Từ 1/1/2025, được dùng GPLX hạng nào để điều khiển ô tô điện?
Từ ngày 1/1/2025, hệ thống giấy phép lái xe (GPLX) của Việt Nam sẽ có sự phân biệt giữa xe ô tô điện với xe ô tô số sàn.
Tại Thông tư số 35/2024 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; cấp, sử dụng GPLX xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ vừa được Bộ GTVT ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2025), Bộ GTVT đã bổ sung GPLX cho xe sử dụng động cơ điện.
Theo đó, đối với đào tạo lái xe các hạng B, C1, khối lượng chương trình và phân bổ thời gian đào tạo tối thiểu của xe ô tô điện có chung chương trình đào tạo với GPLX hạng B xe ô tô số tự động.
Theo đó, về đào tạo lý thuyết, người học GPLX ô tô điện sẽ phải học các nội dung như: Pháp luật về giao thông đường bộ; cấu tạo và sửa chữa thông thường; đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kỹ thuật lái xe; học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.
Đối với thực hành, người học GPLX ô tô điện sẽ có thời gian học thực hành lái xe trên sân tập lái của 1 học viên bằng với thời gian của xe ô tô số sàn là 41 giờ. Thời gian thực hành lái xe trên đường giao thông của 1 học viên là 24 giờ, trong khi đó xe số sàn là 40 giờ. Số giờ thực hành trên ca bin học lái xe ô tô/1 học viên của xe ô tô điện và xe số sàn cùng 2 giờ. Tổng quãng đường đào tạo thực hành của 1 học viên xe ô tô điện là 1.000 km, xe số sàn là 1.100 km.
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, cách thức vận hành, sử dụng xe ô tô điện không khác so với xe ô tô số tự động, vấn đề chỉ khác nhau tên gọi. Vì vậy, Thông tư bổ sung quy định xe điện số tự động.
Theo quy định tại Thông tư 35, người có GPLX chỉ được lái loại xe ghi trong giấy GPLX. Như vậy, nếu người có GPLX hạng B số tự động sẽ không được điều khiển xe số sàn.