Từ mạch nguồn di sản đến sản phẩm du lịch: * Bài 1: Bảo tồn và phát triển

Đông Nam Bộ - vùng phát triển kinh tế năng động của cả nước đồng thời cũng là nơi hội tụ nhiều sắc màu văn hóa, các di sản văn hóa đã được công nhận cấp quốc gia và quốc tế.

Dinh Cô tại thị trấn Long Hải (Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: TTXVN phát

Dinh Cô tại thị trấn Long Hải (Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: TTXVN phát

Nhìn nhận thế mạnh, hài hòa giải pháp bảo tồn và phát triển, đặc biệt là khai thác phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển nhanh, bền vững như mục tiêu Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Nhóm phóng viên TTXVN đề cập nội dung này qua ba bài viết "Từ mạch nguồn di sản đến sản phẩm du lịch - nhìn từ Đông Nam Bộ".

Bài 1: Bảo tồn và phát triển

Vùng Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Trong quá trình hình thành, phát triển, đây là nơi có sự giao thoa văn hóa của nhiều khu vực vùng núi, miền biển, cao nguyên, đồng bằng phù sa, tạo sự đa dạng, đặc sắc của hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể ở từng địa phương thuộc vùng.

* Vùng văn hóa đặc sắc

Nhận định chung về khía cạnh địa - văn hóa của Vùng Đông Nam Bộ, các chuyên gia khẳng định, đây chính là một trong hai tiểu vùng của Vùng văn hóa Nam Bộ, với đặc tính chung về khí hậu là khu vực nhiệt đới gió mùa, là vùng đồng bằng phù sa. Nơi đây là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào nhiều dân tộc, tạo nên bức tranh văn hóa Đông Nam Bộ đa màu sắc và có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển chung của vùng.

Theo Phó Giáo sư Huỳnh Văn Tới (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh), Đông Nam Bộ là nơi có sự giao thoa văn hóa nhiều vùng khác nhau. Lịch sử hình thành phát triển vùng đã tạo ra nguồn lực mang tính quy luật của sự kết tinh và tiếp biến trong phát triển. Đó là gìn giữ, bảo vệ, duy trì những giá trị cốt lõi và tiếp thu cái mới trong giao lưu văn hóa ngoại vùng, ngoại quốc và tự đào thải các hủ tục lạc hậu.

Cây Cóc đỏ - Cây Di sản trong Vườn quốc gia Côn Đảo, thuộc họ Bàng, 278 tuổi; phân bố tại khu vực Đầm Quốc - Hòn Bà. Ảnh: TTXVN phát

Cây Cóc đỏ - Cây Di sản trong Vườn quốc gia Côn Đảo, thuộc họ Bàng, 278 tuổi; phân bố tại khu vực Đầm Quốc - Hòn Bà. Ảnh: TTXVN phát

Thành phố Hồ Chí Minh - đô thị hạt nhân, trung tâm vùng cũng chính là nơi có nhiều di sản văn hóa nổi bật. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 185 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó có 60 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt như Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, Địa đạo Củ Chi, Di tích kiến trúc nghệ thuật trụ sở HĐND - UBND thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành… Thành phố còn là nơi hội tụ của nhiều di sản văn hóa như Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nghệ thuật Đờn ca tài tử mà 21 tỉnh, thành Nam Bộ đồng sở hữu, nghệ thuật Múa bóng rỗi Nam Bộ, Lễ hội Nghinh Ông tại huyện Cần Giờ, Lễ hội Khai hạ - cầu an tại Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt…

Cùng thuộc Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở ven biển là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, với sự ảnh hưởng của các nền văn hóa lâu đời gắn với biển ở những mức độ khác nhau như: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai. Địa bàn tỉnh hiện có 48 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh. Đặc biệt, đây cũng là địa phương rất có nhiều lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển, thể hiện sự giao thoa màu sắc văn hóa truyền thống của cả ba miền Bắc - Trung - Nam như: Lễ hội Nghinh Ông đình thần Thắng Tam, Lễ giỗ Ông Trần - Nhà Lớn Long Sơn, Lễ hội Dinh Cô, Lễ giỗ Bà Phi Yến, Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành...

