TS Trần Du Lịch: Kinh tế TP.HCM đã 'bắt đáy' và đang đi lên
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho biết, so với cách đây 3 tháng, tâm thế hiện nay đã khác khi kinh tế thành phố phục hồi và đã có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Chiều nay (29/6), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Các chuyên gia nhận định, dù kinh tế TP bắt đầu tăng trưởng mạnh nhưng khó đạt mục tiêu 7,5 - 8% trong cả năm.
"Nguy" nhiều hơn "cơ"
Theo UBND thành phố, 6 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) ước tính tăng 3,55% so với cùng kỳ năm ngoái (6 tháng năm 2022 tăng 2,08%). Trong đó, khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 4,96% so với cùng kỳ và đóng góp 89% vào tốc độ tăng GRDP; khu vực công nghiệp, xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, 6 tháng còn lại của năm 2023, thành phố đối đầu cả "nguy" lẫn "cơ", nhưng "nguy" nhiều hơn "cơ".
Cụ thể như xuất khẩu tiếp tục giảm, tác động thanh khoản kém, nhu cầu tín dụng giảm, bất động sản chưa phục hồi và giải ngân đầu tư công còn chậm. Tuy nhiên, thành phố vẫn có 2 cơ hội lớn là kinh tế quý II phục hồi, nhất là du lịch, đầu tư công khởi sắc, trở thành động lực tăng trưởng.
"Do "nguy" vẫn nhiều hơn "cơ" nên khả năng TP.HCM khó đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đặt ra là 7,5-8%, nếu không có sự phấn đấu đồng bộ rất lớn từ điều hành lẫn các chủ thể có liên quan", ông Phạm Bình An cho biết.
Ông Phạm Bình An cũng đưa ra 8 nhóm giải pháp trong thời gian tới. Tuy việc này chỉ có tác động trung và dài hạn nhưng thành phố làm ngay các việc trước mắt sẽ tạo nên cú hích tinh thần. Đó là tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các quy hoạch TP, quyết liệt giải ngân đầu tư công; phân cấp cho các quận, huyện để tháo gỡ vướng mắc; tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa; phục hồi xuất khẩu từng ngành hàng, từng thị trường; cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính…
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, hiện nay doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, lãi vay. Các doanh nghiệp kiến nghị gói hỗ trợ dễ tiếp cận; hỗ trợ xúc tiến, tìm kiếm thêm thị trường mới, thị trường ngách; đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng; giữ mức thuế VAT 8% đến hết năm 2024; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho; đặc biệt là giảm lãi suất vay ở mức dưới 8%...
Kinh tế thành phố đã "bắt đáy" và đang đi lên
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sỹ Trần Du Lịch cho biết, so với cách đây 3 tháng, tâm thế hiện nay đã khác khi kinh tế thành phố phục hồi và đã có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 98).
Theo ông Trần Du Lịch, tất cả những gì đang diễn ra cho thấy, kinh tế TP.HCM đã "bắt đáy" và đang đi lên. Ông đánh giá con số GRDP tăng 5,87% trong quý II là “ngoạn mục”, trong đó một số ngành tăng trưởng mạnh, như công nghiệp (không tính xây dựng), dịch vụ… Kết quả trên chính là nỗ lực "chòi đạp" đi lên của các doanh nghiệp, bởi các chính sách của chính quyền không mang lại hiệu quả tức thời mà là về lâu dài.
Hiện kinh tế thế giới vẫn khó lường, trong khi đó, dù nỗ lực của Chính phủ rất lớn nhưng doanh nghiệp vẫn đang đình đốn, đang bị "bào mòn" dần nguồn lực; thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi; tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế còn yếu. Trong bối cảnh đó, những nỗ lực của TP.HCM để tháo gỡ khó khăn tuy tích cực nhưng chưa có tác dụng ngay trong quý II mà kỳ vọng trong giai đoạn sau.
Ngoài ra, thành phố cũng đang tiếp tục đối diện với các khó khăn riêng như vẫn còn tâm lý "sợ sai" của một bộ phận cán bộ. Thành phố lại đối diện với các khó khăn “3 trong 1” khi phải vừa xử lý các công việc hiện tại, tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng "trùng trùng điệp điệp" và các vấn đề mới.
Trong 6 tháng cuối năm, ông Trần Du Lịch nhận định TP.HCM khó đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5 – 8%. Do đó, những giải pháp thành phố tập trung trong thời gian còn lại của năm nên hướng tới mục tiêu năm sau. Trong giai đoạn còn lại của năm, TP.HCM có thể tăng trưởng khoảng 8%, chưa đủ sức kéo cả năm lên.
"Trong chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, TP.HCM đặt mục tiêu 2022 là phục hồi, năm 2023 là tăng tốc. Nhưng có lẽ chúng ta lỡ hẹn mục tiêu một năm, cho nên đặt mục tiêu lớn nhất là năm 2024 phải tăng tốc, bù cho năm 2023. Đây là quan điểm về giải pháp, lỡ hẹn một năm thôi, đừng lỡ hẹn thêm vài năm nữa", TS Trần Du Lịch nói.
TS Trần Du Lịch cũng đề xuất TP.HCM nên lựa chọn các giải pháp về kinh tế, hỗ trợ hệ sinh thái để doanh nghiệp phát triển. Về thể chế, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng chính là triển khai Nghị quyết 98. Quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực bộ máy hành chính ngang tầm để thực hiện Nghị quyết. Thành phố cần tiếp tục tập trung tháo gỡ dự án công và tư bị ngưng trệ, tạo sức bật trong cuối năm./.