Từ những mô hình hay đến chuyển mình toàn diện

HNN - Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thành phố đã mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và để lại dấu ấn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

 Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của người dân huyện Phú Lộc (cũ)

Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của người dân huyện Phú Lộc (cũ)

Chuyển biến từ cơ sở

Tại thị xã Phong Điền (cũ), sau 5 năm triển khai đồng bộ, toàn diện các tiêu chí xây dựng NTM, 15/15 xã đã đạt chuẩn, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nâng cao. Theo ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phong Điền (cũ), nay là Bí thư Đảng ủy phường Phong Dinh, điểm thành công lớn nhất là sự đồng thuận của Nhân dân, từ hiến đất, đóng góp ngày công, vật tư, tiền của với tổng giá trị lên đến 83 tỷ đồng.

Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” được triển khai đồng loạt, sâu rộng đến thôn, bản, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhờ đó, đã góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa ở các xã, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn toàn diện.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tại Huế cũng để lại nhiều dấu ấn. Tính đến cuối năm 2024, toàn thành phố đã có 107 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia là “Gia vị hoàn chỉnh bún bò Huế” của YesHue sản phẩm mang đậm bản sắc Cố đô và tiềm năng vươn tầm quốc tế.

Ngoài ra, nhiều mô hình khởi nghiệp nông thôn đang góp phần làm giàu cho các vùng quê Huế, như dự án Hichagol của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol với các sản phẩm chế biến từ atiso đỏ; Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp xanh Mộc An với các sản phẩm bột ngũ cốc từ các loại hạt; HTX Mây tre đan Bao La... Các dự án, mô hình này không chỉ tạo sinh kế bền vững, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng gắn với từng vùng miền.

Tính đến tháng 3/2025, toàn thành phố có 78/78 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó có 12 xã đạt chuẩn nâng cao và 17 thôn đạt chuẩn kiểu mẫu, vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm từ 4,93% năm 2021 xuống còn 1,4% năm 2024, dự kiến dưới 1,2% vào cuối năm 2025, hoàn thành mục tiêu trước hạn một năm.

Không dàn trải, hình thức

Giai đoạn 2026 - 2030, thành phố Huế xác định tiếp tục xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, xanh, thông minh và bền vững. Mục tiêu đặt ra gồm: Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng xã NTM kiểu mẫu, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo vùng quê đáng sống.

Tại hội nghị tổng kết 3 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 và đề xuất giai đoạn 2026 - 2030 do UBND thành phố Huế tổ chức mới đây, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình khẳng định, chương trình xây dựng NTM không thể triển khai theo kiểu dàn trải, hình thức mà phải hướng đến hiệu quả thực chất, lấy người dân làm trung tâm, lấy chất lượng làm thước đo. Việc triển khai cần tập trung vào những địa bàn, nội dung trọng điểm; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng; đồng thời đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương để tối ưu hóa nguồn lực.

Trong bối cảnh thành phố đã chuyển đổi mô hình chính quyền sang hai cấp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các cơ quan chủ trì cần chủ động phối hợp với cấp cơ sở để rà soát, phân cấp rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn, đảm bảo tính thống nhất và linh hoạt trong chỉ đạo điều hành.

Ông Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức thực hiện chương trình, trong đó cần lồng ghép hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, địa phương, nguồn tín dụng và xã hội hóa. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác giám sát cộng đồng, nhằm tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và sự đồng thuận từ cơ sở.

“Xây dựng NTM không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền các cấp, mà còn là phong trào của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Khi người dân được lắng nghe, được tham gia thì sự thay đổi mới thật sự bền vững và toàn diện”, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Bài, ảnh: TUẤN KHOA

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/tu-nhung-mo-hinh-hay-den-chuyen-minh-toan-dien-155398.html