Từ dịch bệnh tới chiến tranh, 4 mối lo đè nặng thị trường chứng khoán Mỹ
Những tháng đầu năm 2022 là thời gian đầy lo âu đối với các nhà đầu tư Mỹ, từ mối lo về xung đột địa chính trị, lạm phát, đại dịch đến nguy cơ suy thoái. Dường như những lo ngại này sẽ không sớm chấm dứt.
Theo kênh CNN, một số chuyên gia cho rằng kết hợp các vấn đề kinh tế vĩ mô và địa chính trị sẽ khiến chứng khoán Mỹ khó thoát ra khỏi tình trạng u ám và khó đạt kết quả tích cực khi kết thúc năm 2022.
Ông David Spika, Chủ tịch công ty GuideStone Capital Management, nhận định: “Có quá nhiều khó khăn nên khó có thể mong đợi lợi nhuận tốt cho cổ phiếu trong năm nay”.
Bất chấp tăng điểm trong hai ngày qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm về tổng thể tính từ đầu năm 2022 tới nay. Chỉ số Dow giảm gần 7% giá trị trong năm nay, chỉ S&P 500 đã giảm khoảng 10%, còn chỉ số Nasdaq giảm hơn 15%.
Có nhiều mối quan tâm đặc biệt đang đè nặng lên giá cổ phiếu, trong số đó chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang đẩy giá dầu lên cao.
Trước đó, các nhà đầu tư đã lo lắng về lạm phát và khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay để chống lạm phát. Ngày 16/3, sau hai ngày nhóm họp, Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) của FED cho biết ngân hàng này quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, qua đó nâng biên độ lãi suất của FED lên mức từ 0,25% – 0,5%.
Trong khi đó, đại dịch COVID-19 vẫn chưa biến mất khi các ca mắc gia tăng đột biến gần đây ở Trung Quốc, làm dấy lên hồi chuông cảnh báo.
Ông Spika nói: “Tôi thấy không có cách nào giúp chúng ta thu được lợi nhuận từ cổ phiếu. Giá cổ phiếu chỉ giảm ở mức một con số trong năm nay đã là chiến thắng rồi”.
Theo ông Spika, khó có thể kỳ vọng rằng cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ sớm kết thúc. Ngay cả khi khủng hoảng chấm dứt thì định giá cổ phiếu cũng là quá cao trong bối cảnh lãi suất tăng. Chứng khoán có thể giảm giá trị ở mức hai con số. Chứng khoán tăng mạnh trong những năm qua là nhờ chính sách tiền tệ dễ dãi. Điều đó sắp thay đổi.
Ông Stephanie Lang, Giám đốc đầu tư tại công ty Homrich Berg, cũng đồng ý rằng thời đại kiếm tiền dễ dàng đã qua. Mặc dù lãi suất cao hơn là luôn khiến các nhà đầu tư Mỹ chú ý, nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề đối với thị trường chứng khoán.
Ông Vincent Reinhart, nhà kinh tế trưởng tại công ty Dreyfus & Mellon, cho biết: “Danh sách các vấn đề gây trở ngại với cổ phiếu khá dài. Chúng ta có chiến tranh, dịch bệnh, gián đoạn chuỗi cung lâu dài…”.
FED có thể sẽ tăng lãi suất vài lần trong năm nay để cố gắng giảm lạm phát. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng FED đã chờ đợi quá lâu mới tăng lãi suất và bây giờ có thể phải đối mặt với vấn đề lạm phát kèm suy thoái.
Ông Reinhart nói: “FED sẽ khó mà điều chỉnh đúng hướng. Ai cũng sẽ nói rằng nguy cơ suy thoái hôm nay đã tăng cao hơn nhiều so với cách đây 6 tháng”.
Còn chuyên gia Lang cho rằng FED đã bỏ lỡ dấu hiệu lạm phát và sẽ phải thực hiện các động thái tích cực hơn trong tương lai. FED đang ở trong tình thế khó khăn, nhưng một số người hy vọng FED sẽ không tăng lãi suất quá mạnh.
Ông Louise Goudy Willnough, đối tác của công ty Crewe Advisors, cho biết: “Nếu FED quá lạm dụng tăng lãi suất, đó sẽ là vấn đề dài hạn đối với nền kinh tế. Nhưng nếu FED không quá quyết liệt, chúng ta vẫn có thể tăng trưởng”. Ông cũng nói rằng còn quá sớm để từ bỏ hy vọng thị trường chứng khoán phục hồi vào cuối năm nay vì bây giờ mới là tháng 3.
Tất nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ cũng không dễ bước vào đợt phục hồi lớn như đợt tăng sau năm 2020. Nếu lo ngại về Ukraine và vấn đề chuỗi cung ứng lắng xuống, tăng trưởng lợi nhuận có thể trở lại mức bình thường hơn, từ đó sẽ thúc đẩy cổ phiếu.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư nên xem xét các cổ phiếu trú ẩn an toàn, chất lượng, có khả năng trả cổ tức, chẳng hạn như các công ty hàng tiêu dùng và công ty chăm sóc sức khỏe. Ông Spika cho biết các cổ phiếu năng lượng và các công ty nhỏ tiếp xúc nhiều hơn với nền kinh tế Mỹ so với thị trường quốc tế cũng sẽ hoạt động tốt trong môi trường lãi suất tăng.
Sau khi FED tăng lãi suất, tại Phố Wall, vào khoảng 1 giờ 17 phút ngày 17/3 (theo giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 0,13% (42,46 điểm) lên 33.586,8 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 16,4 điểm (0,38%) lên 4.278,85 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng thêm 131,75 điểm (1,02%) lên 13.080,37 điểm. Cổ phiếu của 5 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc chỉ số S&P vẫn tiếp tục tăng giá sau thông tin từ FED, trong đó các cổ phiếu tài chính và cổ phiếu tiêu dùng dẫn dầu đà tăng. Dữ liệu cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt hơn thường đi kèm với sự tăng giá vững chắc của cổ phiếu. Theo một nghiên cứu của Deutsche Bank về 13 chu kỳ tăng kể từ năm 1955, chỉ số S&P 500 đã tăng trung bình 7,7% trong năm đầu tiên FED tăng lãi suất.