Từ con đường tơ lụa trên sông Hồng đến trục động lực kinh tế 'chung dòng sông cùng ý tưởng': Bài 1: 'Con đường tơ lụa' trên sông Hồng
Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, có nhiều 'con đường tơ lụa' được nhắc đến hiện nay, như tuyến đường thương mại Đông - Tây giữa Hy Lạp và Trung Quốc bắt đầu mở trong thế kỷ I và II TCN; hay 'con đường tơ lụa' chính đi từ thủ đô của Trung Quốc qua Trung Á đến châu Âu... Và có một 'con đường tơ lụa' nổi tiếng trên sông Hồng vẫn chảy suốt từ thời cổ đại đến hôm nay, đang trở thành 'con đường tơ lụa' trong thời đại mới.

Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch, thời cổ đại, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh tế giữa Lào Cai và Vân Nam qua lưu vực sông Hồng diễn ra khá mạnh mẽ. Do vậy, Lào Cai sớm là một trung tâm kinh tế, chính trị trọng yếu dọc sông Hồng. Thông qua những di tích, hiện vật văn hóa tìm được đã cho thấy Lào Cai có mối quan hệ giao lưu văn hóa, trao đổi kinh tế với Vân Nam (đặc biệt là văn hóa Điền) rất chặt chẽ. Thông qua vùng Vân Nam, Lào Cai đã tiếp cận với còn đường tơ lụa Trung - Ấn được mở ra dưới triều Hán Vũ Đế. Từ con đường tơ lụa này, các sản vật của vùng Ấn Độ, Trung Á, vùng Trung Nguyên Trung Quốc đã đến với Lào Cai.

Theo phân tích của Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, năm 649, nước Nam Chiếu ở Vân Nam được thành lập. Giao lưu văn hóa và trao đổi kinh tế giữa Nam Chiếu với Giao Chỉ (vùng Bắc Bộ Việt Nam) càng được đẩy mạnh qua vùng Lào Cai. Tuyến giao thông từ Giao Chỉ đi Nam Chiếu được tu bổ và trở thành tuyến giao thông huyết mạch dọc sông Hồng. Giả Đam - một tể tướng nhà Đường khoảng niên hiệu Trinh Nguyên đã viết trong sách “Đương Thư Giả Đam” về con đường từ An Nam (Việt Nam) vào Vân Nam: “An Nam qua Thái Bình Giao Chỉ hơn 100 dặm đến Phong Châu, lại qua Nam Điền 130 dặm đến huyện Ân Lâu - Yên Bái, đi đường thủy 40 dặm đến Trung Thành Châu (huyện Trấn Yên hiện nay), lại 200 dặm đến Đa Lợi Châu (huyện Văn Yên hiện nay), lại 300 dặm đến Chu Quý Châu (huyện Văn Bàn hiện nay), lại 400 dặm đến Đan Đường Châu (Cam Đường hiện nay) đều là đất sinh lão, lại 450 dặm đến Cổ Dũng Bộ (Lâm An - Vân Nam)”.

Bản đồ sông Hồng từ Lao Kay (Lào Cai) đến Hong Hoa (Hưng Hóa) năm 1873. Ảnh: Tư liệu
Phàn Xước - một viên quan nhà Đường làm việc tại Tống Bình (Hà Nội) đã viết tác phẩm “Man Thư” vào đầu niên hiệu Hàm Thông đời Đường Y Tông Thôi Đường (860). Tác phẩm nổi tiếng “Man Thư” của Phàn Xước có 10 quyển. Trong đó quyển I viết về đường xá ở Vân Nam có ghi rõ nhật trình từ Tống Bình (Hà Nội) đến Vân Nam: “Từ An Nam đi đường thủy lên Phong Châu 2 ngày, Đăng Châu 2 ngày, đến Trung Thành châu 3 ngày, đến Đa Lợi Châu 2 ngày, đến Kỳ Phú Châu 2 ngày, đến Cam Đường châu 2 ngày, đến Hạ Bộ 3 ngày, đến sách Lê Vũ Bôn 4 ngày, đến Cổ Dũng Bộ 5 ngày. Trở lên cộng 25 ngày đều là đường thủy”.

