Từ các con số vĩ mô tháng 5, các nhà đầu tư có thể dự liệu gì

'Tự lực cánh sinh' là điều mà nền kinh tế Việt Nam cần phải hướng tới trong nửa cuối năm 2023 với động lực chính cho tăng trưởng vẫn là đầu tư công và tiêu dùng.

Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu kinh tế - xã hội tháng 5/2023. Các chỉ số vĩ mô cơ bản như IIP (Chỉ số sản xuất công nghiệp), doanh số bán lẻ, xuất khẩu 5 tháng đầu năm đều cho những tín hiệu tích cực, nhưng khó khăn vẫn chưa dứt.

Sức cầu đang có dấu hiệu chững lại

Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong số doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.

Đặc biệt, niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh hiện tại là khá tiêu cực. Có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.

Nguồn: Wichart

Nguồn: Wichart

Trong 5 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chỉ nhìn con số tăng trưởng này, rõ ràng, là tín hiệu tích cực cho thấy sức cầu trong nước vẫn đang là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ của từng tháng, có thể thấy tháng 5/2023 đã có sự chững lại, khi tốc độ tăng trưởng chỉ là 1,47%, thấp hơn nhiều so với mức 3,84% của tháng 4/2023.

Cần lưu ý rằng, tháng 5/2023 là tháng có kỳ nghỉ lễ dài, doanh thu từ du lịch tăng 8,2%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 2,7% nhưng tổng mức tăng trưởng của bán lẻ cũng sụt giảm so với tháng trước. Điều này cho thấy sức cầu của thị trường trong nước đã có dấu hiệu chững lại.

Chính vì vậy, việc Quốc hội thảo luận và thông qua những chính sách giảm thuế là điều hết sức cần thiết để kích thích tổng cầu nội địa làm động lực tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm.

IIP tăng nhưng ngành chế biến, chế tạo vẫn chưa khởi sắc

Nguồn: Wichart

Nguồn: Wichart

Việc IIP liên tục tăng tính từ đầu năm 2023 phát đi một tín hiệu lạc quan về nền kinh tế, nhưng khi phân tách các yếu tố cấu phần của IIP lại cho thấy một bức tranh với hai gam màu sáng tối khác nhau.

Ở gam màu sáng, có thể thấy động lực tăng trưởng chính của IIP trong nhiều tháng qua đến từ sản xuất và phân phối điện và ngành cung cấp xử lý nước. Nguyên nhân chính đến từ việc khí hậu nắng nóng đột ngột, nhu cầu tiêu thụ điện, nước của người dân tăng mạnh.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) - Nguồn: GSO

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) - Nguồn: GSO

Ở chiều ngược lại, chủ lực của công nghiệp Việt Nam là ngành chế biến, chế tạo lại cho thấy một bức tranh ảm đạm. Mặc dù trong nhiều tháng qua, ngành chế biến, chế tạo đã có sự phục hồi đáng kể so với tháng trước. Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái, ngành chế biến, chế tạo vẫn đang ngập chìm trong sự sụt giảm.

Trong đó, các ngành chủ lực là dệt, da, may mặc, các sản phẩm từ gỗ và thiết bị điện tử đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu đơn hàng, xuất khẩu giảm.

Xuất khẩu chính vẫn đến từ khu vực FDI

Theo dữ liệu sơ bộ về giá trị xuất khẩu theo khu vực của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5, có thể thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, Hàn Quốc, ASEAN và EU đều sụt giảm mạnh khi so sánh với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhu cầu từ thị trường Mỹ, Hàn Quốc và EU là lực cản chính.

Thị trường xuất - nhập khẩu hàng hóa chủ yếu của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 - Nguồn: GSO

Thị trường xuất - nhập khẩu hàng hóa chủ yếu của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 - Nguồn: GSO

Sau đại dịch Covid-19, những quốc gia, khu vực nhiều năm qua là “bạn hàng” lớn nhất của Việt Nam đã thi hành chính sách tiền tệ thắt chặt. Điều đó khiến cho sức cầu của những quốc gia kể trên lập tức sụt giảm do hầu hết người dân phải thắt chặt chi tiêu.

