Từ ca bệnh nhi thủng dạ dày được cứu sống, làm gì để phòng ngừa cho trẻ?

Một bé trai 35 tuần tuổi bị thủng dạ dày vừa được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu sống kỳ diệu. Từ ca bệnh này, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần nhận biết sớm dấu hiệu và chăm sóc đúng cách để phòng ngừa cho trẻ.

Báo động đỏ, cứu sống bệnh nhi

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, ê-kíp các bác sĩ liên khoa vừa phẫu thuật, cứu sống bé trai 35 tuần tuổi, nặng 2kg bị thủng dạ dày - tình trạng có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt trẻ sinh non.

Theo bác sĩ, cháu bé là con của chị Hồ Thị Xanh, trú tại xã Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị dị tật ống tiêu hóa bẩm sinh. Ngày 5/6, bé nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng. Các bác sĩ ghi nhận dịch dạ dày có màu xanh bẩn, chỉ định chụp X-quang khẩn cấp.

Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật.

Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật.

Hình ảnh X-quang cho thấy dấu hiệu đặc trưng của thủng tạng rỗng với hơi tự do trong ổ bụng. Đây là tình trạng nguy kịch, đòi hỏi phải can thiệp ngoại khoa ngay nếu không sẽ đe dọa tính mạng chỉ trong vài giờ.

Bệnh viện lập tức kích hoạt báo động đỏ nội viện. Ê-kíp Nhi sơ sinh và Ngoại tổng hợp tiến hành hồi sức tích cực, thiết lập đường truyền, hỗ trợ thở máy, truyền dịch, kháng sinh phổ rộng, điều chỉnh rối loạn toan kiềm. Ca mổ được thực hiện ngay trong "thời gian vàng".

"Dù bé sinh non, thể trạng rất yếu, ca mổ gặp nhiều rủi ro, nhưng sau hơn 90 phút, lỗ thủng được phát hiện tại đáy vị dạ dày, ê-kíp khâu kín, làm sạch ổ bụng và dẫn lưu thành công", đại diện ê-kíp phẫu thuật cho biết.

Sau mổ, bệnh nhi được theo dõi sát sao tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, tiếp tục thở máy, nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn, kiểm soát nhiễm trùng và tăng cường dinh dưỡng. Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhi hồi phục tốt và được xuất viện.

"Ca bệnh này là minh chứng cho năng lực chuyên môn, phản ứng cấp cứu nhanh và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa tại bệnh viện. Với đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên sâu, Khoa Nhi đã xử lý, điều trị thành công nhiều trường hợp phức tạp, hiểm nghèo", BS.CKII Phan Xuân Nam, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết.

Khuyến cáo quan trọng

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, BS.CKI Trần Văn Nam, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị) cho biết, thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa cực kỳ nguy kịch, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 30 - 60% nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

"Trẻ có thể xuất hiện chướng bụng đột ngột, tím tái, suy hô hấp, bụng phình to, phản ứng viêm phúc mạc và sốc nhiễm trùng chỉ trong vòng vài giờ. Việc chẩn đoán và xử trí muộn gần như đồng nghĩa với thất bại trong cứu chữa", BS.CKI Trần Văn Nam nói.

Sau thời gian điều trị, cháu bé được xuất viện.

Sau thời gian điều trị, cháu bé được xuất viện.

Theo bác sĩ, nguyên nhân của tình trạng có thể chia thành 3 nhóm chính, trong đó:

Thủng tự phát: Thường không có nguyên nhân rõ ràng, thường gặp ở trẻ sinh non, nhẹ cân, có thể liên quan đến thiếu oxy, giảm tưới máu, bất thường thành dạ dày.

Do chấn thương: Đặt ống thông dạ dày quá sâu, thông hút không đúng cách, thở áp lực dương (CPAP, máy thở).

Do bệnh lý nền: Viêm dạ dày, hoại tử ruột, dị tật tiêu hóa, nhiễm trùng huyết, sốc; suy hô hấp nặng, thiếu oxy.

BS.CKI Trần Văn Nam khuyến cáo, nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu sau đây cần đưa tới cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời. Cụ thể, bụng trẻ chướng to, căng cứng bất thường. Trẻ bỏ bú hoặc bú kém, nôn nhiều, khó thở, tím tái, thở nhanh bất thường. Ngoài ra, trẻ bị lừ đừ, mệt mỏi, phản xạ yếu, sốt hoặc hạ thân nhiệt.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh, cần cho trẻ bú đúng cách, từng cữ nhỏ, tránh cho bú quá nhiều. Vỗ ợ hơi sau bú để tránh đầy hơi, trào ngược. Không tự ý cho trẻ uống thuốc không rõ nguồn gốc. Theo dõi kỹ bụng của trẻ sau bú.

Nếu phụ nữ có thai nguy cơ cao (đa thai, sinh non, nhẹ cân) nên sinh tại cơ sở y tế có khoa Sơ sinh – Hồi sức tốt. Sau sinh, nếu trẻ phải thở máy, nằm lồng ấp hoặc nuôi ăn qua sonde dạ dày cần theo dõi sát biến chứng bụng.

BS.CKI Trần Văn Nam lưu ý, ngay khi thấy trẻ có bụng chướng, bỏ bú, nôn ói, khó thở thì không chần chừ mà phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Đặc biệt, không tự điều trị ở nhà hay chờ đợi lâu vì tính mạng trẻ có thể bị đe dọa chỉ trong vài giờ.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-ca-benh-nhi-thung-da-day-duoc-cuu-song-lam-gi-de-phong-ngua-cho-tre-169250703213108444.htm