Từ nghĩ khác đến làm khác

Là một trong những chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN,ÐMST), PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho rằng: 'Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN,ÐMST và chuyển đổi số quốc gia, không chỉ là sự thay đổi trong hành động, mà còn là sự thay đổi trong tư duy. Từ 'nghĩ khác' đến 'làm khác', Nghị quyết này khuyến khích các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp (DN) và nhà khoa học dám nghĩ lớn, làm lớn, chấp nhận rủi ro để tạo ra những đột phá có tính chất thay đổi cục diện'.

PGS, TS Vũ Hải Quân khuyến nghị, tỉnh cần có chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, cần có chính sách đào tạo lại đội ngũ, trước mắt là đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức của địa phương, nhằm nâng cao năng lực, tư duy đổi mới, cách tiếp cận công nghệ, ÐMST và CÐS.

PGS, TS Vũ Hải Quân khuyến nghị, tỉnh cần có chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, cần có chính sách đào tạo lại đội ngũ, trước mắt là đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức của địa phương, nhằm nâng cao năng lực, tư duy đổi mới, cách tiếp cận công nghệ, ÐMST và CÐS.

Theo đó, PGS.TS Vũ Hải Quân đã chỉ ra nhiều khía cạnh vấn đề, cùng những giải pháp thiết thực để Cà Mau bứt phá trong thực hiện chủ trương. Cụ thể, tỉnh cần có sự đầu tư lớn cho KHCN, riêng đầu tư cho R&D (những người đảm nhiệm các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong quá trình sản xuất) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ khu vực tư nhân chiếm trên 60%. Song song đó, phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, giải phóng sức sáng tạo và tạo điều kiện cho các nhà khoa học mạnh dạn thử nghiệm.

Và điều đặc biệt là phải trao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, khuyến khích sự sáng tạo thực chất. Xem DN là trung tâm trong hệ sinh thái ÐMST, đóng vai trò then chốt trong việc ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học. Các tổ chức nghiên cứu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tri thức mới, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, những thách thức trong triển khai cũng không hề nhỏ. PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng, DN thiếu niềm tin vào tính khả thi của các sáng kiến KHCN, ÐMST, khiến cho việc huy động hơn 60% kinh phí R&D từ khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn. Các nhà khoa học và trung tâm nghiên cứu chưa được trao quyền và tạo điều kiện để thử nghiệm các sáng kiến mới. Việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Ngược lại, người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương vẫn chưa thật sự tin tưởng vào khả năng của nhà khoa học và DN trong việc tạo ra động lực tăng trưởng thông qua ÐMST và chuyển đổi số (CÐS) quốc gia.

Thêm vào đó, sự thiếu hụt cán bộ có chuyên môn KHCN trong đội ngũ lãnh đạo, nguồn nhân lực không đảm bảo cũng là một trong những rào cản lớn. Rõ ràng, tỷ lệ lãnh đạo cao cấp trong các cấp ủy và các cơ quan quản lý Nhà nước được đào tạo chuyên môn về KHCN và ÐMST vẫn còn thấp. Thiếu lãnh đạo có kiến thức chuyên sâu và toàn diện để xây dựng và hoạch định chính sách phát triển KHCN và ÐMST. Nguồn nhân lực cho KHCN và ÐMST ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

"Bên cạnh đó, công tác quản lý khoa học vẫn dựa trên cơ chế phê duyệt và giám sát, thay vì trao quyền tự chủ cho các nhà khoa học và trung tâm nghiên cứu. Thủ tục hành chính phức tạp trong phê duyệt dự án, thanh quyết toán kinh phí và mua sắm thiết bị khiến cho các sáng kiến bị kéo dài và chậm tiến độ. Chưa có cơ chế khuyến khích rủi ro, nên các nhà khoa học vẫn phải chịu trách nhiệm nếu dự án không thành công, khiến cho tâm lý an toàn trở nên phổ biến, hạn chế các thử nghiệm đột phá", PGS.TS Vũ Hải Quân phân tích.

