Tự hào nữ chiến sĩ báo vụ tỉnh Đông

Nhiều nữ chiến sĩ báo vụ, tiêu đồ quê hương Hải Dương đã đóng góp không nhỏ vào Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không'.

 Bà Bùi Thúy Hòa - một trong những nữ chiến sĩ báo vụ xứ Đông năm xưa tham gia trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972

Bà Bùi Thúy Hòa - một trong những nữ chiến sĩ báo vụ xứ Đông năm xưa tham gia trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ cuối tháng 12.1972 đã đi vào lịch sử là kỳ tích có một không hai. Làm nên thắng lợi vĩ đại ấy, thật tự hào có sự đóng góp thầm lặng của những nữ chiến sĩ báo vụ, tiêu đồ quê hương Hải Dương thuộc Trung đoàn Thông tin 26 (còn gọi là Đoàn sóng điện-e26, nay là Lữ đoàn Thông tin 26, Quân chủng Phòng không - Không quân).

Những ngày tháng 12 lịch sử này, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng một số nữ cựu chiến binh, nguyên là chiến sĩ báo vụ, báo vụ kiêm tiêu đồ thuộc Đoàn sóng điện-e26. Họ từng tham gia chiến dịch phòng không những ngày cuối tháng 12.1972, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ chủ yếu bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng lân cận. 50 năm trôi qua, những cô gái tuổi 17 - 18 ngày nào giờ đây tóc đã bạc, nhưng ký ức về trận chiến đấu năm xưa vẫn vẹn nguyên.

Đầu năm 1971, trước yêu cầu nhiệm vụ tăng cường lực lượng cho bộ đội phòng không để ngăn chặn cuộc chiến tranh phá hoại bằng đường không của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, cùng với thanh niên cả nước, 90 cô gái Hải Dương xung phong lên đường ra trận. Sau thời gian huấn luyện tân binh và đào tạo chuyên ngành thông tin, 61 cô gái xứ Đông được lựa chọn biên chế về làm chiến sĩ báo vụ, báo vụ kiêm tiêu đồ tại Đoàn sóng điện-e26, đóng quân tại huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

Cuối tháng 12.1972, Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không lớn chưa từng có đánh phá ra miền Bắc. Trước yêu cầu nhiệm vụ, những cô gái xứ Đông bước vào cuộc chiến với tâm thế và quyết tâm cao nhất. Các phiên ban tổ chức trực chiến đấu 24/24 không kể ngày đêm.

12 ngày đêm làm việc với cường độ cao liên tục trong hầm chỉ huy thiếu ánh sáng và ô xy, có những chiến sĩ báo vụ do phải nhận, chuyển điện liên tục, cổ tay bị mỏi nhừ nhưng vẫn không rời máy. Bà Trần Thị Lai, nguyên chiến sĩ báo vụ thuộc Đại đội 1, Đoàn sóng điện-e26 chia sẻ: “Tai chúng tôi luôn phải đeo cáp để thu - phát tín hiệu. Lúc đó chỉ nghĩ làm sao thu - phát thông tin nhanh, chính xác để đồng đội bắn rơi được máy bay B52 là vui rồi…”.

Khi máy bay B52 vào rải bom thường đi theo tốp và sử dụng một số loại máy bay hộ tống như F4, F105, F111 nhằm phá sóng ra đa và chế áp hệ thống thông tin của ta. Điều này khiến cho việc tiếp nhận, truyền đạt thông tin qua tín hiệu moóc của lực lượng báo vụ gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên là chiến sĩ báo vụ kiêm tiêu đồ thuộc Đại đội 3 (Đoàn sóng điện-e26), bà Phạm Thị Minh Sơn nhớ lại: “Yêu cầu thông tin phải tuyệt đối chính xác nên chúng tôi luôn tập trung cao độ, tai thính, mắt tinh, tay nhanh để chắt lọc, ghi chép đúng, đủ thông tin. Thậm chí có những lúc nhiễu xạo, thông tin méo mó, chúng tôi phải dựa vào kinh nghiệm để phân biệt, lựa chọn được thông tin chính xác”.

Cùng với quân và dân miền Bắc cầm súng trên chiến trường, những nữ chiến sĩ báo vụ, báo vụ kiêm tiêu đồ tỉnh Đông thuộc Đoàn sóng điện-e26 tay cầm bút chì, tai đeo cáp đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần gan dạ, dũng cảm, vượt lên khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tiêu biểu trong số đó có chiến sĩ Nguyễn Thị Hường, người đã đi những đường chì cùng đồng đội bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay B52 đầu tiên, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Kết quả sau 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc mà nòng cốt là bộ đội phòng không đã bắn rơi 81 máy bay, có 34 chiếc B52, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Về với cuộc sống đời thường, những nữ chiến sĩ báo vụ năm xưa nay là những cựu chiến binh gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm trong mọi công việc. Dù ở cách xa nhau nhưng các chị vẫn giữ liên lạc, tiếp tục truyền động lực cho thế hệ trẻ để cùng nhau góp sức mình phát huy truyền thống cha ông trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

QUANG THÚY - NGUYỄN TRƯỜNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/tu-hao-nu-chien-si-bao-vu-tinh-dong-222512