Bản đồ sông Hồng năm 1874. Ảnh: Tư liệu
Giả Đam đều xác định con đường huyết mạch nối liền Vân Nam và đồng bằng Bắc Bộ qua Lào Cai đã phát triển khá mạnh từ thời Đường. Quốc gia Nam Chiếu Đại Lý nhờ có tuyến giao thông huyết mạch qua sông Hồng đã góp phần thông thương với vùng biển Đông Nam Á.
Trước hết, qua sông Hồng, hàng hóa của Giao Chỉ đã vận chuyển cung cấp cho Nam Chiếu, Đại Lý quốc các mặt hàng chủ yếu là muối, vỏ sò, ngọc ngà, châu báu, các sản phẩm của biển... Vỏ sò là sản phẩm quý hiếm trở thành tiền tệ dùng trong trao đổi (bảo bối). Vỏ sò được dùng làm tiền tệ kéo dài suốt từ Trung hậu kỳ của quốc gia Nam Chiếu đến thời kỳ Đại Lý. Qua vùng sông Hồng, muối ăn của Giao Chỉ (Việt Nam) và các quốc gia Đông Nam Á khác được vận chuyển đến Vân Nam. Do giá trị của muối ăn nên nó đã trở thành một loại tiền tệ đặc biệt, dùng cả trong sinh hoạt, trao đổi hàng hóa. Lượng muối vận chuyển qua sông Hồng đến Vân Nam khá lớn, nó chỉ hạn chế vào năm 1885.

Hàng hóa của Nam Chiếu, Đại Lý vào Lào Cai và xuống vùng đồng bằng Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng, đồ sắt (vũ khí, đồ sinh hoạt...) và tơ lụa. Mặt khác, Vân Nam là cửa ngõ thông thương với các quốc gia Ấn Độ với vùng Trung Nguyên Trung Quốc nên hàng hóa của các nước Tây Á, Trung Á, Trung Quốc giao lưu qua sông Hồng khá phổ biến. Trên tuyến biên giới lưu vực sông Hồng, các triều đại phong kiến Việt Nam, Trung Quốc đều xây dựng một số trung tâm buôn bán lớn. Thời nhà Lý đến thời Lê ở Việt Nam chú trọng phát triển các chợ đường biên, đồng thời dành riêng một số khu vực trên sông Hồng xây dựng thành trung tâm thương mại như vùng Bảo Thắng (Lào Cai), Tam Kỳ (Bạch Hạc - Việt Trì), Trúc Hoa (Phú Thọ)... Nước Nam Chiếu còn lập một cơ quan chuyên quản lý mậu dịch là “Hòa Sảng”. Đến thời Nguyên, Minh, Thanh, các triều đại phong kiến đều có cơ quan chuyên trách buôn bán. Ở Việt Nam, dưới triều Nguyễn đã có 2 cơ quan phụ trách buôn bán là Ty Hành Nhân và Ty Tào Chính.
Các chợ đường biên, nhân dân 2 bên biên giới trao đổi buôn bán mạnh mẽ. Năm 1012, người Nam Chiếu đem hàng vạn ngựa sang buôn bán ở các huyện vùng biên. Các chợ Bảo Thắng (Lào Cai), Mạn Hảo (Mông Tự) Bách Lẫm (Yên Bái)... đều trở thành trung tâm buôn bán khá sầm uất. Nhiều thuyền buôn tấp nập neo đậu ở bến sông. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, gần các chợ này còn hình thành các khu buôn bán, xưởng sản xuất tàu, thuyền. Một số thương nhân người Hoa còn xin cư trú ngay gần chợ, lập nên các phố buôn bán sầm uất của người Minh, người Thanh. Đầu thế kỷ XIX, ở Thủy Vĩ có 69 người, Văn Bàn có 4 người Minh, Thanh (người Hoa). Họ đều phải đóng thuế, chấp hành luật lệ của nhà Nguyễn. Mỗi năm người Minh, người Thanh ở Thủy Vĩ đóng thuế là 85 lạng bạc. Cửa quan Bảo Thắng giữa thế kỷ XVIII thu thuế buôn muối được 180 hốt bạc. Cuối thế kỷ XVIII thu 1.000 lạng bạc thuế muối. Hàng tơ lụa, thuốc nổ... cũng nhập về Việt Nam qua vùng biên giới Lào Cai.

