TS. NSƯT Hải Phượng: Người trẻ không bao giờ quay lưng với văn hóa truyền thống

Âm nhạc truyền thống cũng như văn hóa truyền thống không bao giờ mất đi mà chỉ là chúng ta có biết cách để mà truyền tình yêu, truyền nhận thức về văn hóa dân tộc đến với người trẻ hay không mà thôi.

TS. NSƯT Hải Phượng

TS. NSƯT Hải Phượng

TS. NSƯT Hải Phượng - người nghệ sĩ tài năng mang tiếng đàn tranh của dân tộc tới hơn 20 quốc gia góp phần quảng bá văn hóa dân tộc cho bạn bè khắp năm châu. Phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển đã có cuộc trò chuyện với chị về vấn đề người trẻ với văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc.

PV: Chào NSƯT Hải Phượng, chị có thể chia sẻ về hành trình gần nửa thế kỷ gắn bó và mang tiếng đàn tranh ra thế giới của mình?

NSƯT Hải Phượng: Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, mẹ là nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hằng, giảng viên môn đàn tranh tại Nhạc viện TP HCM. Sau này tôi cũng học, tốt nghiệp và trở thành nhà giáo tại chính ngôi trường mẹ tôi công tác.

Có một vài cột mốc đáng nhớ mà từ những cột mốc đó đã góp phần tạo nên tôi của ngày hôm nay cũng như cho tôi cơ hội được mang tiếng đàn của mình đến nhiều người hơn.

Cột mốc đầu tiên là 1992, tôi đạt giải nhất của cuộc thi tài năng trẻ đàn tranh lần thứ nhất, tiếp theo là hai giải thưởng của Pháp. Sau khi đạt được giải thưởng các cuộc thi tôi có cơ hội cộng tác với đoàn ca nghệ TP Hồ Chí Minh và cùng đoàn mang âm nhạc dân tộc đến với nhiều chương trình trong nước và ngoài nước trong những chuyến lưu diễn.

PV: Là một người có tâm huyết bảo tồn, phát triển âm nhạc dân tộc và luôn khát khao mang nhạc dân tộc đến với nhiều người. Đồng thời cũng là một giảng viên với nhiều năm giảng dạy tiếp xúc với thế hệ trẻ, chị đánh giá như thế nào về nhận thức và thái độ của người trẻ về Văn hóa truyền thống nói chung và nhạc cụ dân tộc nói riêng?

NSƯT Hải Phượng: Hiện nay tôi thấy âm nhạc truyền thống đang được các bạn trẻ tìm hiểu và mong muốn khám phá. Âm nhạc truyền thống cũng như văn hóa truyền thống không bao giờ mất đi mà chỉ là người lớn chúng ta có biết cách để mà truyền tình yêu, truyền nhận thức về văn hóa dân tộc đến với người trẻ hay không mà thôi. Vì vậy, nếu nói về nhận thức của các bạn trẻ bây giờ thì tôi thấy rằng nếu chúng ta có những chương trình đúng đắn, có cách giới thiệu văn hóa đến những bạn trẻ thì rõ ràng là những bạn trẻ không bao giờ quay lưng hết mà các bạn ấy có cách nhìn về văn hóa của những người trẻ.

Ví dụ, trong âm nhạc trẻ bây giờ chúng ta thấy các bạn trẻ có xu hướng sẽ tìm cách khám phá, tìm cách đưa những giá trị âm nhạc dân tộc vào trong những tác phẩm của mình. Trong cả các sáng tác, các bài nhạc trẻ, trong phim, trong ảnh trong bài nghiên cứu của các bạn ấy.

Đối với tôi, những người trẻ không bao giờ quay lưng với âm nhạc dân tộc, không bao giờ quay lưng với những giá trị văn hóa mà chính là những người lớn đã có cách nào để cho các bạn ấy tiếp cận nhiều hơn, nhanh hơn, dài hơn và đến gần hơn với văn hóa dân tộc.

