Tư vấn bảo hiểm gây nhầm lẫn cho khách hàng, hợp đồng bảo hiểm sẽ vô hiệu?
Sau vụ diễn viên Ngọc Lan 'tố' bảo hiểm nhân thọ, trên mạng xã hội, nhiều cá nhân cũng chia sẻ thông tin tương tự, đồng thời đặt câu hỏi, hợp đồng bảo hiểm có vô hiệu nếu nhân viên tư vấn gây nhầm lẫn cho khách?
Chị P.H.H, 45 tuổi ở khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, trước đây chị đã mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với số tiền 30 triệu đồng/ năm, thời gian đóng liên tục trong 9 năm.
Khi tư vấn cho chị H, nhân viên bảo hiểm nói rằng, với số tiền phải đóng là 270 triệu đồng, khi đến hạn chị sẽ nhận được khoảng 450 triệu đồng và khẳng định như đinh đóng cột, tiền lãi từ hợp đồng bảo hiểm cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng.
Tin lời nhân viên này và muốn chuẩn bị trước một món tiền cho con khi vào đại học, chị H đã ký hợp đồng bảo hiểm và đều đặn đóng tiền đúng hạn. Sau khi đóng xong khoản tiền cuối cùng vào năm thứ 9, chị H gọi đến đến Công ty bảo hiểm đề nghị thanh lý hợp đồng.
‘Tuy vậy, qua điện thoại tôi được biết, dù đã hoàn thành số năm đóng bảo hiểm nhưng để nhận được 450 triệu đồng tiền bảo hiểm tôi phải chờ thêm 4 năm nữa. Điều này tôi chưa từng được nghe nhân viên tư vấn bảo hiểm nhắc tới. Mặc dù biết mình sẽ nhận được số tiền đó nhưng việc phải chờ đợi thêm 4 năm khiến tôi bị nhỡ việc nên khá bức xúc’ – chị H thở dài,
Có thể nói, thời gian qua việc nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ đưa thông tin thiếu đầy đủ, thổi phồng, thậm chí sai sự thật để dụ khách hàng ký kết hợp đồng bảo hiểm không phải là chuyện hiếm gặp.
Bên cạnh đó, không ít cá nhân hiểu sai nội dung tư vấn, không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký kết nên đã xảy ra tranh chấp.
Với trường hợp nhân viên tư vấn cố tình tư vấn sai sự thật để giao kết hợp đồng, các chuyên gia pháp lý cho rằng, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp, hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được.
Nếu việc giao kết hợp đồng bảo hiểm mà có sự nhầm lẫn, gây hiểu sai về hợp đồng thì khách hàng có thể yêu cầu công ty bảo hiểm thỏa thuận lại, sửa đổi hợp đồng bảo hiểm đã ký.
Nếu không nhận được sự thiện chí khắc phục hợp đồng bảo hiểm đã ký từ công ty bảo hiểm, khách hành có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng bảo hiểm này vô hiệu do bị nhầm lẫn, để được nhận lại phí bảo hiểm đã đóng - luật sư Nguyễn Thanh Hà - Đoàn Luật sư Hà Nội nhấn mạnh.