Từ thực trạng học sinh bị ngộ độc, nghĩ về niềm tin an toàn thực phẩm
Vụ 660 học sinh Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có một em không qua khỏi đã để lại nỗi sợ không chỉ với học sinh và gia đình các em, mà còn là mối lo về an toàn thực phẩm trong trường học nói riêng, trong đời sống nói chung.
Có thể nói, đây là vụ việc nghiêm trọng nhất từ trước đến nay liên quan đến ngộ độc thực phẩm trong trường học. Báo cáo của Đội điều tra ngộ độc thực phẩm TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa ngày 5/12 cho thấy, cánh gà chiên nhiễm vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và Escherichia coli là nguyên nhân dẫn tới ngộ độc.
Theo báo cáo, điều kiện cơ sở vật chất, bếp ăn ở trường iSchool Nha Trang có khu vực sơ chế tách biệt với khu vực chế biến, vệ sinh và khu vực chế biến sắp xếp gọn gàng; cách xa nguồn ô nhiễm; có đầy đủ nước rửa tay và xà phòng; chất thải được thu gom và xử lý hằng ngày. Khu vực bếp có đầy đủ các thiết bị, dụng cụ để chế biến thực phẩm, trang bị tủ lưu mẫu riêng biệt, tủ đựng bộ dụng cụ dùng cho thực phẩm sống riêng biệt với bộ dụng cụ dùng cho thực phẩm chín.
Điều này có thể thấy, quy trình chế biến, nguồn thực phẩm là nguyên nhân chính của vụ ngộ độc lần này. Như vậy, cơ sở vật chất đủ chuẩn chưa hẳn đã đủ an toàn. Cụ thể, việc thực phẩm chưa rã đông hoàn toàn, nấu chưa chín kỹ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo cũng là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật trong thức ăn phát triển gây nhiễm khuẩn thức ăn.
Các chuyên gia trong quá trình theo dõi vụ việc đã nêu ra các con đường có thể làm thức ăn đã được làm chín nói chung và cánh gà nói riêng bị nhiễm các loại vi khuẩn. Cụ thể: thức ăn đã hết hạn sử dụng, thức ăn sau chế biến để lâu trong môi trường bên ngoài, bàn tay của đầu bếp nấu ăn bẩn, dùng chung thớt thái thịt chín và thịt sống.
Ngoài ra, những vi khuẩn này cũng có thể có trong rau sống. Dù thức ăn không nhiễm vi khuẩn nhưng khi đặt cùng với rau sống thì chúng cũng nhiễm, còn gọi là ngoại nhiễm.
Một vụ ngộ độc thực phẩm chấn động trong trường học và cả nước đặt ra hoài nghi về sự an toàn trong miếng ăn hằng ngày của học sinh và người dân vì thực phẩm bẩn dường như vẫn là “bóng ma” trong đời sống.
Không thiếu những vụ việc bị phát hiện: Cây trồng, vật nuôi đã lạm dụng thuốc tăng trưởng, tăng cân, để kiếm lợi ngay từ khâu sản xuất. Quy trình bảo quản, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng liên quan tới thực phẩm cũng còn đó những kẽ hở khiến chất bảo quản được sử dụng vô tội vạ, hoặc hiện tượng "phù phép" rau củ không đủ tiêu chuẩn VietGAP lên hàng chất lượng cao vẫn nhan nhản.
Thêm nữa, quy trình chế biến thức ăn không phải ai cũng am hiểu và thực hiện đúng. Chỉ cần một sơ suất nhỏ như mổ xẻ nguyên nhân của các chuyên gia từ vụ việc ở trường iSchool Nha Trang cho thấy, đường đi của đồ ăn thức uống cần phải chỉnh để chuẩn thêm nữa.
Cá nhân tôi không ít lần mua thực phẩm nấu sẵn ở một số hàng quán và chứng kiến người bán không đeo găng tay khi thao tác lấy thức ăn. Hoặc vừa lấy thức ăn bằng tay không vừa… cầm tiền trả lại cho khách khác, xong lại tiếp tục thao tác lấy thức ăn bỏ vào hộp.
Rất nhiều kiểu dẫn tới thực phẩm dù có nấu chín vẫn có thể nhiễm bụi bẩn, nhiễm khuẩn ngay sau đó và gây hại cho sức khỏe thực khách, rất khó lường. Nếu có những chủng loại vi khuẩn, nấm mốc dẫn tới các phản ứng tức thời, với biểu hiện ngộ độc thì quá dễ để biết.
Nhưng có thể thấy phần lớn những thực phẩm không an toàn đội lốt rau, thịt sạch; rồi các dư chất âm thầm xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn uống mỗi ngày một chút dẫn tới bệnh hiểm nghèo thì quá khó phát hiện nếu không có những xét nghiệm chuyên sâu. Và dường như nhóm này đang bị... thả nổi.
Thật khó đảm bảo những thức ăn từ chợ búa, những chiếc xe đẩy, gánh hàng rong… có thể đủ độ an toàn vì nguồn gốc nguyên liệu tạo nên nó không hề được kiểm chứng. Quy trình chế biến, bảo quản, đến tay khách hàng là một ẩn số mà hẳn người bình thường nào cũng có thể nhìn thấy có quá nhiều vấn đề, nhưng vẫn nhắm mắt cho qua.
Không khó để tìm ra người lắc đầu vì cô hàng bún không đeo găng tay khi lấy rau và bún vào tô, sau đó lại cầm tiền của khách, nhưng rồi lại dễ dàng chấp nhận do quen mắt, quen ăn. Chỉ cần no bụng và chưa chết ngay thì cứ ăn thôi.
Có lẽ đây là tâm lý chung của đại đa số người Việt khiến câu chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là “quả bom nổ chậm” trong chính mỗi người, mỗi nhà, mỗi trường học, cho đến khi một vụ việc quá lớn xảy ra. Khi ấy, mọi người giật mình, xã hội lo lắng, rồi đâu lại vào đấy, tất cả lại lắng xuống, lại sống chung, cho đến một ngày...
Một sự lẩn quẩn trong câu chuyện buồn này khiến ngành y tế cứ phải quá tải, bệnh viện được xây thêm vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, bệnh nhân nhiều đến mức phải nằm chung nhau chen chúc.
Ai cũng nói sức khỏe quan trọng nhất nhưng dường như thứ quan trọng này vẫn đang được trao cho những bàn tay khác nắm giữ, từ những bữa ăn vội vội vàng vàng, với thói quen chỉ cần no là đủ cùng sự dễ dàng chấp nhận, mau quên của mỗi chúng ta?