'Mở cửa' công nghiệp đường sắt

Với quy mô đầu tư của hệ thống đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị tới đây rất lớn, các doanh nghiệp Việt đều nhận định đây là cơ hội lớn để làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Không chỉ các doanh nghiệp xây dựng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất vật liệu cũng đã và đang rốt ráo "bắt tay" những phần việc cụ thể từ đào tạo nhân lực đến lên phương án đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 mới đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát sẽ đầu tư nhà máy sản xuất thép ray đặt tại Dung Quất 2 với tổng mức đầu tư 14.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ tập trung sản xuất các loại thép ray để làm đường ray, ga tàu, hầm chui… Với dự án sản xuất thép chất lượng cao này, Hòa Phát mong muốn không chỉ tham gia vào Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam mà sẽ đóng góp vào tất cả dự án trọng điểm của ngành đường sắt.

Hiện tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp đường sắt còn thấp, chủ yếu là linh kiện, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Công nghiệp đường sắt chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa phục vụ cho đường sắt hiện hữu với công nghệ cũ. Hầu hết thiết bị, đầu máy, toa xe và hệ thống tín hiệu phải nhập khẩu, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển các dự án đường sắt mới.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh cho biết, theo định hướng phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, nhu cầu sản phẩm công nghiệp đường sắt tập trung ở 4 nhóm: công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt (gồm hạ tầng dưới ray như cầu, đường, hầm và kiến trúc nhà ga; sản xuất vật liệu là ray, ghi, tà vẹt); đầu máy, toa xe; hệ thống thông tin, tín hiệu cho đường sắt hiện hữu và đường sắt điện khí hóa; hệ thống điện sức kéo (gồm đường truyền, trạm biến áp, cấp điện cho phương tiện). Liên quan đến cơ khí, công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt cần khoảng 28,7 triệu m ray; 11.680 bộ ghi; 46 triệu thanh tà vẹt…

Với lượng công việc lớn như vậy, PGS. TS Nguyễn Chỉ Sáng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng cho rằng, cần xây dựng được lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia gắn liền với việc phát triển mạng lưới đường sắt với tầm nhìn đủ dài; đồng thời thực hiện một cách nhất quán và kiên định.

"Cùng với đó là xây dựng, lựa chọn được tiêu chuẩn cho các loại hình đường sắt để có thể mô đun hóa, làm cơ sở cho nội địa hóa các sản phẩm, dịch vụ đường sắt. Phải xác định được sớm các sản phẩm, dịch vụ của công nghiệp đường sắt cần nội địa hóa và tỷ lệ nội địa hóa theo các giai đoạn để đưa các yêu cầu này vào đầu bài thầu như điều kiện tiên quyết. Giao một số công ty Nhà nước, tư nhân thực hiện việc làm chủ và cung cấp một số hạng mục dịch vụ, chế tạo thiết bị quan trọng của công nghiệp đường sắt", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đề nghị.

Phó Tổng giám đốc Công ty FECON Đỗ Mạnh Cường chia sẻ, doanh nghiệp đã chuẩn bị nhân lực để tham gia vào các dự án đường sắt đòi hỏi kỹ thuật cao từ sớm. Ngay từ năm 2014, doanh nghiệp đã đưa hàng loạt kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ đi học tập ở nước ngoài để học hỏi.

"Dù đã chuẩn bị nhân lực khá sớm nhưng gần đây doanh nghiệp mới được tham gia xây dựng một tuyến metro ở trong nước và vẫn chỉ là nhà thầu phụ", vị Phó Tổng giám đốc này chia sẻ.

Vậy nên, đại diện FECON cho rằng cần tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận công việc với vai trò chủ đạo, thay vì nhà thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài; giao nhà thầu trong nước thành lập các tổ hợp, dẫn dắt các tổ hợp và nếu thiếu nguồn lực sẽ thuê các chuyên gia, tư vấn nước ngoài.

Tàu điện vận hành chạy thử tuyến từ ga S1 đến ga S8 (ga Nhổn - ga Cầu Giấy). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tàu điện vận hành chạy thử tuyến từ ga S1 đến ga S8 (ga Nhổn - ga Cầu Giấy). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Theo các chuyên gia, để sớm phát triển công nghiệp đường sắt, tranh thủ sự ủng hộ và tham gia của các doanh nghiệp trong nước, Chỉnh phủ cần cần sớm xây dựng, ban hành tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam giúp cho các doanh nghiệp chủ động sản xuất, đáp ứng nhu cầu xây dựng hạ tầng đường sắt cho các dự án trong tương lai.

Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, Bộ Xây dựng luôn phối hợp chặt chẽ, đồng hành với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Bộ Xây dựng đặt mục tiêu phấn đấu đến 2030, Việt Nam có thể làm chủ công tác khảo sát, thiết kế và thi công đối với đường sắt có tốc độ từ 160 km/giờ trở xuống và đường sắt đô thị. Về thông tin tín hiệu, từ năm 2030 trở đi, bắt đầu sản xuất phần mềm và làm chủ thiết bị hệ thống điều khiển, hệ thống điện động lực, sản xuất đầu máy, toa xe trong nước.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 23/4/2025 về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Tại Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Xây dựng sớm xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2035, tầm nhìn 2045, qua đó làm nền tảng cơ sở thực hiện lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt thời gian tới.

Diệp Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/mo-cuacong-nghiep-duong-sat-20250505081605102.htm