Tứ Kỳ bàn giải pháp nâng cao giá trị vùng khai thác rươi, cáy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Sáng 2.6, UBND huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) tổ chức hội thảo nâng cao giá trị vùng khai thác rươi, cáy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, HTX Dịch vụ nông nghiệp và hộ dân ở các xã có vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi cáy trong huyện đã trao đổi, đề nghị các cấp, ngành nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật về phát triển con rươi; lựa chọn giống lúa, phân bón phù hợp vùng sản xuất hữu cơ; phát triển du lịch trải nghiệm tại vùng sản xuất rươi cáy; định hướng con đường xuất khẩu con rươi bền vững; quan tâm xây dựng quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ xã An Thanh...
Tiến sĩ Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Nắng Thu, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và thức ăn thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam); lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và huyện Tứ Kỳ đã trao đổi, giải đáp kiến nghị đưa ra tại hội thảo, nhấn mạnh việc nâng cao giá trị sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi cáy ở Tứ Kỳ là rất cần thiết. Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững, hiệu quả cần sự quan tâm về chính sách và nguồn lực của nhà nước; liên kết phát triển vùng; sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn...
Huyện Tứ Kỳ hiện có 8 vùng khai thác rươi cáy kết hợp sản xuất lúa hữu cơ với tổng diện tích 367 ha. Vùng bảo tồn, khai thác rươi cáy cho thu nhập từ 350- 450 triệu đồng/ha/năm, giá trị đạt 120-150 tỷ đồng/năm. Ngày 13.5.2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác rươi cáy với quy mô 137 ha ở xã An Thanh đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, đây cũng là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của tỉnh. 5 sản phẩm gồm gạo bãi rươi; rươi cấp đông; cáy cấp đông; chả rươi và rươi niêu đốt được công nhận OCOP từ 3-4 sao.