Tự hào ngôi trường 120 năm tuổi
Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội
Cách đây 120 năm, Thủ Dầu Một được biết đến là vùng đất gắn với những ngành nghề thủ công mỹ nghệ, trong đó có gốm sứ và sơn mài. Để phát huy thế mạnh của vùng đất Thủ, người Pháp lựa chọn nơi đây để thành lập trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một nhằm kích hoạt nghề thủ công mỹ nghệ ở vùng đất này phát triển mạnh mẽ. Qua nhiều giai đoạn của lịch sử, trường vẫn duy trì đào tạo các ngành truyền thống như thiết kế đồ gỗ, sơn mài trang trí, điêu khắc trang trí...
Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, 120 năm qua trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương vẫn là nơi duy trì đào tạo các ngành nghề truyền thống. Trong ảnh: Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương xưa và nay. Ảnh: Tư liệu
Từ khi đất nước đổi mới và hội nhập, để thích ứng với sự phát triển của xã hội, trường từng bước phát triển quy mô, mở rộng thêm ngành đào tạo cũng như mở thêm ngành sơ cấp ngắn hạn. Ở trình độ trung cấp hiện nay, trường đào tạo các ngành: Thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế đồ gỗ, sơn mài, điêu khắc, thanh nhạc, quản lý văn hóa, hướng dẫn du lịch.
Trong tiến trình 120 năm xây dựng và phát triển, giai đoạn từ năm 2012 đến nay, trường có nhiều thay đổi trong công tác đào tạo để thích ứng với sự đổi mới và hội nhập. Theo đó, trường liên kết với các trường đại học đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học và liên kết đào tạo với các cơ quan, doanh nghiệp. Cụ thể, trường phối hợp với Đại học Tôn Đức Thắng mở 3 lớp ở ngành thiết kế đồ họa, 1 lớp ngành thiết kế gỗ - trang trí nội thất; phối hợp với Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh mở 2 lớp ngành quản lý văn hóa; đào tạo tại doanh nghiệp Alexander ngành chạm khắc gỗ; phối hợp Sở Giáo dục - Đào tạo mở lớp bồi dưỡng đàn organ, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện...
Giáo viên ngành sơn mài vẫn miệt mài truyền lửa đam mê nghề truyền thống cho các thế hệ học sinh
Trao đổi với chúng tôi, thầy Lê Quang Lợi, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương cho biết, quá trình đào tạo của trường trong 120 năm qua đã trải qua không ít khó khăn, thách thức, có lúc tưởng chừng không vượt qua được. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy cô giáo, nhân viên trường luôn tâm huyết, yêu nghề, tất cả vì học sinh thân yêu. “Nhà trường luôn xem trọng chất lượng đào tạo; phẩm chất và tay nghề của học sinh được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, trường chú trọng đào tạo đội ngũ sáng tác đồng thời duy trì, phát triển các nghề truyền thống như sơn mài, điêu khắc, thiết kế gỗ… nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ và khả năng sáng tạo cao, là nền tảng cho đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong giai đoạn giáo dục chuyển đổi số hiện nay”, thầy Lợi khẳng định.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Duy trì và phát triển ngôi trường có truyền thống lâu đời, mục tiêu của Ban Giám hiệu trường là đào tạo lĩnh vực mỹ nghệ truyền thống, mỹ thuật ứng dụng, văn hóa nghệ thuật, du lịch và thẩm mỹ; đào tạo nguồn nhân lực có đủ trình độ và đạo đức nghề nghiệp, có kỹ năng, kỹ xảo và sáng tạo; qua đó để “bảo tồn di sản - gìn giữ truyền thống - đào tạo nghề nghiệp - phát huy sáng tạo - phát triển giáo dục”, theo sứ mạng nhà trường đã đề ra.
Đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu, nhà trường chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo bảo đảm đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng công nghệ đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đào tạo nghề; phấn đấu đạt chuẩn khung trình độ quốc gia Việt Nam, khung trình độ ASEAN. Đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, trường đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.
Học sinh ngành thiết kế đồ gỗ trong giờ thực hành
Thầy Lợi khẳng định, vì lợi ích tập thể và vì ngôi trường Mỹ thuật - Văn hóa 120 năm tuổi với truyền thống: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhà trường luôn xem trọng chất lượng đào tạo. Do đó, ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất, đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhà trường vẫn giữ vững truyền thống, duy trì các ngành nghề đào tạo, mở thêm các ngành nghề mới, đào tạo nghề ngắn hạn tại trường và tại doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng giảng dạy về lý thuyết, thực hành. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên luôn tâm huyết với phương châm: Chỉ cho ra trường những “sản phẩm” được đào tạo chất lượng nhất, bài bản nhất theo đúng phương châm mà hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang hướng tới, đó là tập trung đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục nghề nghiệp tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Có thể khẳng định, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương vẫn tồn tại và phát triển theo thời gian với giá trị “thương hiệu” của mình, thành tích đó có được từ công lao to lớn của những thế hệ đi trước, những người thầy đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục và sự phát triển của nhà trường. Đặc biệt, trường cũng đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở ngành, đoàn thể liên quan.
“Với mục tiêu chính là bảo tồn di sản, giữ gìn truyền thống, đào tạo nghề nghiệp, phát huy sáng tạo, phát triển giáo dục, trong định hướng phát triển, trường tiếp tục thực hiện liên kết với các trường đại học, cao đẳng địa phương và khu vực để phối hợp đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập ở thời kỳ mới. Bên cạnh đó, trường sẽ mở rộng thêm những lĩnh vực liên quan đến du lịch, kết nối với ngành du lịch để mở tuyến du lịch đường sông theo kế hoạch phát triển du lịch của Bình Dương giai đoạn 2020- 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/tu-hao-ngoi-truong-120-nam-tuoi-a260536.html