Như vậy, trong suốt thời kỳ cổ trung đại, trao đổi kinh tế hàng hóa giữa Lào Cai và Vân Nam đã diễn ra khá mạnh mẽ qua lưu vực sông Hồng. Nguyên nhân chủ yếu là do giao thông vùng lưu vực sông Hồng được khai thác và phát triển. Thời cổ đại giao thông qua sông Hồng chủ yếu là đường thủy, đường bộ chỉ là những lối mòn. Niên hiệu Vĩnh Lạc nhà Minh, dọc sông Hồng đã đặt 7 trạm ngựa. Đến thời nhà Lê Trung Hưng, giao thông dọc sông Hồng được cải tạo, nâng cấp. Năm Tân Sửu (1721) niên hiệu Bảo Thái, nhà Lê hạ lệnh đặt dịch lộ dọc sông Hồng. Từ cửa ải Trình Lạng (Lũng Pô - Bát Xát hiện nay) đến trang Bách Lẫm (thành phố Yên Bái hiện nay) đặt 16 nhà trạm. Mặt khác, suốt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, Nhà nước quân chủ độc lập Việt Nam đều luôn áp dụng chiến lược “Hòa hiếu với phương Bắc”. Do đó quan hệ văn hóa, kinh tế ở vùng biên giới được tự do trao đổi. Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi kinh tế vùng lưu vực sông Hồng giữa Việt Nam và Trung Quốc là các đợt di cư của các tộc người thiểu số và người Hoa. Các đợt di cư này diễn ra khá mạnh ở cuối thời kỳ nhà Minh và suốt thời nhà Thanh. Chính quyền các châu, phủ Việt Nam đều dành đất cho người Hoa cư trú, chiêu mộ họ vào làm phu mỏ, thậm chí lập làng, lập phố riêng. Sống xen kẽ với cư dân Việt Nam, văn hóa người Hoa và văn hóa người Việt có nhiều điều kiện giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau. Vùng đô thị có người Hoa sinh sống trở thành sầm uất như nhận xét của nhà sử học Phạm Thuận Duật giữa thế kỷ XIX: “Phố Minh Hương ở thị trấn, phố Bảo Thắng ở Thủy Vĩ, đồn Phong Thu ở Chiêu Tấn, chợ Hoa Lâm ở Thanh Sơn, đều là nơi đô hội”.

Thời cận đại, giao lưu, trao đổi qua đường thủy sông Hồng tiếp tục phát triển. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ và lăm le tấn công Hà Nội, Lào Cai được đầu tư xây dựng thành cửa ngõ tiếp nhận viện trợ, thành hậu cứ quan trọng chống thực dân Pháp xâm lược. Năm Mậu Thìn (1868), Lưu Vĩnh Phúc đánh đuổi Hồ Quân Xương và thủ lĩnh quân Cờ Vàng Hoàng Sùng Anh, xây dựng Lào Cai thành một trung tâm buôn bán sầm uất. Với tước phong “Bảo Thắng phòng ngự sứ” của triều đình nhà Nguyễn Việt Nam, Lưu Vĩnh Phúc đã áp dụng chế độ quản lý cửa khẩu, thúc đẩy trao đổi kinh tế giữa Vân Nam với Lào Cai và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hàng loạt các biện pháp được thực thi như khai thông luồng lạch, xây dựng bến thuyền, bảo vệ các đoàn thuyền buôn, truy quét trộm cướp... Nhờ vậy lượng hàng hóa qua cửa quan Bảo Thắng tăng nhanh. Thuế quan thu được từ 50.000 quan đến 60.000 quan, tăng gần gấp đôi những năm trước. Hàng xuất khẩu sang Vân Nam chủ yếu là muối, thuốc lá, hàng tiêu dùng và nhập khẩu chủ yếu là chè, kim loại, vũ khí, thuốc phiện... Hàng năm từ Hà Nội đến Lào Cai có khoảng 2.000 thuyền buôn chở hàng từ Lào Cai hàng hóa ngược sông Hồng chở lên Mạn Hảo và ngược sông Nậm Thi chuyển đến phủ Khai Hóa (Vân Nam, Trung Quốc). Thời kỳ này, con đường buôn bán qua sông Hồng ở Lào Cai còn là con đường nhập vũ khí, thuốc nổ cho các đội quân chống Pháp xâm lược.

