Từ vụ 2 bệnh nhi tự tử bằng thuốc paracetamol: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ ngộ độc từ thuốc không kê đơn
Paracetamol là thuốc hiệu quả và an toàn nếu dùng đúng liều, nhưng nếu dùng quá liều (do vô tình hay cố ý) có thể gây ngộ độc gan nguy hiểm.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, paracetamol là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi. Thuốc được xếp vào nhóm không kê đơn (mua không cần đơn của bác sĩ), có thể mua tại bất kỳ nhà thuốc nào.
Paracetamol có mặt trong rất nhiều sản phẩm khác nhau, ở các dạng viên nén, viên sủi, siro, thuốc đạn, thuốc phối hợp... giúp hạ sốt, giảm đau; dùng để trị cảm cúm, cảm lạnh... Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc dễ dẫn đến tình trạng quá liều, do dùng nhiều sản phẩm có chứa cùng hoạt chất paracetamol một lúc hoặc tự ý tăng liều dùng...
Quá liều paracetamol gây ra những nguy cơ nào?
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, nếu sử dụng thuốc paracetamol quá liều có thể gây hại cho gan, đặc biệt với những người có bệnh về gan, nghiện rượu, có bệnh nền… Những người này khi uống paracetamol sẽ dễ bị ngộ độc hơn so với những người khác, kể cả ngay ở liều lượng khuyến cáo.

Việc sử dụng thuốc paracetamol dễ dẫn đến tình trạng nhầm lẫn hay lạm dụng và dùng không đúng cách. Ảnh minh họa.
"Biểu hiện ngộ độc paracetamol rất âm thầm, chậm rãi, kín đáo, nhiều trường hợp khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Ban đầu việc ngộ độc paracetamol có thể không có biểu hiện ra bên ngoài, người bệnh sẽ không cảm nhận được vì không có triệu chứng gì đặc biệt. Ngày đầu tiên, bệnh nhân có thể chỉ buồn nôn, mệt mỏi, nhưng sau vài ngày, viêm gan bắt đầu tăng dần lên với biểu hiện lờ đờ, mệt mỏi, rồi dần dẫn đến suy gan, hôn mê… lúc này mới được đưa vào viện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay.
Với trường hợp bệnh nhân tự tử, sau thời gian ngắn có thể biết cơ thể đang bị ngộ độc nhưng giấu bệnh, đến khi người nhà phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn. Còn với những người lạm dụng thuốc, hoặc nhầm lẫn (vì nghĩ là thuốc khác nhưng thực tế thuốc vẫn chứa thành phần paracetamol nên đổi thuốc để điều trị) khiến liều paracetamol bị cộng dồn, gây ngộ độc, mà không hề hay biết bị ngộ độc lúc nào, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết.
Cần sử dụng thuốc paracetamol đúng cách
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, việc dễ dàng tiếp cận thuốc không kê đơn và thiếu kiến thức về việc sử dụng thuốc trong cộng đồng là một vấn đề đáng lo ngại. Do đó, khi sử dụng thuốc người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng đúng liều khuyến cáo. Khi có các biểu hiện đau, sốt, người bệnh chỉ nên tự ý uống 1-2 liều paracetamol (mỗi liều cách nhau 4-6 giờ), nếu bệnh không thuyên giảm nên đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, điều trị.
Trong trường hợp phát hiện người có biểu hiện ngộ độc thuốc paracetamol, nếu mới uống có thể gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín gần nhất để được cấp cứu; những trường hợp đã có biểu hiện ngộ độc nặng thì cần đến thẳng cơ sở y tế lớn.
Ngày 9/4 mới đây, khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận cấp cứu 2 trường hợp bệnh nhi tử tự bằng thuốc paracetamol.
Cụ thể, Bệnh nhi L.T.M.P. (13 tuổi, trú tại Diễn Châu, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều. Qua lời kể của người nhà, trước lúc vào viện 7 giờ, bệnh nhi đã uống cùng lúc 30 viên thuốc paracetamol 500mg (loại thuốc được dùng để điều trị giảm đau, hạ sốt). May mắn, sau khi P. uống thuốc, người nhà phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tại đây, bệnh nhi được điều trị thuốc N-acetyl cystein để giải độc và truyền dịch tăng thải độc chất.
Một trường hợp tương tự, khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc cũng đã tiếp nhận bệnh nhi N.H.Q. (13 tuổi, trú tại TP. Vinh). Cháu Q. đã uống 24 viên thuốc paracetamol 500mg tự tử vì mâu thuẫn với gia đình. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng 2 bệnh nhi cải thiện dần và được xuất viện về nhà.