Từ nay tới năm 2030 cần tăng nguồn lực tài chính cho GDĐH lên ít nhất 2-3 lần

Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, chúng ta cần tăng lên khoảng 0,8-1% GDP đầu tư cho giáo dục đại học cho đến năm 2030.

LTS: Hiện nay, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học đang rất thấp (chỉ chiếm 0,27% GDP theo thống kê của Bộ Tài chính năm 2020).

Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, chúng ta cần tăng lên khoảng 0,8-1% GDP đầu tư cho giáo dục đại học cho đến năm 2030.

Bài toán tài chính với các trường đại học đến nay vẫn là một thách thức lớn. Để hiểu rõ hơn về nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phóng viên: Giáo dục đại học có vai trò quan trọng, đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho phát triển, cần có đầu tư tương xứng. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá như thế nào về nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học Việt Nam hiện nay?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn: Giáo dục đại học có sứ mạng phát triển con người thế hệ mới, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho phát triển, mang lại hiệu quả trực tiếp và lâu dài cho người học và gia đình (lợi ích riêng hay lợi ích tư) cũng như cho cả nền kinh tế và toàn xã hội (lợi ích chung hay lợi ích công), vì vậy mà cả nhà nước, người học và toàn xã hội cùng có trách nhiệm chia sẻ kinh phí đầu tư.

Quy mô và chất lượng giáo dục đại học phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quyết định đó là nguồn lực tài chính.

Thực chất, các yếu tố bảo đảm chất lượng bên trong như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, phương thức đào tạo... cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn lực tài chính.

Theo báo cáo “Giáo dục, đào tạo Việt Nam - Kết quả đánh giá từ Tổng điều tra kinh tế năm 2021” của Tổng Cục thống kê, tổng chi của tất cả cơ sở giáo dục đại học trong năm 2020 là gần 47,8 nghìn tỉ đồng, tương đương 0,6% GDP.

Như vậy, suất chi bình quân trên một người học xấp xỉ 25,8 triệu đồng, tương đương với 31% bình quân GDP trên đầu người, số liệu này khá trùng khớp với tính toán qua khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đáng chú ý là so với năm 2016, tổng chi của khối giáo dục đại học năm 2020 chỉ tăng 0,3 nghìn tỉ đồng (tăng 0,6%), trong khi đó tổng chi của khối giáo dục phổ thông năm 2020 tăng 43,7 nghìn tỉ đồng (tăng 34,2%).

 Ảnh minh họa: nguồn Đại học Bách khoa Hà Nội

Ảnh minh họa: nguồn Đại học Bách khoa Hà Nội

Theo số liệu do Bộ Tài chính cung cấp, dự toán chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học năm 2020 là 16,7 nghìn tỉ, tương ứng với 0,96% tổng dự toán chi ngân sách nhà nước, 4,62% dự toán chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo hay 0,27% GDP.

Tuy nhiên, kinh phí thực chi chỉ đạt 11,32 nghìn tỉ, tương ứng 0,65% tổng dự toán chi ngân sách nhà nước, 4,06% ngân sách nhà nước thực chi cho giáo dục, đào tạo hay 0,18% GDP (tỉ trọng kinh phí thực chi cho giáo dục đại học trên GDP năm 2018 là 0,20% và năm 2019 là 0,19%).

Như vậy, dự toán ngân sách nhà nước chiếm 34,9% tổng chi của toàn khối giáo dục đại học (phù hợp với số liệu cơ cấu nguồn thu do Tổng cục Thống kê đưa ra), nhưng tỉ trọng thực chi chỉ đạt 23,7%.

Những con số trên đây cho thấy nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học ở nước ta không những rất thấp, mà thực tế còn giảm trong một số năm gần đây nếu tính tới chỉ số lạm phát.

Mặc dù trong điều kiện như vậy, hệ thống giáo dục đại học đã có những chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng đào tạo, nghiên cứu và hội nhập quốc tế, nhưng thực tế đang rơi vào “bẫy chất lượng trung bình”.

Có thể nói, nguồn lực tài chính đang là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển giáo dục đại học và thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của nước ta.

 Ảnh minh họa: nguồn Đại học Bách khoa Hà Nội

Ảnh minh họa: nguồn Đại học Bách khoa Hà Nội

Phóng viên: So với các nước có cùng mức sống và các nước phát triển, nguồn lực đó đang ở mức độ nào, thưa Thứ trưởng?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn: Theo số liệu thống kê của OECD năm 2020 (không tính đào tạo trình độ cao đẳng), tỉ trọng tổng chi của các cơ sở giáo dục đại học trên GDP bình quân các nước khối OECD đạt 1,4%, khối EU đạt 1,3%, Hàn Quốc 1,4%, Nhật Bản 1,2 %, Australia 1,7% và Anh 1,9%, cao gấp từ 2 đến 3 lần so với Việt Nam (0,6%).

