Từ bi và trí tuệ

Shravasti Dhammika đã viết hơn 25 cuốn sách và nhiều bài báo về Phật giáo và các chủ đề liên quan. Sư cũng nổi tiếng với những buổi nói chuyện trước công chúng và đại diện cho Phật giáo Theravada tại Hội nghị Thiên niên kỷ Phật giáo châu Âu ở Berlin năm 2000.

Nội dung bài này được thể hiện ở dạng vấn đáp, người giải đáp là Thầy S. Dhammika, một vị Tỳ-kheo người Úc.

Shravasti Dhammika sinh ở Úc năm 1951 trong một gia đình theo đạo Cơ đốc và chuyển sang Phật giáo ở tuổi 18. Năm 1973, ông đến Thái Lan với ý định trở thành một nhà sư và sau đó đến Lào, Miến Điện, cuối cùng là Ấn Độ. Trong ba năm tiếp theo, ông du hành khắp Ấn Độ để học yoga và thiền định, cuối cùng xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thầy Matiwella Sangharatna, đệ tử cuối cùng của ngài Anagarika Dharmapala (nhà sư Sri Lanka, nhà văn, người chấn hưng Phật giáo nổi tiếng trên thế giới).

Shravasti Dhammika đã viết hơn 25 cuốn sách và nhiều bài báo về Phật giáo và các chủ đề liên quan. Sư cũng nổi tiếng với những buổi nói chuyện trước công chúng và đại diện cho Phật giáo Theravada tại Hội nghị Thiên niên kỷ Phật giáo châu Âu ở Berlin năm 2000.

***

Tôi thường nghe Phật tử nói về trí tuệ và từ bi. Hai thuật ngữ này có nghĩa là gì?

- Một số tôn giáo tin rằng từ bi hoặc tình thương (cả hai đều rất giống nhau) là phẩm chất tinh thần quan trọng nhất, nhưng các tôn giáo đó không thể phát triển trí tuệ. Kết quả là cuối cùng bạn trở thành một người từ tâm khờ khạo, một người rất tốt nhưng ít hiểu biết. Các hệ thống tư tưởng khác, như khoa học, tin rằng trí tuệ có thể phát triển tốt nhất khi mọi cảm xúc, bao gồm cả từ bi, được tránh xa. Hệ quả của việc này là khoa học có xu hướng chỉ quan tâm đến kết quả mà quên rằng khoa học là để phục vụ con người chứ không phải để kiểm soát và thống trị con người. Mặt khác, làm thế nào mà các nhà khoa học có thể cho mượn trí thông minh của họ để phát triển bom hạt nhân, chiến tranh vi trùng và những thứ tương tự.

Có tôn giáo luôn luôn coi lý trí và trí tuệ như là kẻ thù của những tình cảm như tình yêu và niềm tin, trong khi khoa học luôn luôn coi những cảm xúc như tình yêu và niềm tin là kẻ thù của lý trí và tính khách quan. Và tất nhiên, khoa học càng phát triển thì tôn giáo càng suy tàn. Mặt khác, Phật giáo dạy rằng để trở thành một cá nhân thực sự quân bình và hoàn hảo, bạn phải phát triển cả trí tuệ và từ bi. Và vì không giáo điều mà dựa trên kinh nghiệm, Phật giáo không có gì phải ngại khoa học.

Vậy theo Phật giáo, trí tuệ là gì?

- Trí tuệ cao nhất là thấy rằng trong thực tế, mọi hiện tượng đều BẤT TOÀN, VÔ THƯỜNG và VÔ NGÃ. Nhận thức này hoàn toàn giải thoát con người và dẫn đến bình an và hạnh phúc lớn lao được gọi là Niết-bàn.

Tuy nhiên, Đức Phật không nói quá nhiều về mức độ trí tuệ này. Sẽ không khôn ngoan nếu chúng ta chỉ đơn giản tin vào những gì chúng ta được bảo. Trí tuệ đích thực là tự mình trực tiếp thấy và hiểu. Ở cấp độ này, trí tuệ là giữ một tâm rộng mở thay vì khép kín, lắng nghe quan điểm của người khác hơn là cố chấp; xem xét cẩn thận những sự kiện mâu thuẫn với niềm tin của chúng ta hơn là vùi đầu vào cát; có thái độ khách quan hơn là thành kiến và đảng phái; dành thời gian hình thành quan điểm và niềm tin của mình thay vì chỉ chấp nhận điều đầu tiên hoặc xúc động nhất được trao cho chúng ta; và luôn sẵn sàng thay đổi niềm tin của chúng ta khi những sự thật trái ngược với niềm tin được phơi bày.

Một người làm được điều này chắc chắn là người khôn và cuối cùng sẽ đạt được sự hiểu biết chân chính. Con đường để chỉ tin những gì bạn được nghe nói là dễ dàng. Còn con đường Phật đạo đòi hỏi dũng cảm, kiên nhẫn, linh hoạt và thông minh.

