Tử vong do tai nạn giao thông làm tổn thất 5% GDP của các quốc gia
Nếu phải đoán nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với trẻ em và thanh, thiếu niên trên toàn thế giới, bạn sẽ đoán là gì? Là sốt rét? Viêm phổi? Tự tử?... Tất cả đều ở mức cao, nhưng tai nạn giao thông đường bộ mới là lý do lớn nhất.

Mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 1,2 triệu người trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: nationaldaycalendar.com
Mặc dù con người biết cách để ngăn ngừa những thảm kịch này nhưng tai nạn giao thông vẫn cướp đi sinh mạng của hơn 2 người/phút - tức giết chết gần 1,2 triệu người/năm. Phân tích cũng cho thấy tử vong do tai nạn giao thông có thể khiến các quốc gia thiệt hại tới 5% GDP.
Trong một bài phát biểu, Tổng Thư ký LHQ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng nếu những cái chết này do virus gây ra, thì nó sẽ được gọi là “đại dịch” và thế giới sẽ phải chạy đua phát triển vaccine để ngăn ngừa “virus” này. Tuy nhiên, việc giảm số ca tử vong do tai nạn giao thông từ lâu đã bị bỏ qua, bị hiểu sai và thiếu kinh phí.
Là một phần của Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ (SDGs) và Thập kỷ Hành động vì an toàn giao thông của LHQ, thế giới đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là giảm 50% số ca tử vong do tai nạn giao thông trên toàn thế giới vào năm 2030.
Tuy nhiên, chỉ có 10 quốc gia đã giảm được hơn 50% số ca tử vong do tai nạn giao thông trong Thập kỷ Hành động trước đó, và hơn 30 quốc gia đang bám sát phía sau. Điều này cho thấy mục tiêu có thể đạt được nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta “cần hành động ngay lập tức”.
Thực tế đã chứng minh rằng, các giải pháp đảm bảo hệ thống giao thông phù hợp có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong vì tai nạn đường bộ. Do vậy, chìa khóa để đạt được mục tiêu trên là phải thiết kế và xây dựng hệ thống giao thông lấy con người làm trung tâm, và coi sự an toàn là ưu tiên hàng đầu trong mọi quyết định. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương nhất, chẳng hạn như người đi bộ, người đi xe đạp và xe máy.
Thế giới đang trải qua làn sóng cơ giới hóa chưa từng có, với hơn 1 tỷ phương tiện đang lưu thông trên đường. Giao thông cũng chiếm 1/4 lượng khí thải carbon toàn cầu và gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các thành phố. Trong bối cảnh đó, việc thiết kế các thành phố có giao thông bền vững - với làn đường dành cho xe đạp, khu vực dành cho người đi bộ và giao thông công cộng dễ tiếp cận - sẽ giúp củng cố cộng đồng bằng cách làm cho không gian đô thị an toàn hơn và đáng sống hơn.
Đồng thời, giao thông an toàn cũng góp phần hạn chế các thiệt hại kinh tế, và việc đảm bảo nhiều người hơn có thể đi lại an toàn đến trường, đến nơi làm việc… sẽ thúc đẩy sự phát triển.
Giao thông an toàn, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng cũng xóa bỏ rào cản đối với việc làm, giáo dục và mang đến cơ hội cho các nhóm yếu thế, giúp đảm bảo mọi người đều có thể phát huy được tiềm năng của mình, đồng thời giúp thúc đẩy bình đẳng giới.
Tại Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu lần thứ 4 về an toàn đường bộ vừa diễn ra tại Maroc tuần trước, các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua Tuyên bố Marrakech mới, công nhận an toàn đường bộ là “ưu tiên cấp bách về sức khỏe cộng đồng và phát triển”, và kêu gọi tăng cường các nỗ lực, được hướng dẫn bởi những nguyên tắc về công bằng, khả năng tiếp cận và tính bền vững.