Tính đến nay, sau 1 năm tiến hành chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát của EU, Mỹ đã qua đỉnh và dần sụt giảm, nhưng vẫn còn cách lạm phát mục tiêu rất xa. Cho nên trong ngắn hạn không có kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ quay đầu tăng trở lại.

Lạm phát EU và Mỹ - Nguồn: TradingEconomics

Lạm phát EU và Mỹ - Nguồn: TradingEconomics

Khi nhìn dưới góc độ giá trị thì sau 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tăng dần qua từng tháng, nhưng tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm khoảng 30% giá trị, phần còn lại đến từ khu vực FDI.

Đây cũng là thực trạng diễn ra trong nhiều năm qua trong cán cân thương mại của Việt Nam, khi các doanh nghiệp chủ lực hầu hết đến từ khu vực FDI.

Nguồn: Wichart

Nguồn: Wichart

Xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp FDI cho thấy một thực trạng các doanh nghiệp Việt Nam còn khá yếu trong việc kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp chỉ dừng ở mức gia công, lắp ráp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước rất dễ bị tổn thương bởi những cú sốc bên ngoài. Cuộc khủng hoảng kinh tế hậu Covid-19 đã và đang diễn ra là bài học cụ thể nhất cho thực trạng đó.

Việt Nam vẫn rất cần nguồn vốn FDI

Mặc dù cơ cấu xuất khẩu bị phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà việc thu thu hút vốn FDI vẫn là chiến lược trọng tâm của Việt Nam trong nhiều năm tới. Trong đó, có những lý do chính yếu nhất là Việt Nam vẫn đang rất cần đón nhận khoa học - công nghệ, quy trình quản lý và nguồn vốn đầu tư cho xã hội từ những quốc gia phát triển.

Đóng góp quan trọng dễ thấy nhất của vốn FDI chính là nguồn vốn góp phần cho động lực tăng trưởng GDP. Tính lũy kế đến ngày cuối năm 2022, Việt Nam đã thu hút được hơn 36 nghìn dự án đang còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 438,7 tỷ USD. Khu vực FDI đóng góp vào GDP năm 2010 là 15,15% và năm 2015 là 18,07%, năm 2021 là 20,13%, năm 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỷ trọng đóng góp của vốn FDI giảm nhẹ còn 19,41%.

So với trung bình của thế giới, khu vực FDI đóng góp vào GDP của Việt Nam cao hơn 8,8 điểm phần trăm (20,13% so với 10,6%).

Bên cạnh nguồn vốn, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp FDI đã giúp cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam sang hướng hiện đại rất rõ rệt vì đem tới khoa học công nghệ, trình độ quản lý và tay nghề. Dễ thấy nhất trong đó là khu vực dịch vụ ngân hàng. Kể từ khi Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, KEB Hana Bank, Mizuho Bank trở thành cổ đông chiến lược của Vietinbank, BIDV, Vietcombank hay mới đây nhất là mối “lương duyên” của Sumitomo Mitsui Financial Group với VPBank, thì dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam đã chuyển dịch sang hướng hiện đại rất nhanh với nhiều dịch vụ đa dạng và tiện dụng.

Với khu vực sản xuất, các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, đã góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, khai thác dầu khí, điện tử, hóa chất, ô tô, xe máy, công nghệ thông tin, thép, xi măng, chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may…

Không những vậy, các doanh nghiệp FDI còn giúp các doanh nghiệp nội địa phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trở nên lớn mạnh.

Nhà cung cấp của các doanh nghiệp FDI qua các năm (tỷ lệ % với ít nhất một nhóm khách hàng) - Nguồn: Báo cáo PCI Việt Nam 2022

Nhà cung cấp của các doanh nghiệp FDI qua các năm (tỷ lệ % với ít nhất một nhóm khách hàng) - Nguồn: Báo cáo PCI Việt Nam 2022

Theo báo cáo PCI Việt Nam 2022, qua từng năm tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam là đối tác cung cấp chính cho các doanh nghiệp FDI đều có sự cải thiện. Đỉnh điểm là giai đoạn 2015 thì tỷ lệ cung ứng đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam cho khu vực FDI lên tới gần 69%. Điều này cho thấy ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đang hưởng lợi rất nhiều từ nguồn vốn FDI.

