TTHC phòng cháy nhanh như chữa cháy
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nổi bật trong số đó là sáng kiến 'Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ', sáng kiến do Trung tá Nguyễn Thành Đạt, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh Lạng Sơn đề xuất.

Trung tá Nguyễn Thành Đạt giải quyết hồ sơ TTHC trên Cổng dịch vụ công theo thẩm quyền
Trung tá Nguyễn Thành Đạt, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trung bình mỗi năm có khoảng 2.400 hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến công tác PCCC của người người dân và doanh nghiệp yêu cầu được giải quyết. Trong khi cán bộ xử lý chủ yếu là kiêm nhiệm, việc bố trí nhân lực tiếp nhận hồ sơ trực tiếp gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, trình độ dân trí không đồng đều khiến nhiều người chưa nắm rõ quy định pháp luật, dẫn đến sai sót khi làm hồ sơ, kéo dài thời gian xử lý và gây hiểu nhầm về thái độ phục vụ của cán bộ. Chính vì vậy, tôi đã nghiên cứu và biên soạn “Sổ tay hướng dẫn thực hiện TTHC trên môi trường điện tử trong lĩnh vực PCCC và CNCH”, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng sử dụng dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi.
“Sổ tay hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính về PCCC và CNCH trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an” được thiết kế với nội dung dễ hiểu, trực quan, cụ thể, phù hợp với mọi đối tượng sử dụng. Sổ tay bao gồm 8 phần: giới thiệu dịch vụ công Bộ Công an; dịch vụ công trực tuyến; danh mục TTHC trong lĩnh vực PCCC; cách nộp hồ sơ; thanh toán; tra cứu; đánh giá chất lượng giải quyết TTHC; địa chỉ phản ánh, hỗ trợ. Theo đó, những TTHC được thực hiện trên cổng Bộ Công an như: cấp mới, cấp đổi, cấp lại xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC; phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở; nghiệm thu về PCCC; chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ; giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ… đều có thể yêu cầu giải quyết trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an thay vì trực tiếp như trước đây. Thao tác đơn giản, chỉ cần thiết bị có kết nối Internet như điện thoại thông minh hoặc máy tính là người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện được. Quy trình thanh toán lệ phí cũng được tích hợp sẵn, cho phép người dân thanh toán bằng mã QR code hoặc giao dịch ngân hàng trực tuyến. Để cuốn sổ tay đến được với người dân và doanh nghiệp, tác giả đã tiến hành in ấn, cấp phát cho công an các huyện và đưa đến những tập thể, cá nhân liên quan, đồng thời, xây dựng clip, tiến hành đăng tải nội dung lên các trang thông tin của Công an cấp tỉnh, cấp huyện… để người dân dễ dàng tiếp cận và triển khai.
Khi đề xuất, sáng kiến được triển khai thí điểm tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, sau đó thực hiện tại công an trên địa bàn toàn tỉnh. Các đơn vị triển khai đã tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp và kiêm nhiệm công tác tiếp dân, hướng dẫn sử dụng hệ thống dịch vụ công hiệu quả, nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, tại bộ phận “một cửa” của các đơn vị đã bố trí máy tính để người dân trực tiếp trải nghiệm, thao tác với các dịch vụ công. Chỉ tính trong 2 tháng đầu tiên áp dụng (từ tháng 5 đến tháng 7/2024) đã cho thấy hiệu quả rõ nét: 693 lượt TTHC trong lĩnh vực PCCC và CNCH đã được giải quyết tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh. Trong đó, có 210 hồ sơ thẩm duyệt thiết kế, 400 hồ sơ cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ, 50 hồ sơ nghiệm thu, 3 hồ sơ cấp giấy xác nhận điều kiện kinh doanh và 30 hồ sơ phê duyệt phương án chữa cháy. Đến nay, sáng kiến tiếp tục được áp dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC về lĩnh vực PCCC và CNCH. Việc triển khai sáng kiến giúp giảm trung bình 1 ngày làm việc trên mỗi hồ sơ đầy đủ thành phần. Theo tính toán, với khoảng 2.400 hồ sơ TTHC mỗi năm, sáng kiến này giúp tiết kiệm đến 19.200 giờ lao động, tương đương khoảng 357 triệu đồng/năm, chưa kể các khoản chi phí khác như đi lại, in ấn hồ sơ…
Bà Hoàng Kim Tuyến, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: gia đình tôi kinh doanh nhà nghỉ, do đó cần phải có Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC. Trước đây, hằng năm, tôi phải chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm: đơn xin huấn luyện nghiệp vụ PCCC, danh sách người cần được huấn luyện, bản sao giấy đăng ký kinh doanh… sau đó nộp lên Công an cấp huyện. Vừa qua, chúng tôi đã được chia sẻ cách sử dụng Sổ tay hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính về PCCC và CNCH trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Vì vậy, tới này khi cần thực hiện thủ tục này tôi chỉ cần đăng ký trực tuyến trên cổng Dịch vụ công.
Sáng kiến hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong lĩnh vực PCCC và CNCH với sổ tay hướng dẫn đã mang lại hiệu quả trong việc tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC; nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của lực lượng công an trong giải quyết TTHC. Đầu năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh đã xác nhận về hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến. Thời gian tới, Công an các cấp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu Sổ tay hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính về PCCC và CNCH trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.