Tính theo suất chi bình quân cho một người học (đại học và sau đại học) trên bình quân GDP/đầu người, bình quân các nước khối OECD là 42%, khối EU 40%, Hàn Quốc 30%, Nhật Bản 49%, Australia 45% và Anh 62%, trong khi tỉ lệ này của Việt Nam là 31% (GDP bình quân đầu người ở Việt Nam thấp hơn nhiều lần so với các quốc gia nói trên).

Đối sánh tỉ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học trên tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo, theo thống kê năm gần nhất (có số liệu) của Ngân hàng thế giới thì bình quân nhóm quốc gia thu nhập thấp đạt 19%, nhóm quốc gia thu nhập trung bình đạt 18% và nhóm quốc gia thu nhập cao đạt 23%, cao hơn gấp 4 đến 5 lần so với Việt Nam (dù lấy số liệu thực chi 4,06% hoặc số liệu dự toán 4,62%).

Tính theo tỉ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học trên GDP, số liệu bình quân các nước khối OECD trong giai đoạn 10 năm gần đây đều giữ ổn định ở mức xấp xỉ 1%, trong khi Cộng hòa liên bang Đức có tỉ trọng tăng dần và đạt 1,39% vào năm 2020.

Đối với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, tỉ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học trên GDP năm 2020 nằm trong khoảng từ 0,6% tới 0,75%, mặc dù đã giảm nhiều sau một giai đoạn đầu tư mạnh nhiều năm trước (Malaysia năm 2001 đạt 2,56%, Thái Lan năm 2000 đạt 1,07%, Singapore năm 2012 đạt 1,17%).

Như vậy, tính trên tất cả các chỉ số quan trọng, mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam đều thấp hơn nhiều lần so với các nước thuộc nhiều nhóm khác nhau.

Nhìn ngay sang Trung Quốc, một quốc gia điển hình mà chúng ta có thể học hỏi được nhiều từ đổi mới phát triển nền kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ, 24 đại học có dự toán ngân sách thu chi lớn nhất năm 2023 đều vượt 10 tỉ Nhân dân tệ, trong đó 4 đại học vượt 20 tỉ Nhân dân tệ (quy đổi sang USD: Đại học Thanh Hoa 5,67 tỉ, Đại học Chiết Giang 4,26 tỉ, Đại học Giao thông Thượng Hải 3,66 tỉ, Đại học Bắc Kinh 3,11 tỉ); chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước bình quân trên một sinh viên/năm là 39.220 Nhân dân tệ (tương đương 5.415 USD).

Phóng viên: Theo Thứ trưởng, chúng ta cần phải tăng nguồn lực tài chính mức nào để đáp ứng yêu cầu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là một nước có thu nhập cao như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn: Để đạt được mục tiêu tới năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là một nước phát triển, có thu nhập cao, thì phải thực hiện được đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phải tháo gỡ được điểm nghẽn về tài chính cho giáo dục đại học và khoa học, công nghệ.

Những số liệu phân tích trên đây đã chỉ rõ, trong giai đoạn tới 2030 chúng ta cần tăng nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học lên ít nhất 2 đến 3 lần so với hiện nay, cả từ ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội.

Đây cũng là nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất, kiến nghị trong dự thảo Báo cáo tổng kết 10 thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương khóa XI đã trình Bộ Chính trị, cũng như trong dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục tới 2030 và dự thảo Báo cáo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đang trình Thủ tướng Chính phủ.

 Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Phóng viên: Việc huy động các nguồn lực xã hội, sự tham gia của người dân và tổ chức xã hội đối với giáo dục đại học của nước ta hiện còn hạn chế.

Theo Thứ trưởng, làm sao để nguồn lực đầu tư của Nhà nước có thể dẫn dắt đầu tư công, để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhằm tạo nên một sức bật cho giáo dục đại học nước nhà?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn: Các nguồn thu chính của các cơ sở giáo dục đại học bao gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước, học phí của người học, kinh phí hợp đồng khoa học-công nghệ từ doanh nghiệp, hoạt động dịch vụ khác của cơ sở giáo dục đại học và tài trợ, cho tặng từ các tổ chức, cá nhân.

Như vậy, cần phải đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, đồng thời phải có những chính sách phù hợp nhằm tăng cường huy động các nguồn lực từ xã hội.

Trước hết, cần minh bạch hóa toàn bộ kết quả hoạt động của tất cả cơ sở giáo dục đại học thông qua các chỉ số chủ yếu, bao gồm cả kết quả tài chính, trên cơ sở đó phân tích hiệu quả chi ngân sách nhà nước ở các cấp độ lĩnh vực đào tạo, cơ sở đào tạo và cả hệ thống giáo dục đại học, xây dựng và triển khai hệ thống tiêu chí phân bổ ngân sách nhà nước theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, lấy hiệu quả đầu tư là tiêu chí chủ yếu.