Tỉnh Bình Phước là nơi hội tụ của 41 thành phần dân tộc từ mọi miền đất nước tụ họp về sinh sống, tạo nên đời sống văn hóa vùng, miền phong phú, đa dạng. Tỉnh có nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền những chiến công trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm với các địa danh đã đi vào lịch sử như Lộc Ninh, Phước Long, Bình Long, Đồng Xoài... Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung thông tin, nơi đây từng là vùng đất sinh sống của người tiền sử, dấu tích còn để lại tìm thấy tại nhiều di tích khảo cổ thành đất đắp hình tròn, là di chỉ khảo cổ độc đáo, có giá trị khoa học. Đến nay, ngoài nghệ thuật Đờn ca tài tử là di sản chung của các tỉnh, thành Nam Bộ, Bình Phước có 76 di tích, di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng từ cấp tỉnh cho đến cấp quốc gia đặc biệt.

Đoàn thuyền tham gia lễ hội nghinh Long vị Ông Nam Hải trên biển. Ảnh: TTXVN phát

Đoàn thuyền tham gia lễ hội nghinh Long vị Ông Nam Hải trên biển. Ảnh: TTXVN phát

* Tạo sức sống, “thổi hồn” cho di sản

Coi văn hóa, trong đó có vốn quý di sản là sức mạnh nội sinh, mạch nguồn lưu giữ bản sắc, truyền thống để từ đó bảo tồn, phát triển, lan tỏa giá trị chính là góp phần hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Hiện nay, những thuận lợi và cả thách thức mới, tác động của đời sống xã hội hiện đại đang đòi hỏi các cấp, ngành và cộng đồng nơi có di sản có những giải pháp phù hợp “tạo sức sống mới”, để di sản không “ngủ yên” mà ngày càng được bảo tồn, gìn giữ hiệu quả, lan tỏa các giá trị giá trị truyền thống tốt đẹp đến cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đối với các di sản vật thể là các di tích lịch sử - văn hóa, nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động đề xuất chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa.

Trên địa bàn tỉnh, nhiều di tích do Nhà nước trực tiếp quản lý đã được tỉnh đầu tư như: Các hạng mục của Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo, Di tích lịch sử Nhà lưu niệm Nữ Anh hùng Liệt sỹ Võ Thị Sáu, Di tích lịch sử căn cứ Minh Đạm, Di tích Lịch sử trụ sở Ủy ban Việt Minh… Bên cạnh đó, các di tích do tổ chức, tư nhân trực tiếp quản lý cũng được đầu tư hoàn chỉnh như: Di tích lịch sử - văn hóa Nhà Lớn Long Sơn, Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Phước Lâm, di tích lịch sử - văn hóa Đình thần Thắng Tam, di tích danh lam thắng cảnh Dinh Cô…

Phát huy giá trị các di tích đã xếp hạng, Sở Văn hóa - Thể thao, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Du lịch cung cấp nội dung 48 điểm đến, di tích, triển khai ứng dụng mã QR, thực hiện số hóa thông tin điểm du lịch là các di tích trên địa bàn, giúp hỗ trợ người dân và du khách dễ dàng truy cập tìm hiểu thông tin về các điểm đến.

Nghi thức khai nghinh Thủy tướng của Lễ hội nghinh Long vị Ông Nam Hải. Ảnh: TTXVN phát

Nghi thức khai nghinh Thủy tướng của Lễ hội nghinh Long vị Ông Nam Hải. Ảnh: TTXVN phát

Nhấn mạnh các hoạt động khảo cổ, “đánh thức” để các di tích “lên tiếng”, giải mã nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai Nguyễn Hồng Ân chia sẻ: Trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, nổi tiếng. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 68 di tích đã được xếp hạng các cấp, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt là Vườn Quốc gia Cát Tiên và Mộ Cự Thạch Hàng Gòn.

Di tích Mộ Cự Thạch Hàng Gòn ở thành phố Long Khánh là một công trình kiến trúc bằng đá lớn, có thể được coi là “độc nhất vô nhị” đối với các nước Đông Nam Á. Niên đại của công trình kiến trúc này khoảng 2.500 - 3.000 năm.

Trà Sơn Xuân - Phương KGưỉH Trang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tu-mach-nguon-di-san-den-san-pham-du-lich-bai-1-bao-ton-va-phat-trien/305057.html