TS Phạm Tuấn Huy: Truyền lửa đam mê đến những người học Toán

Nhân dịp Viện Toán cao cấp phối hợp Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh tổ chức chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030, TS Phạm Tuấn Huy, giảng viên Đại học Stanford (Hoa Kỳ) có bài giảng về đại chúng 'Trật tự và hỗn loạn', giúp gần 100 học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh và nhiều nhà Toán học đến từ các trường đại học trong và ngoài nước tiếp cận những góc nhìn mới mẻ, khơi dậy niềm đam mê, đóng góp vào sự phát triển của Toán học trong tương lai.

TS Phạm Tuấn Huy giảng về đại chúng “Trật tự và hỗn loạn” trước nhiều nhà Toán học đến từ các trường đại học trong và ngoài nước cùng học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Ảnh: TRUNG HIẾU

TS Phạm Tuấn Huy giảng về đại chúng “Trật tự và hỗn loạn” trước nhiều nhà Toán học đến từ các trường đại học trong và ngoài nước cùng học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Ảnh: TRUNG HIẾU

TS Phạm Tuấn Huy là một trong những nhà Toán học triển vọng của Việt Nam, từng hai lần đoạt HCV Olympic Toán quốc tế vào năm 2013 và 2014; là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Toán học với nhiều công trình đột phá giải quyết hàng loạt giả thuyết lớn trong lý thuyết tổ hợp. Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với TS Phạm Tuấn Huy xung quanh những vấn đề mà ông chia sẻ lần này.

* Cơ duyên nào tiến sĩ về Phú Yên và có bài giảng đại chúng “Trật tự và hỗn loạn” thật ý nghĩa?

- Tôi về Việt Nam dự một số sự kiện trường hè và hội thảo ở nhiều địa phương khác nhau trong cả nước, trong đó có tham dự trường hè của Viện Toán cao cấp VIASM tại Phú Yên. Tại đây, tôi được GS Phan Thành Nam (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh), Đại học LMU Munich - Đức giới thiệu và tôi có bài giảng về đại chúng “Trật tự và hỗn loạn” trước nhiều nhà Toán học đến từ các trường đại học trong và ngoài nước cũng như học sinh học toán Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.

TS Phạm Tuấn Huy

TS Phạm Tuấn Huy

* Trong 90 phút trao đổi bài giảng, tiến sĩ chia sẻ những gì, góp phần vào sự phát triển của Toán học trong tương lai?

- Tôi chia sẻ những kiến thức phát triển mới, những nghiên cứu đầu ngành ở lĩnh vực tổ hợp hiện đại và những kết nối của nó với Tin học. Tôi đề cập tới một nguyên lý về một hệ rời rạc nhỏ có thể hỗn loạn, nhưng một hệ đủ lớn thì sẽ có những trật tự nhất định.

Việc đưa ra những đánh giá định lượng chính xác cho nguyên lý này là một câu hỏi quan trọng trong lý thuyết tổ hợp, dẫn tới nhiều ứng dụng đáng ngạc nhiên trong lý thuyết Xác suất, Tin học, Số học, Giải tích và nhiều lĩnh vực khác… Tôi hy vọng bài giảng sẽ tạo cơ hội cho các bạn trẻ và những người yêu Toán học được tiếp cận những góc nhìn mới mẻ, khơi dậy niềm đam mê, khát vọng đóng góp vào sự phát triển của Toán học trong tương lai.

* Qua bài giảng và cuộc nói chuyện, tiến sĩ cũng trả lời những câu hỏi của một số nhà Toán học đến từ các trường đại học trong và ngoài nước cũng như học sinh chuyên Toán, ông đánh giá thế nào về những câu hỏi này?

- Trong thời gian giảng bài có nhiều nội dung tôi chưa kịp nói, nhưng những câu hỏi của một số nhà Toán học và học sinh đặt ra đúng với trọng tâm của bài. Qua những câu hỏi đó, tôi có dịp chia sẻ thêm những nội dung quan trọng mà tôi muốn truyền đạt.

Tôi rất vui khi mọi người hứng thú theo dõi và tìm ra những điểm thú vị.

* Trong thời gian ở Việt Nam, tiến sĩ có những kỷ niệm nào?

- Thời gian về Việt Nam không nhiều nhưng tôi có 1 tuần ở trường hè Toán học tại Hà Nội để giới thiệu những kiến thức mới với các bạn sinh viên tại Hà Nội. Tôi thấy đây là khoảng thời gian rất ý nghĩa. Nếu có thêm thời gian, tôi sẽ mời nhiều chuyên gia đầu ngành khác từ các nước về để giới thiệu những phát triển mới nhất trong các lĩnh vực cho các bạn sinh viên.

Tham gia bài giảng về đại chúng “Trật tự và hỗn loạn” tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cũng là một trải nghiệm thú vị, và đây mới chỉ là sự giới thiệu nho nhỏ đến các em học sinh chuyên Toán ở Phú Yên. Về lâu dài, tôi sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với Viện Toán cao cấp ở Việt Nam để mang đến nhiều bài giảng hay ở những đợt nghiên cứu về Toán. Trong thời gian còn lại ở Việt Nam, tôi dành chút thời gian về với gia đình ở TP Hồ Chí Minh rồi quay lại Đại học Stanford công tác.

* Tiến sĩ có những công trình Toán học nào được cộng đồng Toán học quốc tế công nhận?

- Tôi có những công trình nghiên cứu Toán học như Tổ hợp toán rời rạc, Xác suất, Đại số, Giải tích... Những đóng góp của tôi được ghi nhận bởi cộng đồng Toán học quốc tế với nhiều giải thưởng như: Học bổng của Viện Toán Clay 2023, Giải thưởng Dénes Konig của Hội Toán học ứng dụng SIAM 2024, Giải thưởng Frontiers of Science Award in Mathematics tại Đại hội về khoa học cơ bản (ICBS) 2024…

* Sắp tới tiến sĩ có những dự định gì đóng góp cho Toán học Việt Nam và quốc tế?

- Hiện tại tôi mới bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình và tôi được hỗ trợ từ Quỹ Toán học Clay nên sắp tới tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm ra nhiều đột phá hơn nữa. Tôi sẽ cố gắng tìm ra những kiến thức mới, những công trình mới. Hy vọng qua nghiên cứu sẽ đóng góp chung vào sự phát triển khoa học.

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

TRUNG HIẾU (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/320440/ts-pham-tuan-huy--truyen-lua-dam-me-den-nhung-nguoi-hoc-toan.html