Đồng thời, gắn phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học với phân bổ ngân sách cho khoa học công nghệ, bảo đảm tỉ trọng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu, phát triển tại các cơ sở giáo dục đại học tương xứng với năng lực và kết quả hoạt động nghiên cứu, phát triển.

Để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân hợp tác, tài trợ cho các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, cần tiếp tục đổi mới các chính sách ưu đãi về thuế.

Khi năng lực của các cơ sở giáo dục đại học được tăng cường đồng thời trình độ của nền công nghiệp nước ta từng bước được nâng lên, nhu cầu hợp tác, tài trợ nghiên cứu với các cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ gia tăng.

 Ảnh minh họa: nguồn Đại học Bách khoa Hà Nội

Ảnh minh họa: nguồn Đại học Bách khoa Hà Nội

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ các điểm nghẽn trong cơ chế sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước, trao quyền sở hữu trí tuệ cho các cơ sở giáo dục đại học đối với các kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ từ ngân sách nhà nước, đồng thời cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập đầu tư rủi ro vào các dự án khởi nghiệp, công ty khởi nguồn.

Có như vậy, các cơ sở giáo dục đại học mới thúc đẩy được hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp, cải thiện được cơ cấu nguồn thu đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu.

Trên cơ sở đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, để có thể huy động tốt hơn, hiệu quả hơn sự đóng góp từ người học, các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung đổi mới chương trình và phương thức đào tạo, gắn kết với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thị trường việc làm, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, qua đó củng cố niềm tin và thu hút người học.

 Ảnh minh họa: nguồn Đại học Bách khoa Hà Nội

Ảnh minh họa: nguồn Đại học Bách khoa Hà Nội

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách học phí gắn với cải tiến và mở rộng các chính sách hỗ trợ người học (đại học và sau đại học), nhất là chính sách học bổng khuyến khích học tập và tín dụng ưu đãi, căn cứ điều kiện kinh tế, năng lực học tập và lĩnh vực, ngành học, không phân biệt trường công lập hay tư thục.

Cuối cùng, chính sách tốt nhất để huy động hiệu quả các nguồn lực từ xã hội đó là tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm tự chủ đại học đi vào chiều sâu, thực chất và toàn diện.

Khi đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải đổi mới hệ thống quản trị để phát huy tối đa nội lực, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ nhà nước (bao gồm cả tài sản hữu hình và tài sản trí tuệ, thương hiệu nhà trường) để đẩy mạnh hợp tác và thu hút tài trợ từ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Các cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ phải chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, giữ gìn lòng tin đối với người học và xã hội thông qua liên tục nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Nói cách khác, cơ chế tự chủ chính là cái đòn bẩy cho phát triển giáo dục đại học, đã có điểm tựa chắc chắn, cần phải gỡ bỏ mọi sức cản và tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước vào đúng chỗ.

 Giảng viên và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tại cuộc thi Sáng tạo trẻ năm 2023 (Ảnh minh họa: nguồn Đại học Bách khoa Hà Nội)

Giảng viên và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tại cuộc thi Sáng tạo trẻ năm 2023 (Ảnh minh họa: nguồn Đại học Bách khoa Hà Nội)

Phóng viên: Từ thực tiễn cho thấy, dù chúng ta có tăng nguồn lực từ Nhà nước, từ xã hội đến đâu đi chăng nữa thì cũng không bao giờ đáp ứng được yêu cầu phát triển. Phải chăng chúng ta cần phải xác định rõ những lĩnh vực cần phải ưu tiên, các trình độ của giáo dục đại học cần phải ưu tiên, thưa Thứ trưởng?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn: Đúng vậy, đã là đầu tư thì dù từ nguồn lực của Nhà nước hay xã hội cũng cần ưu tiên vào những nơi mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất, tạo sức bật lớn nhất cho cả hệ thống. Đối với cả hệ thống giáo dục đại học thì đầu tư cho thu hút, đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên gắn với công tác nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ cần phải được ưu tiên hàng đầu.

Đối với người học thì đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện chính sách cần được đặc biệt quan tâm.

Các lĩnh vực đào tạo cần được ưu tiên đầu tư cũng đã được chỉ rõ trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đó là các lĩnh vực thiết yếu đối với lợi ích chung của toàn xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đặc biệt các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ then chốt phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ cao.

Cuối cùng, các cơ sở giáo dục đại học cần được ưu tiên đầu tư nhiều nhất chính là các cơ sở giáo dục đại học công lập có uy tín và năng lực mạnh nhất cả nước và từng vùng về đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực ưu tiên, có khả năng dẫn dắt và ảnh hưởng lan tỏa tới toàn hệ thống.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.

Thùy Linh (thực hiện)

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tu-nay-toi-nam-2030-can-tang-nguon-luc-tai-chinh-cho-gddh-len-it-nhat-2-3-lan-post243503.gd