để hoàn thành hết số tín chỉ bổ sung theo quy định.

Sau đó các nghiên cứu sinh sẽ tự làm việc, tự học tập, bổ sung đầy đủ các kiến thức ở bậc tiến sĩ, quãng thời gian này mất khoảng gần 2 năm. Như vậy, để hoàn thành các nội dung đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh cần tối thiểu 3 năm, tiếp đó mới bước vào giai đoạn nghiên cứu, thực hiện khảo sát, viết luận án.

"Tôi chưa từng gặp nghiên cứu sinh nào học thẳng từ cử nhân lên mà hoàn thành chương trình tiến sĩ trong 2 năm. Trừ trường hợp nhà trường dồn toàn lực cho nghiên cứu sinh, dạy ngày dạy đêm, thậm chí tổ chức dạy cả cuối tuần mới chạy đủ các nội dung kiến thức bổ sung. Người học cũng phải 'siêu nhân lắm' mới có thể tiếp thu và hoàn thành được chương trình với thời gian siêu ngắn", PGS Trung phân tích.

Để làm rõ hơn các vấn đề chuyên gia và dư luận nêu lên, chiều qua Bộ GD&ĐT gửi công văn yêu cầu trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo (gồm cả việc nộp hồ sơ phản biện, bảo vệ luận án...) và có minh chứng kèm theo liên quan vụ nghiên cứu sinh Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ chỉ trong 2 năm đang gây xôn xao dư luận.

Bộ yêu cầu Đại học Luật Hà Nội báo cáo về vụ việc trong ngày 26/6.

Chia sẻ về vấn đề dư luận hoài nghi, GS Nguyễn Minh Đoan - người được trường Đại học Luật Hà Nội giao nhiệm vụ hướng dẫn ông Thích Chân Quang lại cho rằng nghiên cứu của ông Thích Chân Quang là vấn đề lớn và đột phá.

"Tôi từng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh nhưng đây là trường hợp đặc biệt", vị này nói và chia sẻ rằng nghiên cứu sinh Thích Chân Quang thực hiện rất nhanh đề tài nghiên cứu. Ông Đoan đánh giá ông Thích Chân Quang là người có năng lực, đam mê nghiên cứu khoa học chứ không phải làm vì nghĩa vụ, làm cho có.

Trong khi đó, ông Tô Văn Hòa, Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định, ông Thích Chân Quang tốt nghiệp tiến sĩ theo đúng quy định của trường và Bộ GD&ĐT.

Về việc ông Thích Chân Quang nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ sớm, ông Hòa nói có hai lý do. Thứ nhất, ông Thích Chân Quang học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ. Thứ hai, ông này làm xong sớm luận án và bảo vệ luận án tiến sĩ sớm.

Minh Khôi

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ts-nguyen-si-dung-de-tai-luan-an-tien-si-cua-ong-thich-chan-quang-bat-hop-ly-ar879483.html