Phải nhìn nhận rằng, nhiều địa phương lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai các chính sách hỗ trợ ÐMST, đặc biệt là trong lĩnh vực CÐS. Một số địa phương vẫn phụ thuộc vào chỉ đạo từ Trung ương, thiếu chủ động trong xây dựng cơ chế khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp ÐMST. “Nhiều sáng kiến đổi mới bị nghẽn ở cấp thực thi, làm suy giảm hiệu quả của các chương trình R&D và CÐS”, PGS.TS Vũ Hải Quân nêu thực tế.

Ðội ngũ công chức Sở KH&CN tỉnh không ngừng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, thực hiện nhiều dự án KHCN.

Ðội ngũ công chức Sở KH&CN tỉnh không ngừng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, thực hiện nhiều dự án KHCN.

PGS.TS Vũ Hải Quân khuyến nghị, Ban Chỉ đạo của tỉnh cần phối với các trường đại học, viện nghiên cứu, cùng với lãnh đạo từng địa phương cần xác định được đâu là sản phẩm chiến lược của địa phương. Trên cơ sở đó, sẽ đầu tư vào KHCN chiến lược để nâng cấp chuỗi giá trị cho sản phẩm chiến lược theo hướng DN sẽ đồng hành cùng chính quyền địa phương. Trong đó, Nhà nước áp dụng quy tắc 40/60, Nhà nước sẽ chi ra 40% ngân sách để hỗ trợ việc nghiên cứu, DN sẽ bỏ ra 60% ngân sách để làm thế nào nâng cao giá trị của sản phẩm chiến lược. Theo đó, sản phẩm chiến lược và công nghệ chiến lược phải có mối quan hệ hữu cơ. Từ đó, Nhà nước, DN và trường đại học sẽ tạo ra được bộ kiềng 3 chân để cùng nhau nghiên cứu và cải thiện sản phẩm. Ðiều này sẽ giúp DN chia sẻ rủi ro và tích cực tham gia R&D.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư KHCN, ÐMST và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, như: thành lập Quỹ ÐMST tỉnh đồng tài trợ dự án R&D; huy động từ ngân sách địa phương và đóng góp của DN cho các dự án nghiên cứu ứng dụng, chia sẻ rủi ro, vừa khuyến khích DN đặt hàng nghiên cứu từ viện/trường. Tỉnh cần bổ sung danh mục ngành ưu tiên được ưu đãi thuế đặc thù phù hợp cho các DN đầu tư hoạt động R&D, đổi mới công nghệ. Phát triển không gian khởi nghiệp, ÐMST tỉnh.

Ðặc biệt, tỉnh cần có chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, cần có chính sách đào tạo lại đội ngũ, trước mắt là đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức của địa phương, nhằm nâng cao năng lực, tư duy đổi mới, cách tiếp cận công nghệ, ÐMST và CÐS. Song song đó, có chính sách thu hút các sinh viên có năng lực về làm việc tại tỉnh nhà, bằng cách có thể vận động DN hoặc thông qua HÐND thành lập quỹ hỗ trợ cho sinh viên vay học tập và cam kết trở về làm việc tại địa phương. Ðây cũng là cách có được nhân tài thật sự về đóng góp cho địa phương.

“KHCN, ÐMST và CÐS, không có con người thì không thể làm được. Tương tự như vấn đề chính sách, dù chính sách có hay đến mấy nhưng con người không ngang tầm với nhiệm vụ thì chính sách cũng không thực hiện tốt được; ngược lại, dù chính sách có khi chưa được hoàn thiện nhưng nếu như có những con người đủ tầm thì từng bước sẽ vượt qua được những rào cản chính sách, tạo ra được những chuyển biến”, PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tu-nghi-khac-den-lam-khac-a38751.html