Sẽ không khôn ngoan nếu chúng ta chỉ đơn giản tin vào những gì chúng ta được bảo. Trí tuệ đích thực là tự mình trực tiếp thấy và hiểu. Ở cấp độ này, trí tuệ là giữ một tâm rộng mở thay vì khép kín, lắng nghe quan điểm của người khác hơn là cố chấp; xem xét cẩn thận những sự kiện mâu thuẫn với niềm tin của chúng ta hơn là vùi đầu vào cát; có thái độ khách quan hơn là thành kiến và đảng phái; dành thời gian hình thành quan điểm và niềm tin của mình thay vì chỉ chấp nhận điều đầu tiên hoặc xúc động nhất được trao cho chúng ta; và luôn sẵn sàng thay đổi niềm tin của chúng ta khi những sự thật trái ngược với niềm tin được phơi bày.

Tôi nghĩ rằng ít người có thể làm được như vậy. Vậy đạo Phật có vị trí đặc biệt gì nếu chỉ một số ít người có thể thực hành?

- Đúng là không phải ai cũng sẵn sàng tiếp nhận đạo Phật. Nhưng thật là buồn cười khi nói rằng chúng ta nên dạy một tôn giáo sai lầm nhưng dễ hiểu, cốt chỉ để mọi người có thể thực hành. Đạo Phật hướng đến chân lý và nếu ai chưa đủ khả năng hiểu biết thì có lẽ kiếp sau họ cũng sẽ sẵn sàng cho điều đó. Tuy nhiên, có nhiều người chỉ cần những lời nói hay sự khích lệ đúng đắn là có thể nâng cao hiểu biết của họ. Và chính vì lý do này, người Phật tử nên cố gắng nhẹ nhàng và lặng lẽ chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về đạo Phật với người khác. Đức Phật dạy chúng ta tâm từ bi và chúng ta giúp người khác từ tâm từ bi.

Như thế, chúng ta đi đến từ bi. Theo Phật giáo, từ bi là gì?

- Giống như trí tuệ bao trùm mặt trí óc hoặc nhận thức thấu đáo của bản chất trong chúng ta, lòng từ bi bao trùm mặt tình cảm hoặc cảm giác của bản chất trong chúng ta. Giống như trí tuệ, từ bi là phẩm chất độc đáo của con người.

Trong tiếng Anh, Compassion (Từ bi) được tạo thành từ hai từ, ‘co’ có nghĩa là cùng nhau và ‘passion’ có nghĩa là một cảm giác mạnh mẽ. Từ bi là như thế. Khi chúng ta nhìn thấy ai đó đang đau khổ và chúng ta cảm nhận nỗi đau của họ như thể đó là nỗi đau của chính chúng ta, và cố gắng loại bỏ hoặc giảm bớt nỗi đau của họ, thì đây là từ bi. Vì vậy, tất cả những gì tốt nhất trong con người, tất cả những phẩm chất giống như Đức Phật, như chia sẻ, sẵn sàng an ủi, cảm thông, quan tâm và chăm sóc - tất cả đều là biểu hiện của từ bi.

Bạn cũng sẽ nhận thấy rằng ở người có lòng từ bi, sự quan tâm và yêu thương đối với người khác bắt nguồn từ sự quan tâm và tình yêu dành cho chính mình. Chúng ta thực sự có thể hiểu người khác khi chúng ta thực sự hiểu chính mình. Chúng ta sẽ biết điều gì là tốt nhất cho người khác khi chúng ta biết điều gì là tốt nhất cho chính mình. Chúng ta có thể cảm nhận cho người khác khi chúng ta cảm nhận cho chính mình. Vì vậy, trong Phật giáo, sự phát triển tâm linh của chính mình nở hoa một cách khá tự nhiên khi quan tâm đến lợi ích của người khác. Cuộc đời của Đức Phật minh họa rất rõ điều này. Ngài đã dành sáu năm đấu tranh cho lợi lạc của bản thân, sau đó, Ngài đã có thể mang lại lợi lạc cho toàn nhân loại.

Vì vậy, sư bảo rằng chúng ta có thể giúp đỡ người khác tốt nhất sau khi chúng ta đã giúp chính mình. Đó phải chăng là một chút ích kỷ?

- Chúng ta thường xem lòng vị tha, quan tâm đến người khác trước bản thân mình, là đối nghịch với tính ích kỷ, tức là quan tâm đến mình trước người khác. Phật giáo không xem nó là cái này hay cái kia mà là sự pha lẫn của cả hai. Sự quan tâm thực sự đến bản thân sẽ dần dần chín chắn để thành sự quan tâm đến người khác khi người ta thấy rằng những người khác thực sự giống như mình. Đây là lòng từ bi đích thực và nó là viên ngọc đẹp nhất trên vương miện giáo lý của Đức Phật.

Cao Huy Hóa dịch/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tu-bi-va-tri-tue-post72587.html