Ngày 9/6/1885, Hiệp ước Thiên Tân giữa Pháp và Trung Quốc được ký kết có nhiều điều quy định về buôn bán ở biên giới... Tiếp theo, trong 2 năm (1886 - 1887), Pháp ký với nhà Thanh các hiệp ước bổ sung, như “Hiệp ước Thương mại” ký ngày 25/4/1886” và “Hiệp ước bổ sung” ký ngày 26/6/1887. Những hiệp ước này có các điều khoản quy định mở cửa vùng biên giới Vân Nam và đẩy mạnh buôn bán, xuất - nhập cảnh. Năm 1889, Hải quan Mông Tự được thành lập và ngay ở bến cảng đường sông Mạn Hảo (Vân Nam) cũng có một chi nhánh hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương. Giao lưu văn hóa và trao đổi kinh tế qua biên giới Việt - Trung phát triển khá mạnh. Tuy trong những năm này, 2 mặt hàng quan trọng là muối và thuốc phiện bị cấm buôn bán với Trung Quốc nhưng hàng hóa buôn bán qua biên giới vẫn tăng mạnh. Hàng hóa từ Lào Cai xuất khẩu đi Vân Nam năm 1889 là 55.965$11 và nhập khẩu là 26.686$. Nhưng chỉ 8 tháng năm 1890, trị giá hàng hóa xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai tăng rất mạnh. Từ tháng 1 đến tháng 8/1890, Lào Cai nhập khẩu hàng hóa trị giá 291.534$11 và xuất khẩu trị giá 54.199$ 50. Đặc biệt, hàng quá cảnh qua cửa khẩu Lào Cai tăng mạnh.

Hàng xuất khẩu sang Vân Nam chủ yếu là diêm, rượu gạo, gỗ thơm, sợi bông, bột, dầu lạc, giấy bản, dầu hỏa, cá muối, sành sứ, thuốc lá, thuốc lào, vải lụa, quần áo, gia súc. Hàng nhập vào Việt Nam là quế, tinh dầu, củ nâu, thiếc, chè, đường, miến, mật ong, thuốc phiện... đến Mông Tự, nối liền Lào Cai với Mông Tự và Lào Cai với Yên Bái, Hà Nội. Ngày 20/5/1889, Lào Cai đã tiến hành thành công việc hòa mạng điện báo giữa Pháp và Trung Quốc. Hệ thống đường bộ từ Lào Cai đi Phố Lu Bảo Hà - Trái Hút cũng được tu sửa, mở rộng. Tuyến đường sông Hồng tiếp tục được nạo vét, phá bớt ghềnh thác. Ngày 24/7/1889, chuyến tàu Xì lóp (chạy bằng hơi nước) đầu tiên từ Hà Nội đến Lào Cai an toàn, mở ra hướng đầu tư mới và tăng cường các tàu chạy bằng hơi nước trên tuyến sông Hồng.
Trao đổi buôn bán bằng đường sông Hồng giữa Vân Nam và Lào Cai có từ thời cổ đại nhưng chỉ đến thời cận đại, đặc biệt trong khoảng 20 năm (1890 -1910) phát triển mạnh nhất. Tập ký sự “Chuyên khảo Lào Cai” của sỹ quan Pháp viết cuối thế kỷ XIX lưu trữ tại Thư viện Quốc gia có ghi chép nhiều sự kiện về tu sửa, xây dựng bảo vệ con đường huyết mạch thông thương Lào Cai - Vân Nam trên tuyến sông Hồng. Chuyên khảo cũng ghi chép về sự phát triển trong quan hệ buôn bán Vân Nam - Lào Cai qua sự phản ánh của trạm thuế quan Lào Cai: “Trong tháng 2/1890, 200 ngựa thồ rời Phố Lu và 500 ngựa thồ rời Lào Cai để vận chuyển muối đến các vùng nội hạt. Sở Thương chính Lào Cai đã ghi rõ nhập khẩu trong tháng 2 là 350$ xuất khẩu 9.690$, hàng quá cảnh Vân Nam đi Hồng Kông trị giá 19.285$, quá cảnh từ Hồng Kông đi Vân Nam trị giá 77.987$28. Đến năm 1891, buôn bán qua cửa khẩu Lào Cai tăng nhanh, chỉ riêng tháng 1/1891, cửa khẩu Lào Cai xuất khẩu hàng trị giá 11.630$30, hàng quá cảnh từ Hồng Kông đi Vân Nam là 42.830$, nhập khẩu 4354$, quá cảnh Vân Nam đi Hồng Kông với khối lượng hàng hóa trị giá 33.730$. Tháng 1 cũng có 110 thuyền hàng ngược đến Lào Cai và 83 thuyền từ Mạn Hảo qua Lào Cai xuôi về Hà Nội, có 2.095 ngựa thồ muối đến các chợ nội địa. Như vậy, chỉ sau 1 năm, lượng hàng giao dịch qua cửa khẩu Lào Cai đều tăng từ 20% đến 30%. Đầu thập niên 90 của thế kỷ XIX, khi mới mở cửa, thuyền buôn qua lại trên sông Hồng hằng năm trên 1.000 chiếc, vận chuyển khoảng 3.000 tấn hàng hóa. Vào năm Quang Tự 23 nhà Thanh (1897), có 5.553 chuyến thuyền buôn qua lại bến Mạn Hảo, lượng hàng hóa vận chuyển giữa Việt Nam và Trung Quốc qua sông Hồng là 12.922 tấn. Đến năm Quang Tự 33 (1907) có 18.431 chuyến thuyền vận chuyển 57.369 tấn hàng hóa. Như vậy sau 17 năm mở cửa biên giới Vân Nam - Lào Cai, số lượng hàng hóa trao đổi qua lưu vực sông Hồng tăng gấp trên 19 lần. Cơ cấu mặt hàng từ Hồng Kông, Hải Phòng quá cảnh Lào Cai sang Vân Nam chủ yếu là các mặt hàng nhiên liệu, hàng tiêu dùng, hải sản. Đặc biệt, từ khi khởi công xây dựng tuyến đường sắt Điền -Việt, khối lượng rất lớn về vật tư trang thiết bị đều được vận chuyển trên tuyến đường thủy bộ dọc sông Hồng đến Mông Tự - Côn Minh. Còn hàng từ Vân Nam quá cảnh Lào Cai về Hà Nội, Hải Phòng đi Hồng Kông chủ yếu là thiếc, chè, lâm thổ sản, trong đó mặt hàng thiếc ở Cá Cựu chiếm hàng đầu.