Những con số đẹp, nhưng chưa đẹp

Có thể thấy rằng, việc các chỉ tiêu kinh tế đã liên tục tăng trưởng tuy nhiên các cấu phần góp nên sự tăng trưởng đó có sự phân hóa rõ rệt. Với chỉ số IIP, ngành chế biến chế tạo vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt vì sức cầu yếu đi kể cả trong nước và thị trường xuất khẩu.

Doanh số bán lẻ đã có sự tăng trưởng đều và mạnh mẽ suốt 5 tháng đầu năm và là trụ cột tăng trưởng chính, tuy nhiên đã có dấu hiệu chững lại do sức cầu trong nước đã có dấu hiệu suy giảm giảm.

Với xuất khẩu, có sự phân hóa chính khi mà các doanh nghiệp FDI mới là khu vực hưởng lợi chính trong tổng giá trị xuất khẩu ròng của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm. Trong khi những doanh nghiệp nội địa vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, ngoài việc lãi vay cao, khó tiếp cận tín dụng thì doanh nghiệp Việt cũng gặp một khó khăn chung là sức cầu thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục. Khi mà hai “bạn hàng” lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và EU vẫn chưa có dấu hiệu thoát khỏi khủng hoảng trong ngắn ngạn.

Khi các yếu tố bên ngoài không thể thay đổi trong ngắn hạn thì việc “tự lực cánh sinh” là điều mà nền kinh tế Việt Nam cần phải hướng tới trong nửa cuối năm 2023. Với động lực chính cho tăng trưởng vẫn là đầu tư công và tiêu dùng.

Sau 5 tháng, mặc dù các bộ, ngành và địa phương cho thấy những nỗ lực rất lớn để đẩy mạnh đầu tư công, tuy nhiên so với mức kế hoạch thì vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 177 nghìn tỷ đồng, tuy đã tăng 18% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ đạt 25,5% kế hoạch năm. Với tốc độ triển khai như hiện tại, rất khó để đầu tư công cán đích bằng việc hoàn thành chỉ tiêu đặt ra đầu năm.

Tốc độ giải ngân đầu tư công theo bộ, ngành và địa phương - Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO)

Tốc độ giải ngân đầu tư công theo bộ, ngành và địa phương - Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO)

Như đã đề cập, sức cầu tiêu dùng trong nước đã có dấu hiệu chững lại vào tháng 5. Tuy nhiên, việc Quốc hội sắp xem xét thông qua việc giảm thuế VAT kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng tăng trở lại.

Ở kịch bản tích cực, khâu đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp phần nào được giải quyết khi tiêu dùng tăng nhờ việc giảm thuế VAT. Đầu tư công vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất. Khi đầu tư công được đẩy mạnh, kỳ vọng tiền từ chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được khơi thông ra thị trường, doanh nghiệp sẽ có dự án, bắt đầu tuyển dụng nhân công, người dân sẽ có thêm việc làm, có thêm thu nhập và quay trở lại chi tiêu, kéo theo chi tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ, nếu các động lực không được triển khai đúng kỳ vọng, hệ lụy sẽ rất khó lường với nền kinh tế. Dòng tiền tiếp tục bị kẹt lại ngân hàng, vốn không đến đúng nơi cần, doanh nghiệp tiếp tục co cụm cầm chừng, người dân thiếu việc làm, giảm thu nhập và hạn chế chi tiêu… Và rất khó để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% do Quốc hội đặt ra từ đầu năm.

Trương Thạch

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tu-cac-con-so-vi-mo-thang-5-cac-nha-dau-tu-co-the-du-lieu-gi-d191258.html