PV: NSƯT sinh ra và lớn lên trong gia đình 3 thế hệ một lòng mong muốn được nuôi dưỡng và phát triển nhạc cụ dân tộc Việt Nam qua tiếng đàn tranh nên tình yêu với nhạc cụ dân tộc của chị được vun đắp từ bé. Vậy với những người không sinh ra trong nhà “nòi” thì theo chị làm thế nào để đưa nhạc cụ dân tộc đến với họ?

NSƯT Hải Phượng: May mắn tôi sinh ra trong gia đình nhà nòi có truyền thống dân tộc. Đối với các bạn sinh ra trong gia đình không có truyền thống về nhạc cụ dân tộc mà các bạn ấy yêu mến bộ môn này thì một câu hỏi đặt ra là các thầy cô, tổ chức giáo dục các ban ngành đoàn thể.. đã làm những gì? Đã có những chương trình như thế nào để khơi gợi để làm cho các bạn ấy biết hiểu biết về văn hóa dân tộc. Bởi vì phải hiểu biết mới thương được nên phải làm cách nào để các bạn ấy hiểu biết.

Một trong những cách mà gieo vào cái sự hiểu biết đối với các bạn trẻ, thứ nhất là khôi phục các lời hát ru từ khi trẻ em còn nằm nôi.

Tiếp theo là lập lại các bài đồng giao và trong chương trình học phải có chương trình nói về văn hóa nói chung, nói về âm nhạc, mỹ thuật, những cái giá trị văn hóa dân tộc nói chung phải đưa được vào chương trình học.

Từ chương trình học để cho các bạn ấy biết, rồi từ đó khi các bạn lớn lên, các bạn có thể tự biết tự tìm hiểu và tự nghiên cứu về vấn đề này.

Những cái giá trị văn hóa dân tộc nói chung phải đưa được vào chương trình học...

Những cái giá trị văn hóa dân tộc nói chung phải đưa được vào chương trình học...

PV: Vai trò của người trẻ trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống nói chung, nhạc cụ dân tộc nói riêng đặc biệt trong thời đại công nghệ kỹ thuật phát triển như ngày nay?

NSƯT Hải Phượng: Hiện nay có nhiều cơ quan, ban, ngành, nghệ sĩ tổ chức chương trình đưa âm nhạc dân tộc vào trong học đường. Đó là chương trình rất là hay bởi vì dù sao đi nữa chúng ta đã bắt đầu gieo vào tâm hồn non nớt của các em những cái ý niệm về âm nhạc dân tộc, về các hình dáng cây đàn, về tiếng đàn. Để sau này có chữ là “vai trò” của người trẻ trong bảo tồn văn hóa xây dựng, văn hóa truyền thống nói chung thì trong chương trình học, phim ảnh của chúng ta, các đề tài lịch sử của chúng ta, các chương trình ca nhạc, các chương trình truyền của truyền thông đại chúng chúng ta cần lồng ghép văn hóa dân tộc vào đấy.

Chúng ta cần phải có những chương trình để làm cho văn hóa dân tộc trở nên quen thuộc hơn, gần gũi hơn với các em trước khi ta nói là người trẻ phải có trách nhiệm bảo vệ, người trẻ phải có vai trò trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa nói chung. Những chữ đó rất là lớn, nếu chúng ta những người thế hệ trước, những thầy cô giáo, những nghệ sĩ, những nhà làm văn hóa mà chúng ta không có cái chiến lược, chương trình để đưa văn hóa dân tộc đến với các em, thì chúng ta không thể đòi hỏi các em cần phải làm cái gì để mà có trách nhiệm, vai trò với văn hóa dân tộc được.

PV: Trân trọng cảm ơn TS. NSƯT Hải Phượng vì buổi trò chuyện thú vị này!

Lê Đình Trung

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tien-si-nghe-si-uu-tu-hai-phuong-nguoi-tre-khong-bao-gio-quay-lung-voi-van-hoa-truyen-thong-a26191.html