Nhờ mở cửa, trao đổi hàng hóa phát triển, hệ thống giao thông nối liền Côn Minh - Mông Tự - Lào Cai - Hà Nội cũng không ngừng được mở rộng. Tuyến đường cổ Trung - Việt trên sông Hồng hình thành từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX càng được tu bổ, trở thành tuyến đường huyết mạch, trao đổi hàng hóa rất tấp nập nhộn nhịp. Đội thuyền buôn từ Hà Nội ngược sông Hồng qua Phú Thọ, Yên Bái lên Lào Cai qua Hà Khẩu, cập thương cảng Mạn Hảo. Từ Mạn Hảo, hàng được 5.000 đến 6.000 con ngựa, la thồ đi Mông Tự, Cá Cựu ngược lên Kiến Thủy, Thông Hải, Giang Xuyên đến thủ phủ Vân Nam là Côn Minh. Theo thống kê của Hải quan Mông Tự, từ năm Quang Tự thứ 13, mỗi năm có trên 1 vạn lượt ngựa vận chuyển hàng xuất khẩu. Đến năm Quang Tự 32 (1906) có trên 29 vạn lượt ngựa vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu. Hàng từ Vân Nam vận chuyển đường bộ đến Mạn Hảo xuôi thuyền về Hà Nội và đến cảng biển Hải Phòng. Từ đây, hàng được vận chuyển đến Hồng Kông và đi các nước công nghiệp châu Âu.

Nhờ mở cửa, trao đổi buôn bán Việt - Trung phát triển đã nhanh chóng hình thành các trung tâm buôn bán sầm uất. Đó là Lào Cai - trung tâm buôn bán phía Tây Bắc của Việt Nam. Lào Cai vào thập niên 60, 70 của thế kỷ XIX đã là một khu phố khá sầm uất nhưng từ khi quy hoạch năm 1904, đô thị Lào Cai được mở rộng gấp 5 lần. Trung tâm đô thị không chỉ bó hẹp trong thành cổ mà còn phát triển mạnh sang hữu ngạn sông Hồng (khu vực Cốc Lếu) và phía Nam (khu vực Phố Mới). Năm 1886, dân số chỉ vài trăm người, năm 1907 tăng lên gần 2.000 người. Đô thị Lào Cai thực sự trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa, chính trị của toàn tỉnh Lào Cai, có hệ thống dịch vụ đáp ứng nhu cầu mở cửa, trao đổi buôn bán với Vân Nam.
Ở Vân Nam, Mạn Hảo và Mông Tự cũng nhanh chóng trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất trên đường liên vận Việt - Trung. Do địa hình phức tạp, sông Hồng từ Mạn Hảo ngược lên phía Bắc rất dốc, lắm thác ghềnh, thuyền bè không đi lại buôn bán được. Vì vậy, Mạn Hảo - một tiểu trấn của Trung Quốc, cách Lào Cai gần 100 km trở thành đầu mối giao thông đường thủy trọng yếu. Hàng hóa của Vân Nam đều theo đường bộ đổ về Mạn Hảo. Từ Mạn Hảo, các thuyền chuyên chở sang Lào Cai, đi Hà Nội, Hải Phòng. Năm 1853, bia ký Mạn Hảo có ghi, bến thuyền Mạn Hảo chỉ có 16 hộ gia đình “Thủy Phu” . Nhưng sau khi mở cửa vào thập niên 90 của thế kỷ XIX, người Quảng Đông, Quảng Tây ồ ạt kéo đến xây cửa hàng, lập các đội thuyền buôn, mở xưởng đóng tàu thuyền. Thời kỳ đông nhất, tiểu trấn Mạn Hảo có hơn một vạn người . Ở đây còn có đại diện buôn bán của 5 nước Nhật, Đức, Ý, Pháp, Mỹ. Năm 1889, Hải quan Mông Tự mở một chi nhánh ở Mạn Hảo. Các hiệu buôn, đại diện các công ty cũng “mọc” lên san sát. Mạn Hảo trở thành chốn phồn hoa đô hội. Từ năm Thanh Quang Tự thứ 18 (năm 1892) đến năm Tuyên Thống Nguyên Niên (1909) có hàng vạn thuyền buôn cặp bến Mạn Hảo. Bình quân trong 18 năm (1892 - 1909), mỗi năm có 11.481 thuyền vận chuyển hàng hóa trên bến Mạn Hảo. Hằng ngày có hàng nghìn con ngựa nhận hàng chuyên chở đến Mông Tự, Cá Cựu, Côn Minh. Đặc biệt, trong những năm xây dựng dựng đường sắt Điền - Việt, lượng khí tài, vật tư từ Việt Nam chuyển sang Vân Nam tăng rất nhanh. Do đó, lượng ngựa thồ cũng tăng nhiều. Năm 1905, từ Mạn Hảo có hơn 3 vạn con ngựa chuyên chở khí tài, vật tư đến các tuyến thi công đường sắt.

Từ năm 1889, hải quan Mông tự chính thức mở cửa đến năm 1909 (trước khi thông xe đường sắt Điền - Việt), Mông Tự trở thành trung tâm buôn bán của tỉnh Vân Nam; đồng thời Mông Tự cũng trở thành cánh cửa quan trọng nhất, mở ra ngoại quốc của tỉnh Vân Nam. Từ năm 1889 - 1896, toàn tỉnh Vân Nam mới chỉ có Hải quan Mông Tự, nên tổng ngách ngoại thương mậu dịch theo thống kê của hải quan Mông Tự đều chiếm tỷ lệ 100% toàn tỉnh. Ngày 2/3/1896 Vân Nam thiết lập Trạm Hải quan Tư Mao nhưng nguồn hàng xuất - nhập khẩu qua Mông Tự từ năm 1897 - 1901 vẫn chiếm từ 93,3% - 96,7% tổng mức xuất - nhập khẩu mậu dịch của tỉnh Vân Nam. Từ năm 1902 - 1910, xuất khẩu đi nước ngoài qua đường Mông Tự - Mạn Hảo - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vẫn chiếm từ 77% - 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Vân Nam. Mông Tự còn là nơi tập trung các công ty, hiệu buôn trong nước và nước ngoài, với 20 công ty lớn của nước ngoài, 48 hiệu buôn, trong đó có 8 hiệu buôn lớn nhất, gọi là “Bát Đại hiệu”. Các công ty nước ngoài và hiệu buôn Trung Quốc chuyên kinh doanh xuất - nhập khẩu, hàng tiêu dùng, vận tải, dịch vụ... Còn đường vận chuyển hàng hóa của các công ty, hiệu buôn đối với nước ngoài chủ yếu theo hành lang Mông Tự - Mạn Hảo - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Như vậy từ năm 1886, sau hiệp định Thiên Tân, trao đổi kinh tế, giao lưu văn hóa Lào Cai - Vân Nam diễn ra mạnh mẽ. Đường thủy sông Hồng trở thành tuyến đường huyết mạch thúc đẩy giao lưu kinh tế văn hóa, hình thành các trung tâm thương mại, các thương cảng sầm uất.